Xin hân hạnh giới thiệu đến vị quý 80 mã số nhạc chờ của Pháp Như trên Mobifone: 1 Ân cha mẹ như biển trời 50611055, 2 Ân cha mẹ như biển trời 5166917, 3 Bông hồng cài áo 50611062, 4 Bông hồng cài áo 5166918, 5 Bông hồng dâng cha 50611064, 6 Bông hồng dâng cha 5166919, 7 Bước chân Yên Tử 50611067, 8 Bước chân Yên Tử 5166920, 9 Chùa tôi 50611072, 10 Chùa tôi 5166921, 11 Còn thương rau đắng mọc sau hè 50611076, 12 Còn thương rau đắng mọc sau hè 5166922, 13 Đêm Pháp Hoa 50611080, 14 Đêm Pháp Hoa 5166923, 15 Diệu pháp 50611081, 16 Diệu pháp 5166924, 17 Diệu pháp âm 5166925, 18 Đời Tăng lữ 50611087, 19 Đời Tăng lữ 5166926, 20 Em đi trên cỏ non 50611089, 21 Em đi trên cỏ non 5166927, 22 Gánh hàng rong 50611092, 23 Gánh hàng rong 5166928, 24 Giấc mơ cánh cò 50611095, 25 Giấc mơ cánh cò 5166929, 26 Hoa kinh Bồ tát Khiêm Từ 50611097, 27 Hoa kinh Bồ tát Khiêm Từ 5166930, 28 Kinh cầu Mẹ Từ Bi 50611098, 29 Kinh cầu Mẹ Từ Bi 5166931, 30 Làng tôi 50611129, 31 Làng tôi 5166932, 32 Lạy Phật Quan Âm 50611128, 33 Lạy Phật Quân Âm 5166933, 34 Lời sám nguyện 50611126, 35 Lời sám nguyện 5166934, 36 Lời tạm biệt của người tìm đạo 50611124, 37 Lời tạm biệt của người tìm đạo 5166935, 38 Lòng mẹ 50611123, 39 Lòng mẹ 5166936, 40 Lục cúng dường 50611121, 41 Lục cúng dường 5166937, 42 Mẹ là Phật 50611119, 43 Mẹ là Phật 5166938, 44 Mẹ là vầng trăng 50611118, 45 Mẹ là vầng trăng 5166939, 46 Mẹ tôi 50611114, 47 Mẹ tôi 5166940, 48 Mẹ Từ Bi 50611110, 49 Mẹ Từ Bi 5166941, 50 Mùa duyên 50611107, 51 Mùa duyên 5166942, 52 Ngọn lửa tuổi hai 50611105, 53 Ngọn lửa tuổi hai 5166943, 54 Ống thổi lửa 50611103, 55 Ống thổi lửa 5166944, 56 Phật Hoàng Trần Nhân Tôn 50611100, 57 Phật là ánh từ quang 50611096, 58 Phật về 50611093, 59 Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật 50611091, 60 Tạ ơn mẹ 50611090, 61 Tâm xuân 50611084, 62 Tâm xuân 5166945, 63 Thì thầm với nắng 50611083, 64 Thì thầm với nắng 5166946, 65 Thiền sư Chùa Đậu 50611078, 66 Thiền sư Chùa Đậu 5166947, 67 Thờ kính mẹ cha 50611075, 68 Thờ kinh mẹ cha 5166948, 69 Tiếp bước dấu chân xưa 50611073, 70 Tiếp bước dấu chân xưa 5166949, 71 Trăng tròn tháng tư 50611071, 72 Trăng tròn tháng tư 5166950, 73 Trở lại Bạc Liêu 50611070, 74 Trở lại Bạc Liêu 5166951, 75 Vì có Phật 50611069, 76 Ví có Phật 5166952, 77 Vu Lan nhớ mẹ 50611066, 78 Vu Lan nhớ mẹ 5166953, 79 Xuân trong cửa thiền 50611063, 80 Xuân trong cửa thiền 5166954, * Để chọn bài hát làm nhạc chờ trên mạng Mobifone:Soạn tin nhắn theo nội dung như sau: 1. Đăng ký sử dụng, soạn tin: DK gởi 92242. Cài đặt bài hát- Cài đặt bài hát: CHON masobaihat gởi 9224 Ví dụ: để tải bài Đời Tăng lữ bạn chỉ cần soạn: CHON 50611087 gởi 9224 - Gửi tặng: TANG mabaihat sodienthoainhan gởi 9224 Ví dụ: để tặng bài Đời Tăng lữ cho bạn bè bạn chỉ cần soạn: TANG 50611087 số điện thoại người nhận gởi 9224 Để biết thêm chi tiết xin vui lòng truy cập: http://www.mobifone.com.vn

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

Về Miền Dưa Hấu

Lan man về dưa hấu.Theo truyền thuyết, ông tổ của nghề trồng dưa hấu ở nước ta là cụ Mai An Tiêm thời vua Hùng Vương thứ mười tám, “nhờ” bị đày ra đảo hoang mà được trời cho hạt giống quý. Cụ ăn xong thấy ngon bèn lấy hạt và trồng thử. Thế là những trái dưa đầu tiên được truyền cho con người trong hoàn cảnh như thế. Còn cái tên “hấu” thì do người Tàu ăn thấy ngon nên khen là “hẩu”, sau này đọc trại đi thành “hấu” đặt tên luôn cho loại dưa ruột đỏ vỏ xanh này là dưa hấu (?). Chẳng biết thực hay hư nhưng kêu bằng “dưa hấu” thì nghe có vẻ suông tai hơn là “dưa hẩu”, kêu “dưa hẩu” như nguyên bản chắc là bị cự sanh tử chớ chẳng chơi!
Từ cụ Mai An Tiêm, trải qua mấy ngàn năm, dân Việt đã gìn giữ hạt giống quý báu này để lưu truyền cho con cháu. Giống dưa hấu ngày nay được sự can thiệp của khoa học kỹ thuật nên đã lai tạo ra nhiều giống dưa năng suất cao, không những tròn trịa vỏ xanh, ruột đỏ mà còn nhiều hình dạng bắt mắt: nào là trái dài như trái bí đao, nào là trái tròn có màu vàng óng ả; có nơi, người ta còn cho quả dưa vào lồng kính tạo nhiều hình dáng và hoa văn theo ý muốn. Nếu cụ Mai mà sống lại chắc là “tâm phục khẩu phục” với óc sáng tạo của những truyền nhân trồng dưa hấu ngày nay.
Thế nhưng dầu đa chủng loại, mẫu mã như thế nhưng dưa hấu để chưng trên bàn thờ trong ba ngày tết phải là loại dưa truyền thống: trái tròn (tượng trưng cho sự viên mãn, sung túc), vỏ xanh ruột đỏ, nhẵn bóng. Tuy cũng có vài nhà chưng loại dưa trái màu vàng nhưng sao thấy vô vị, mùi tết dường như cũng phai đi ít nhiều. Còn dưa hấu loại dài như trái bí đao thì chưa từng thấy ai chưng lên bàn thờ bao giờ
Dẫu không được đúc kết qua câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh, nhưng dưa hấu đến tận bây giờ đã khẳng định được vị thế của mình trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Gia đình dầu túng thiếu nhưng khi tết đến, trong nhà có thể thiếu vài món kể trên (riêng pháo thì khỏi nói, nhà nước đã cấm loại hàng dễ cháy nổ này) nhưng không thể vắng cặp dưa chưng trên bàn ở vị trí trang trọng ngay giữa nhà. Không được “công nhận bằng văn bản” nhưng dưa hấu bằng con đường riêng của mình đã lẳng lặng đi vào tâm thức của người Việt bao đời, đến khi người ta nhận ra thì không thể nào thiếu vắng nó vào dịp tết cho được.
Từ Bắc – Trung – Nam nơi nào cũng có sự hiện diện của loại trái đặc biệt này (ở Việt Nam có lẽ dưa hấu được đưa vào kỷ lục về loại trái có kích thước lớn nhất). Riêng ở Miền Nam có lẽ chưa có ai bỏ công ra để tìm xem dưa hấu được trồng đầu tiên ở vùng này là ở tỉnh nào. Nhưng có hề chi, khi mà trải dọc theo dòng chảy của con sông Cửu Long, hạt giống An Tiêm đã có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Nam, được liệt vào những loại hoa quả chủ lực của mùa xuân.
Thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm.
Cà Mau, nơi được gọi là bán đảo với ba mặt giáp biển này, thiên nhiên vẫn còn “thương tình chừa lại” một mặt giáp đất liền. “Nhờ ơn trời”, vì vậy mà bao năm qua người dân nơi đây đã âm thầm xây dựng cho mình một loại trái mang thương hiệu “dưa hấu Lý Văn Lâm”. Đến Cà Mau vào dịp tết, đi thăm làng chiếu Tân Thành, ăn con ba khía Rạch Gốc, uống rượu xóm Dừa mà chưa tự tay xẻ đôi ngay tại rẫy dưa quả dưa hấu Lý Văn Lâm và cắn một miếng tức là chưa hưởng trọn phong vị cái tết nơi mảnh đất tận cùng tổ quốc.
Lý Văn Lâm là một xã ngoại ô thành phố Cà Mau – tỉnh Cà Mau, cách trung tâm thành phố khoảng năm cây số về hướng tây nam, có quốc lộ 1A cắt ngang về hướng huyện Cái Nước. Tiếp giáp các địa phương: phường 7, phường 8, xã Hòa Thành; xã Lương Thế Trân thuộc huyện cái nước và xã Khánh Bình thuộc huyện Trần Văn Thời. Lý Văn Lâm là tên người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lý Văn Lâm thời kháng chiến chống Mỹ. Đây là địa phương có truyền thống trồng dưa hấu để cung cấp cho toàn tỉnh Cà Mau vào dịp tết. Dường như vào dịp tết này, nhà nhà đều có một cặp dưa ưng ý chưng lên bàn thờ, mà nếu khách có “truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm” thì chắc ăn rằng câu trả lời của gia chủ là: Dưa hấu Lý Văn Lâm chớ đâu!
Năm 2008 toàn xã Lý Văn Lâm có khoảng 65 hộ trồng dưa hấu với tổng diện tích khoảng 32 héc ta, tập trung nhiều nhất ở các ấp: Ấp Chánh, Thạnh Điền, Bào Sơn. Trong đó Thạnh Điền có diện tích lớn nhất: trên 14 héc ta. Hộ trồng ít thì hai ba công, nhiều hơn thì bốn năm công, có hộ trồng từ sáu đến mười công dưa hấu. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Hai (ấp Thạnh Điền) trồng bảy công, ông Phan Văn Ba (ấp Chánh) trồng tám công…
Đất để trồng dưa hấu ở Lý Văn Lâm hầu hết là đất ruộng loại tốt, không nhiễm phèn mặn. Sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu thì nông dân không làm tiếp vụ đông xuân mà thuê nhân công đắp bờ bao cho chặt, tát nước cạn và lên liếp để trồng dưa. Bề ngang mỗi liếp khoảng năm mét (chưa tính mương nước) chạy dọc theo chiều dài của khu đất. Thông thường người ta chọn miếng đất nằm cạnh con kênh để thuận lợi cho việc tưới tiêu và vận chuyển sau thu hoạch. Nhưng chiều dài của mảnh ruộng trồng dưa ít khi vượt quá năm – sáu công đất vì nếu quá dài thì đến khi thu hoạch rất cực bởi thu hoạch dưa chỉ có cách cho vài trái vào bao vác lên vai và cứ thế lội phăm phăm xuống mé kênh. Khi cơ sở hạ tầng xong xuôi, là bắt đầu việc gieo giống vào bầu đất (thời điểm gieo giống thường khoảng 10 đến 20 tháng 10 âm lịch), lúc hạt lên được vài lá là đem xuống ruộng để trồng (quá trình cây dưa sống trong bầu khoảng 7 đến 10 ngày). Tùy theo giống dưa mà có thời gian thu hoạch có khác nhau nhưng trồng dưa tết thì trung bình mất khoảng 65 đến 70 ngày. Nếu xuôi chèo mát mái, giá cả tương đối thì sau thu hoạch trừ chi phí mỗi công lời 5, 6 triệu đồng trên một công là chuyện bình thường. Hơn trồng lúa nhiều lần. Thoạt nghe có vẻ dễ ăn, nhưng thật ra không dễ chút nào. Làm nông dân thì dầu trồng lúa hay trồng dưa hấu ngoài kinh nghiệm, vốn liếng, kỹ thuật ra thì còn có một yếu tố nữa không thể không kể đến đó là thời tiết tức là “ông trời”. Năm nào trúng mùa hoặc huề vốn thì “trời thương”, nhược bằng lỗ vốn thì thở dài “trời ghét”. Mùa sau lại chăm chỉ đổ mồ hôi trên mảnh ruộng của mình với một niềm hy vọng mới. Vậy thôi! Có lẽ hiếm ai có được niềm tin mãnh liệt như niềm tin mà người nông dân tin vào hạt giống của mình, tin vào lực lượng siêu nhiên “trời không phụ lòng người”. Thế nhưng cái “lực lượng siêu nhiên” ấy không ít lần làm cho người nông dân trong đó có người trồng dưa ở xã Lý Văn Lâm phải lao đao. Đó là có những năm hạn hán kéo dài đúng vào kỳ dây dưa hấu đang thời kỳ dồn sức cho trái, dân trồng dưa hấu phải chắt mót từng lon nước ngọt từ dưới kênh lên để tưới. Đến lúc dưa sắp đến kỳ thu hoạch thì trời lại “chơi khăm” đổ liên tục mấy đám mưa. Dưa đang chín mà gặp mưa thì ôi thôi khỏi phải nói, cả đám dưa “no” nước. Lắng tai nghe thì có thể nghe được tiếng lụp bụp của trái dưa căng nước nứt ra. Chỉ có thể vớt vát bằng cách huy động toàn lực gia đình, hàng xóm láng giềng nhanh tay cắt cuống dưa để đỡ bị nước ngấm vào. Nhưng vụ dưa đó cầm chắc là lỗ “sặc máu” chớ đừng nói là huề vốn cho được.
Năm nay do ảnh hưởng nhiều yếu tố nên diện tích trồng dưa hấu ở xã Lý Văn Lâm giảm khoảng 3 héc ta so với vụ dưa năm 2007. Trong đó giá phân bón tăng cao cũng là một trong những yếu tố làm giảm diện tích, đến khi giá phân bón giảm thì đã qua thời điểm, nhiều hộ trồng dưa đã xuống giống lúa vụ đông xuân. Rồi giá nhiên liệu, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng, nhiều đợt áp thấp gây mưa lớn trên diện rộng… những yếu tố đó bao vây người trồng dưa. Tuy nhiên người nông dân bao đời có khi nào nhụt chí, bằng chứng là năm nay vẫn còn 32 héc ta đủ để góp thêm hương vị để nghênh xuân Kỷ Sửu.
Cầm miếng dưa đỏ au trên tay, chưa nếm mà vị ngọt lịm đã như lan vào đầu lưỡi, mấy ai biết được người trồng dưa phải trải qua hơn sáu mươi ngày thi gan với nắng mưa ở chốn đồng không mông quạnh. Hết bón phân, tưới nước ngày hai lần sáng chiều lại căng mắt ra tìm bệnh tật, sâu bọ để kịp thời can thiệp. Ngóng gió ngóng mây xem thời tiết ra sao để mà chuẩn bị máy móc chực sẵn khi cần tát nước; thắc thỏm theo dõi diễn biến thị trường dưa hấu năm nay ra sao… hầm bà lằng đủ thứ chuyện, mỗi người trồng dưa lúc này thực sự là một nhà kinh tế học miệt vườn chứ chẳng chơi! Vốn liếng bỏ ra đâu có ít: mỗi công dưa ngốn khoảng 150 kg phân bón, rồi tiền thuê nhân công đào mương lên liếp, thuê người chăm sóc, tiền nhiên liệu, chưa kể đến thuốc bảo vệ thực vật; đến khi thu hoạch lại thêm tiền thuê người khuân vác ra bến, thuê phương tiện chuyên chở ra Cà Mau, tiền thuê bến bãi… Rồi lại phải ngồi xuyên suốt trong mấy ngày trước tết để bán dưa, người trồng dưa lúc này phải vào vai một nhân viên bán hàng để chiều lòng những vị khách khó tính nhất. Họ chỉ được về nhà trước tết khoảng một hai ngày đấy là những năm bán chạy, có khi ế ẩm phải ở đến 29 tết mới về được đến nhà cùng gia đình chuẩn bị đón năm mới.
Những năm trước, dân trồng dưa hấu xã Lý Văn Lâm được bố trí nơi bán dưa ở khu vực mà bây giờ công viên Hồng Bàng, mỗi sạp đâu chừng non bốn mét vuông với giá tám trăm ngàn đồng cho một đợt. Còn năm nay theo thông báo của UBND thành phố thì chợ dưa sẽ được bố trí dọc theo hai con đường Âu Cơ và Lạc Long Quân thuộc địa bàn phường 7 nhưng chưa biết với giá cho thuê mặt bằng như thế nào.
Anh Nguyễn Văn Nhàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm cũng là người nhiều năm gắn bó với dưa hấu, năm nay gia đình anh trồng được 06 công. Chỉ tay vào từng gốc dưa đang ra bông, anh tâm sự: “Đồng vốn bỏ ra không ít nhưng sao cứ phập phồng thấp thỏm bởi thời tiết thì ở trên trời, giá cả không do mình quyết định. Địa phương chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhiều lúc dân trồng dưa tụi tui cũng nản lắm nhưng lỡ mê dưa hấu thì phải theo thôi!”
Nhờ những người nông dân “lỡ mê dưa hấu” như anh Nhàn mà đến bây giờ Cà Mau lại có thêm một thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm, dẫu không nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục tỉnh như chiếu Tân Thành – Cà Mau nhưng luôn tồn tại và in dấu sâu đậm trong lòng những người con Cà Mau xa xứ và cả viễn khách lần đầu tiên đặt chân đến Cà Mau vào dịp xuân về tết đến
Khi tôi thắc mắc tại sao xã không quy hoạch vùng trồng dưa hấu để trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ hoặc đầu tư thích hợp. Anh Nhàn nói: “Trồng dưa hấu không giống như trồng lúa hoặc nuôi tôm, bởi mình chỉ có thể làm tối đa 2 lần trên một nơi, còn sau đó thì phải chuyển qua miếng ruộng khác thì năng suất mới cao và tránh được thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Do vậy, năm rồi thì ở ấp Chánh có diện tích nhiều nhất nhưng năm nay thì dân trồng dưa lại chuyển đến Bào Sơn và Thạnh Điền để làm”. Nghe anh nói vậy, tôi lại nghĩ dân trồng dưa có nét gì đó giống như dân du mục sống cuộc đời lang thang trên các thảo nguyên, nơi nào họ dừng chân hạ lều bạt thì nơi đó chính là nhà. Dân trồng dưa hấu cũng vậy khoảng thời gian họ ở ruộng dưa trong căn chòi dựng tạm của mình thì dường như tinh lực của họ đã trút hết vào những gốc dưa kia. Ăn cơm cũng bàn chuyện dưa hấu, đi ngủ cũng nằm mơ thấy dưa hấu, dễ dưa tốt là người vui còn dưa mà sinh bệnh thì người cũng ủ rủ lo lắng bất an.
Người xưa dạy rằng: “người quân tử vào ruộng dưa chớ sửa giày, đứng dưới cành mận chớ sửa mũ”. Còn bây giờ nếu khách phương xa về Cà Mau đúng vào những ngày thu hoạch dưa, có nhã hứng muốn về miền dưa hấu Lý Văn Lâm để xem cho mãn nhãn thì cứ thoải mái xuống ruộng sửa giày sửa mũ, thậm chí khách còn được chủ ruộng mời thử miếng dưa đỏ au mát rượi. Sau đó nếu “hăng”, khách cứ thử vác một bao dưa cơi (dưa loại nhất) từ giữa ruộng xuống mé kênh xem sao. Đảm bảo nhớ đời, tới lúc ngủ còn gọi: dưa hấu ơi!Nhược bằng trong chuyến hành trình hối hả của mình, khách không có thời gian để xuống ruộng dưa “tận mục sở thị” thì cứ vòng vèo trong thành phố ngắm chợ dưa. Đây đó, khách sẽ bắt gặp những nụ cười rạng rỡ của người trồng dưa kiêm nhân viên bán hàng của miền dưa hấu Lý Văn Lâm, mời thử một miếng cây nhà lá vườn. Khách sẽ thấy miền dưa hấu thật gần.
Blogtiengviet
lephongtu

Read more...

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2008

Ăn gian

TTC - Vừa qua, cả nước đã bị sốc khi thấy “ông E-Vờ-Nờ” đệ trình Chính phủ đề án tăng giá điện, bởi ổng bị lỗ một cách ghê gớm và khủng khiếp! Chưa kịp nghiên cứu đề án tăng giá thì ổng lại trình tiếp đề án xin duyệt khoản tiền thưởng cho cán bộ, công chức, công nhân của ngành ông, “mới” có hơn 1.000 tỉ đồng - chính xác là 1.002 tỉ Việt Nam đồng.
Dư luận và báo chí phản đối rầm rầm nên khoản tiền thưởng đó bị bác. Và để làm rõ thực hư về những khoản lỗ lã mà ổng kêu rên (kẻo nếu lỗ thực thì tội nghiệp quá!), Kiểm toán Nhà nước bèn xắn tay vào tìm hiểu. Kết quả là không nhưng không lỗ, mà ông E-Vờ-Nờ còn lãi, lãi cực lớn, đâu như hơn 3.000 tỉ VNĐ. Điều đáng để vào trang Cười cái sự đời là trong số lãi lờ khủng khiếp đó, ổng lại “để quên” 600 tỉ, chỉ nói là lời có hơn 2.000 tỉ thôi!

Hoan hô ngành Kiểm toán Nhà nước đã phanh phui được mục “để quên” này, nếu không thì dù bị bác khoản thưởng 1.002 tỉ, ông E-Vờ-Nờ vẫn còn khoản 600 tỉ này giắt lưng và sẽ thưởng cho nhau búa xua trong dịp “năm hết Tết đến” này. Đương nhiên là cái đề án xin tăng giá điện đã... im hơi lặng tiếng nhân dịp này!

* Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị và nhiều lần nhắc rằng: “Nếu đơn vị nào để xảy ra hối lộ, tham nhũng thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm”. Vậy thì cái khoản “ăn gian cú đúp” này - lời mà nói là lỗ, lời nhiều mà nói lời ít - thì biết “mần răng hề”? Cứ chiếu theo Bộ Luật Hình sự có qui định mức tham nhũng trên 50 triệu đồng thì... làm sao đó, còn đây gấp hàng ngàn lần mức đó thì hình như đã “vượt khung” quá xá rồi! Mà “để quên” như vậy thì phải có “sợi dây xuyên suốt” từ trên xuống dưới, chứ sức mấy mà một mình ông (hoặc bà) kế toán trưởng xoay xở cho đặng? Ăn gian kiểu “quốc doanh” này thì vượt xa tư doanh ở các chợ. Xem ra, sắp nhỏ ở các trường tiểu học chơi trò chơi trẻ con với nhau còn sòng phẳng hơn, xử lý có nguyên tắc hơn, nghiêm minh hơn (so với người lớn).
Tui cũng xin mượn một câu hỏi của một vị đại biểu Quốc hội đã nêu trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, hỏi một vị đầu ngành rằng liệu người lãnh đạo ngành có nghĩ đến chuyện từ chức? Nhưng thôi, bàn chuyện “ăn gian” mà lại lây lan sang chuyện từ chức thì “nô tế-bồ” (không bàn)!
BA LONG

Read more...

Muốn viết phải có vốn tích lũy

Áo Trắng - Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng trung du nghèo. Quê tôi lại chẳng có phong trào đi học, các bạn bằng tuổi và hơn tuổi tôi cứ biết đọc, biết viết là nghỉ học vào rừng kiếm củi, kiếm gạo giúp gia đình.

Tôi cũng không ít lần có ý định nghỉ học đi làm nhưng vì ba mẹ tôi kiên quyết không cho nghỉ, hai người ra sức khuyên nhủ chị em tôi chỉ có cái chữ mới có thể thoát được nghèo khó, thoát được cái khổ cực, nên chị em tôi cũng cố gắng phần nào. Một phần khác nữa là từ những năm đầu cấp II, tôi thi đậu vào lớp văn trường chuyên của huyện và bắt đầu mở ra trong tôi một thế giới hoàn toàn khác. Và tôi thấy mình thật sự thích học văn.


Tôi còn nhớ cuốn sách đầu tiên tôi đọc là một cuốn truyện viết về thiếu nhi của một chị cùng quê, chị ấy học văn rất giỏi, hơn tôi bốn tuổi. Cuốn sách ấy là phần thưởng của lớp tôi giành được trong học kỳ đầu do nhà trường tặng để khuyến khích học sinh. Đến bây giờ tôi không nhớ tên cuốn sách của chị ấy là gì nhưng tôi vẫn nhớ lối viết ngộ nghĩnh, rất trẻ thơ của chị ấy. Tôi cũng từng thử cầm bút viết thơ, truyện con nít... nhưng chẳng ra đâu vào đâu cả. Đôi lúc tôi lại nghĩ chắc do mình không có năng khiếu viết nên viết mãi không thành được cái gì cả. Thế là nản.

Cho đến năm học lớp chín, tôi có người anh họ đi học ở xa về, mang cho tôi mấy tờ báo cũ, sờn gáy, có những trang đã lẹm góc. Tôi cầm lên mới biết đó là tạp chí Áo Trắng (bộ cũ). Tôi đọc một cách say sưa hết tất cả các mục và thấy mê liền. Tôi thích quá, hỏi anh còn không cho tôi mượn thêm, nhưng anh nói chỉ có nhiêu tờ thôi. Tôi không nhớ rõ những số tạp chí Áo Trắng ngày đó anh tôi cho là số bao nhiêu, nhưng tôi còn nhớ như in đã chép lại những bài thơ trong báo vào cuốn sổ nho nhỏ của mình để thỉnh thoảng lôi ra đọc lại. Khi đó quê tôi vẫn còn nghèo lắm, sách học còn chẳng đủ nói gì đến báo đọc, vì thế chúng tôi chỉ có thể đọc báo cũ, mà họa hoằn lắm mới có những tờ báo cũ về được huyện nghèo của chúng tôi.

Từ trước đó tôi cũng đã có máu mê viết lách một cái gì đó, nhưng không thành công. Sau khi đọc mấy tờ báo cũ, niềm khao khát ấy lại bùng cháy trong tôi, tôi viết những vần thơ đầu tiên và đưa cho cô giáo dạy văn của tôi đọc. Những vần thơ đó chắc ngô nghê lắm vì cô bảo tôi không có khiếu làm thơ.

Tôi chuyển sang viết văn xuôi, ban đầu tôi viết những cảm nhận của mình về cây bàng trước mùa đông rụng lá. Tôi nhớ cô đã bảo tôi: "Đây là bài viết tả cảnh hơn là một bài văn giàu cảm xúc". Tôi nghe mà thấy nản vì bài nào tôi viết cũng bị cô giáo chê, thành ra tôi thấy việc viết lách chẳng dễ dàng gì. Vậy mà sao các bạn vẫn viết được nhỉ, thậm chí còn đăng trên báo nữa. Tôi rất háo hức hi vọng một ngày sẽ được đăng một bài nào đó trên báo, và tôi ra sức viết. Tôi viết rồi sửa, rồi lại viết...

Tôi nhớ bài đầu tiên được đăng báo là khi tôi học lớp 11 (cách đây đã hơn sáu năm), một bài tạp văn nhỏ trên báo Thiếu Niên Tiền Phong. Khi đó tôi vui lắm, hồi hộp và cảm thấy rất hưng phấn. Cuối cùng thì mình cũng đã thành công đó là viết được bài đăng báo. Có được bài đầu tiên rồi, tôi lại ao ước có được bài thứ hai, nhưng những bài viết của tôi gửi đi cứ ngày một bặt vô âm tín không thấy có hồi âm gì cả. Tôi băn khoăn không biết tại sao lại thế, tôi đọc kỹ các bài viết của các bạn và cố gắng tìm ra lỗi tại sao bài mình chưa hay, chưa đạt.

Tôi chăm chỉ đọc sách hơn, chăm chỉ tích lũy kiến thức hơn. Khi bắt gặp một ý nào hay tôi ghi lại vào một cuốn sổ nhỏ của mình để làm tư liệu. Và tôi vẫn viết đều đặn, vừa viết vừa sửa. Cô giáo dạy văn chính là người bạn đồng hành của tôi trong những ngày đầu học viết lách. Dần dần tôi hiểu ra rằng văn chương không hề dễ dãi, văn chương rất khắt khe với người cầm bút. Muốn viết được thì phải có vốn tích lũy và phải không ngừng tìm tòi nâng cao kiến thức của mình...

Bẵng đi một thời gian dài tôi không viết được gì cả, thói quen viết tự nhiên mất đi. Không phải tôi không muốn viết mà ngược lại rất muốn viết, có nhiều suy nghĩ, nhiều điều nung nấu muốn viết ra. Nhưng không hiểu sao khi ngồi trước màn hình máy tính, tôi không thể viết nổi một câu cho ra hồn. Tôi thấy mình bế tắc thật sự và lâm vào khủng hoảng. Nhìn các bạn trẻ thường xuyên xuất hiện trên mặt báo, tôi lại giật mình. Tôi nhận ra một điều rằng lao động viết cũng cần có sự cần mẫn, chăm chỉ rèn luyện. Chỉ một chút lơ là, bỏ bẵng đi là mình sẽ bị đi chậm lại, bị thụt lùi so với mọi người.

Vì vậy lao động văn chương là cuộc đua sáng tạo không ngừng nghỉ. Một chuyến đi dài hơi và cần có sự tiếp sức kịp thời. Phải có một nền tảng vững chắc để bước những bước tiếp theo. Và tôi nghĩ văn chương là sự nghiệp lâu dài, người cầm bút phải là người có vốn tích lũy kiến thức dày, càng dày càng tốt, có như vậy mới hi vọng sẽ làm được điều gì đó.

NHẬT HẠ (ĐH Văn hóa Hà Nội)

Read more...

Bài hát Việt tháng 12-2008: Sắc màu tình yêu

TT - Live show Bài hát Việt tháng 12-2008 sẽ diễn ra lúc 20g ngày 28-12 tại Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3.

Chương trình sẽ đưa khán giả về với hai ca khúc vang bóng một thời: Tiếng đàn bầu (nhạc: Nguyễn Ðình Phúc, thơ: Lữ Giang) do ca sĩ Trọng Tấn trình bày và Tâm tình người thủy thủ (nhạc: Hoàng Vân) do Hà Anh Tuấn trình bày.
Top 5 Bài hát Việt là Chong chóng gió (Hồ Hoài Anh), Chỉ một mình anh (Huy Tuấn) và Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến). Ca sĩ Lưu Hương Giang, Phương Anh, Ngọc Khuê sẽ biểu diễn lại ba ca khúc trên. Hai ca khúc lọt vào top 5 còn lại sẽ được công bố trực tiếp trong đêm live show.

Tình yêu là đề tài muôn thuở và bảy ca khúc mới được giới thiệu tháng này là những sắc màu đa dạng của tình yêu. Mùa xuân hát (An Hiếu sáng tác và phối khí, Hoàng Nghiệp trình bày) là một bài hát về tình yêu rộn ràng nhưng không kém phần nồng nàn với phong cách pop - funky.

Văn Phong - một tác giả rất trẻ và quen thuộc của Bài hát Việt - đã trở lại trong chương trình lần này với nỗi nhớ dịu êm trong ca khúc Mưa tháng giêng (Hoàng Yến trình bày) đậm chất classic. Hà Nội và em (Ngọc Thuấn sáng tác và phối khí, Ðinh Mạnh Ninh trình bày) là bản jazz dạt dào tình yêu Hà Nội với cuộc tình không thể quên. Và Con quay là ca khúc có chiều hướng R&B của tác giả nữ Lưu Thiên Hương, viết về nỗi tiếc nuối cho những trò chơi dân gian như con quay, đánh đáo, thả diều... ngày càng mai một. Ca khúc do Sơn Hải phối khí, Hà Anh Tuấn và nhóm YMC trình diễn.

Bài hát Việt tháng 12 còn chào đón ba tác giả rất trẻ lần đầu tiên đến với chương trình. Lê Cát Trọng Lý mang đến vẻ đẹp trong sáng nhưng cũng đầy khát khao trong Chênh vênh. Giản dị, chân phương, Chênh vênh lấy cảm xúc từ mối tình đẹp đẽ của nàng công chúa Tiên Dung và Chử Ðồng Tử để gửi đi khát vọng xóa bỏ những chênh vênh của phận người.

Một câu chuyện tình yêu khác - Cướp vợ - của ban rock Ngũ Cung tái hiện tục lệ hôn nhân của người Mông. Với dòng nhạc rock progressive, Ngũ Cung cho rằng đây là một thể loại âm nhạc tuyệt vời để chuyển tải nội dung táo bạo của ca khúc này. Và phong cách R&B pha hip hop thật sôi động, nhộn nhịp đã được Ðặng Tiến Hoàng - một sinh viên Nhạc viện Hà Nội thế hệ 9X - chọn cho ca khúc Chợ của mình (do ca sĩ Tô Minh Ðức thể hiện).

Q.N (tuoitre online)

Read more...

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Ngon bổ rẻ với nước trái cây

Thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể có thể chia làm 2 nhóm chính: Nhóm xây dựng và cung cấp năng lượng, đó là chất đạm, chất bột đường và chất béo. Nhóm thứ hai không thể thiếu vì nó bổ sung, hỗ trợ và giúp nhóm thứ nhất hoàn thành nhiệm vụ. Đó là vitamin, chất khoáng và nước. Khoản này được gởi gắm cho họ hàng trái cây.
Thế giới vitamin trong trái cây

Trái cây có nhiều vitamin A, C, E, kẽm, selen... như những “thức uống vị thuốc” do chứa những chất chống ôxy hóa tế bào (tức khả năng chống lại các gốc tự do, là tác nhân gây hại các tế bào của cơ thể khiến chúng ta bị bệnh, sớm “lên lão”). Các nhà khoa học trường Đại học California ở Los Angeles (Mỹ) công bố 10 loại nước trái cây mà họ gọi là “hàng đầu thế giới” về chống lão hóa là nước trái lựu, rượu vang đỏ, bưởi chùm, nước trái mâm xôi, nước anh đào, nước trái Acai, nước trái việt quất, nước cam tươi, nước trà xanh và nước ép trái táo. Riêng Tí Tởn tui xin giới thiệu với bà con 8 loại nước ép gần với người Việt mình nhất, và dễ kiếm nhất

Nước ép trái xoài có thể coi là “nhà kho” chứa vitamin A, C, E. 3 vitamin này đều có tác dụng chống ôxy hóa tế bào. Ngoài ra, xoài còn chứa một lượng sắt đáng kể. Phụ nữ uống nước xoài ngày 1 ly sẽ giảm thiếu máu do thiếu sắt vì “nguyệt san”. Nước cam tươi cũng chứa nhiều vitamin C và vitamin A. Ngoài ra nó còn chứa thiamin (B1) tham gia trong chuyển hóa năng lượng và acid folic giúp hình thành hệ thần kinh, ngăn ngừa nứt cột sống ở bào thai. Nhìn màu đỏ của cà rốt bạn biết ngay là nó cung cấp cho chúng ta nguồn beta carotene phong phú. Uống nước ép cà rốt mỗi ngày sẽ tăng cường thị lực, và chống suy giảm thị lực ở người già. Nước ép cà rốt còn chứa acid alphalipoic làm tăng khả năng chống ôxy hóa của vitamin A, C, E. Chẳng những thế, cà rốt còn chứa một protein có cấu trúc giống như insulin nên có tác dụng làm giảm đường huyết.

Một loại thực phẩm dễ kiếm, dễ trồng khác là cà chua. Bạn ăn trái cà chua chầm chậm, lúc đầu thấy vị chua, giữ nửa phút lưỡi cảm nhận thấy vị ngọt. Cà chua chứa vitamin C và beta carotene. Vị ngọt dễ chịu đó là acid glutamic một chất làm tăng sự kết nối của các tế bào thần kinh trên não. 72 công trình nghiên cứu trên nhiều trung tâm khoa học của thế giới khẳng định: Lycopene trong trái cà chua được nấu chín làm giảm ung thư tiền liệt tuyến. Các bà nội trợ nên biết công dụng này để ứng dụng “món ăn vị thuốc” mà chứng tỏ tình yêu với anh xã.

Từ khi phát hiện ra tác dụng của các flavonoid trong trái nho đỏ thì rượu vang đỏ, nước ép trái nho đỏ trở thành thuốc bổ tim. Nó làm giãn nở mạch máu, làm tăng cung lượng tim. Chất quenetin của nho đỏ có tác dụng ngăn sự ngưng tập tiểu cầu, chống huyết khối. Chất resveratrol trong nho có tác dụng chống ung thư. Nho đỏ chứa beta carotene, vitamin C có tác dụng chống lão hóa. Mỗi ngày 1 ly nước ép trái nho đỏ chừng 200ml là đủ bảo vệ cơ thể của bạn.

Táo có thể bảo vệ não chống stress, nên táo và cam được chọn cho các nhà du hành vũ trụ. Táo còn chứa acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh rất cần cho trí nhớ. Gần gũi với bà con ta còn có quả bưởi. Bưởi chứa acid citric, vitamin C, D, đặc biệt có pectin esteraz và peroxydaz chống lão hóa, khống chế tăng đường huyết... Ngoài ra còn có acid folic và một ít kali. Trong bưởi ruột hồng và ruột đỏ còn có thêm lycopene, chất chống ung thư tiền liệt tuyến. Bưởi có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón rất tốt.

Thơm (dứa) ngoài C còn chứa canxi, kali, chất xơ và giàu mangan, một khoáng chất cần thiết cho cơ thể để nuôi dưỡng khung xương và các mô liên kết. Phụ nữ nên ăn thơm chống loãng xương. Chất bromelain trong trái thơm còn được chứng minh là giảm đau nhức.

Nếu bạn định uống nước trái cây đóng hộp để tiện lợi thì phải nghiên cứu kỹ. Tốt nhất là bạn cứ mua trái cây về ép, uống liền.

Bổ nhưng phải uống đúng cách

Các bạn, nhất là các chị em đừng nghe tui tí ta tí tởn “tán” như vậy rồi đua nhau uống nước trái cây vô tội vạ để chống lại “lão” thời gian. Trong các loại trái cây đều có đường fructose, có bạn uống “nước cốt” thấy chưa đủ độ ngon lại thêm sữa, đường, kết cục là “bí phèo”. Bạn nào lỡ có thân hình phì nhiêu nên uống trước bữa để bao tử lưng lưng, ăn cơm và đồ ăn sẽ ít đi. Còn nếu muốn bồi dưỡng thì nên uống nước ép trái cây cách bữa ăn 2 giờ. Nếu định theo thói quen “tráng miệng” chỉ nên ăn một hai miếng nhỏ để tránh chướng bụng.

Các bạn bị bệnh đường tiêu hóa không uống nước ép trái cây chua, nếu bị suy thận không dùng trái cây có chứa kali như chuối, cam, bưởi, chanh, người bị tiểu đường nên tránh trái cây ngọt. Các chuyên gia cũng nhắn gởi: chỉ nên dùng nước lọc để uống tất cả các loại thuốc. Bà con đừng nghĩ uống nước trái cây ngọt ngọt dễ trôi thuốc thì có phen chúng “đánh nhau” trong bộ đồ lòng, tiền mất bệnh mang. Tỉ như nước bưởi chứa naringin sẽ ngăn cản sự hấp thu thuốc từ ruột vào máu. Tương tự nước cam và nước táo cũng có chất giống naringin...

BS TÍ TỞN

Read more...

Chiếc ô trong mưa

1 Chiều nay Bankstown lại mưa. Không ào ào, không sấm chớp và cũng chẳng bất chợt như mưa Sài Gòn nhưng không hiểu sao rất buốt. Chiếc ô vẫn xếp gọn ghẽ nơi góc phòng.
Ngày trước, mỗi khi nhìn thấy ai đó che ô đi dưới những tán cây, tôi ước gì mình giống thế để là thiếu nữ dịu dàng. Trong trí tưởng tượng của tôi, một cô gái tóc dài, váy trắng, áo trắng và giày cũng trắng, cầm chiếc ô, là hình ảnh của một thiếu nữ đẹp mà tôi luôn ước muốn đó là mình. Cô gái sẽ đứng đợi một lúc cho đến khi có một chàng trai đến và cả hai cùng đi dưới mưa. Bên dưới chiếc ô ấy là một cặp yêu nhau.
Vậy mà mùa mưa về, tôi lại cố tình không nhớ. Tôi thích cảm giác đứng trước tòa building chờ mưa tạnh để tự mình có cớ không vội vã. Tôi chỉ mỉm cười nhẹ nhàng khi thấy một cô gái đi trong mưa với chiếc ô xinh xắn. Ý nghĩ đi trong mưa cùng một chàng trai chỉ còn là một vệt rất mờ trong ký ức. Như anh, người yêu cũ của tôi trước khi tôi đi du học, cũng chỉ là một cái gì rất xa xôi...
2. Tôi qua Úc đã gần tám tháng nhưng vẫn chưa có một người bạn thân, phần vì trường tôi học không có người Việt, phần vì tôi sống khép mình. Trong mắt tụi sinh viên quốc tế, tôi là đứa khó gần với cái mặt nghiêm - ít cười và có vẻ mệt mỏi.
Có một cô sinh viên người Việt như tôi nhưng cô ấy lại không bao giờ nói tiếng Việt. Ngày tôi mới vào trường vài tháng, tôi đã chủ động làm quen với cô ấy vì vẻ ngoài châu Á của cô. Khi tôi tự giới thiệu mình là người Việt Nam, cô ấy nhìn tôi một lúc rồi mới nói khẽ: "Me too!". Tôi ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng nhưng cô ấy nghiêm mặt: "Tuyệt đối không được nói với ai chuyện này. Vy không thích!". Cô bảo rằng lúc cô mới sang, học ở trường trung học, khi cô nói mình là người Việt, bạn bè đã cười nhạo, rằng người Việt toàn làm những nghề thấp hèn mà chẳng ai chịu làm, người Việt mê đi nước ngoài vì nghèo đói. Lúc ấy cô đã bật khóc. Sự tủi nhục cho bản thân thì ít mà nỗi lòng tự ái dân tộc thì nhiều. Một khoảng thời gian cô bị cô lập bởi một nhóm "xã hội đen" trong lớp. Thế là cô chuyển trường và từ đó về sau cô chỉ sử dụng tiếng Anh, nói mình là người Trung Quốc.
Chẳng thể trách móc được ai khi những điều họ nói có phần đúng. Nhưng tự nhiên tôi lại thấy cô ta hèn nhát. Nếu là tôi, sẽ chẳng bao giờ tôi chuyển trường. Sao không thử một lần nói lên những điều mình nghĩ hơn là để người khác nghĩ sai về mình! Có lẽ vì chuyện ấy mà tôi không thể nào chơi thân với cô ta được, mặc dù tôi thèm muốn có một người bạn Việt Nam biết bao.
3. Tôi bắt đầu đi làm thêm ở tiệm giặt ủi của một phụ nữ góa chồng. Bà rất tốt, ít ra không đến nỗi vắt kiệt sức người làm thuê như nhiều chủ khác tại Bankstown. Tôi làm sáu giờ một ngày. Khi nào rảnh là chạy đến lao vào đống quần áo, bột giặt và thuốc tẩy. Lúc đầu tôi từng nghĩ mình sẽ chẳng thể nào làm công việc này lâu được. Chỉ là tôi muốn giết thời gian. Tôi không muốn mình có những khoảng trống để suy nghĩ, nhớ nhà, nhớ kỷ niệm những ngày ở Việt Nam...
Vậy mà rồi tôi vẫn tiếp tục công việc của mình cho đến nay đã là hơn sáu tháng. Ngẫm lại thấy lời cô bạn người Việt nói cũng đúng, tụi sinh viên cùng lớp chẳng ai ngoài tôi chịu ngồi làm công việc này cả.
Có đôi lần xong việc sớm, đi bộ ra trạm xe lửa, tôi lại miên man suy nghĩ không hiểu vì sao mình quyết định ra đi khi đã là sinh viên năm 3 của một trường đại học danh tiếng. Vì anh? Nếu là vì anh thì có lẽ tôi là một đứa con bất hiếu và ích kỷ nhất trên đời. Tôi vì trốn tránh nỗi đau mà rời xa gia đình để ra đi. Còn vì tương lai? Tương lai của tôi sẽ thế nào? Một cô gái Việt Nam thấp bé đầy tự ti vào bản thân. Lúc ở Việt Nam, tôi vốn đã là một người có chiều cao thấp hơn so với lũ bạn, vẫn thường hay bị gọi là bé Tí hon. Sang đây, tôi lại càng trở nên dị biệt. Liệu rằng sau khi tốt nghiệp, có công ty nào chịu nhận tôi vào làm không.
4. Sau kỳ nghỉ lễ, tôi phải làm báo cáo nhóm môn quản lý 100. Tôi vào nhóm của ba bạn nam: một ở Nam Phi, một Bangladesh và một còn lại là một gã tôi không đoán chắc được ở đâu. Cậu ta có mái tóc vàng nhưng đôi mắt đen rất châu Á. Khuôn mặt mang một vẻ mặt lạnh lùng khó hiểu và không hề tỏ ra mình là một người thân thiện. Tên hắn là Jim. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, tôi có cảm tình với hai bạn kia bao nhiêu thì tôi ghét hắn bấy nhiêu. Thô bỉ, ra vẻ công tử, chỉ biết "tận hưởng cuộc sống"... là những gì người khác đánh giá khi gặp hắn.
Khi nhóm họp để giới thiệu về bản thân, một bạn đã hỏi: "Bạn là người Hoa?". Tôi nhấn mạnh: "Tôi không phải người Hoa. Tôi là người Việt Nam!". Và Jim đột nhiên lên tiếng: "Hầu hết người châu Á trông giống người Hoa!". Tôi tức và cãi: "Tại sao bạn không nói người Hoa trông giống người châu Á?". Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn như chẳng sợ điều gì. Hắn nhìn tôi là lạ. Sau đó, theo lời mấy bạn trong lớp tôi mới biết Jim là người Trung Quốc lai Pháp và được sinh ra ở Mỹ.
Hắn không đến nỗi quá tồi như tôi nghĩ. Chẳng ai tẩy chay tôi, tôi vẫn đi học và làm việc theo nhóm với hắn. Chỉ có điều hắn luôn là kẻ trêu chọc tôi: "Hey! A tiny girl" (Ê! Cô gái bé xíu!) hoặc "Too small, too strange!" (Quá nhỏ, quá lạ!), và đám bạn của hắn phá lên cười. Những lần như thế, tôi chỉ im lặng và tiếp tục công việc của mình.
Một lần tôi bị sốt, cổ họng đau rát mà vẫn đến trường học. Giờ giải lao, lại tiếp tục nghe điệp khúc cũ: "Too small, hey child!" và những tiếng cười quái ác. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại quay sang nhìn thẳng vào mắt hắn một lúc và không cách nào kềm lại dòng nước mắt lăn dài. Tôi không hiểu vì sao mình lại yếu đuối như vậy, vì trước đây chưa bao giờ tôi phải khóc vì một chuyện đại loại như thế. Tôi chạy nhanh ra cửa rồi bắt xe lửa về thẳng nhà. Hắn không đuổi theo, lũ sinh viên xì xầm.
Suốt khoảng thời gian ngồi trên xe lửa, tôi cứ khóc mãi như vậy. Để rồi sau khi bình tĩnh tôi lại thấy ngại. Không biết ngày mai tôi gặp hắn thì sẽ như thế nào.
Tối đó, Jim gọi điện cho tôi. Ngần ngừ mãi đến cuộc gọi thứ ba tôi mới bắt máy. Jim xin lỗi tôi, Jim nói không biết rằng tôi đang bệnh, mãi đến khi tôi quay sang thấy mặt tôi đỏ gay và đôi mắt đờ đẫn mới biết tôi bị sốt. Hắn bảo hắn cũng không có nhiều bạn, muốn làm bạn với tôi nhưng không biết phải nói thế nào nên đã cố tình trêu chọc tôi. Rồi hắn kêu tôi đi bác sĩ, đừng ỷ lại vào sức khỏe. Tôi không hiểu sao Jim lại giải thích nhiều như vậy.
Cũng không hiểu vì sao trong tối đó, tôi và Jim lại có thể tâm sự nhiều điều cho nhau nghe về bản thân, gia đình... đến hơn ba giờ sáng mới đi ngủ. Sau đêm đó, tự dưng tôi thấy mình không còn ghét Jim nữa. Sáng ra, tôi dậy trễ. Thay đồ và vội vã đến trường, chạy lạch bạch lên cầu thang thì thấy Jim cũng y như tôi, hai đứa đột nhiên nhìn nhau cười.
Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng nhận được những cú phone và tin nhắn của Jim hỏi tôi đang làm gì, ăn chưa, đang ở đâu... Cảm giác có được một người bạn quả là một điều hạnh phúc lớn ở thành phố buồn tẻ này.
5. Thứ ba là ngày tôi đi làm. Tan học là tôi chạy tất tả ra trạm xe lửa. Dạo ấy trời Sydney lạnh kinh khủng. Bảy giờ tối mà cứ ngỡ như đã khuya lắm, tôi mệt mỏi lơ ngơ ngồi đợi xe lửa. Tự dưng thấy ấm áp sau lưng, quay lại thấy Jim đang đứng từ bao giờ và cởi cái jacket đưa cho tôi, còn Jim thì vẫn mặc cái áo ngắn tay dưới cái rét 7 độ C.
- Sao Jim không mặc áo đi, trời lạnh!
- Không cần, Jim khỏe lắm, thấy mát mẻ!
Tôi im lặng. Jim cũng im lặng. Hai đứa ngồi ở đó mà chẳng nói được câu nào cho đến khi tôi chuẩn bị lên xe lửa. Jim nhoẻn miệng cười và bắt tay tôi, bảo rằng khi nào về đến nơi nhớ nhắn tin cho Jim biết để an tâm.
Tối đó, Jim lại gọi điện. Jim đề nghị đưa đón tôi vì từ nhà hắn qua nhà tôi chỉ mất có mười phút đi xe hơi và vì... từ ga xe lửa lội bộ về nhà tôi gần nửa tiếng và hơi vắng. Jim bảo Jim không an tâm. Từ đó, lúc nào hai đứa cũng đi cùng nhau. Mối quan hệ giữa chúng tôi diễn ra tốt đẹp đúng mức bạn bè. Chưa bao giờ vượt qua giới hạn, thậm chí chỉ là một cái nắm tay.
Trong một lần chở tôi về, Jim bảo tôi cùng chơi một trò chơi nhỏ, Jim hỏi, tôi trả lời nhanh, không được suy nghĩ. Jim hỏi về gia đình, bạn bè... xong, câu cuối Jim hỏi: "Bạn có biết là tôi thích bạn không?". Tôi hơi bất ngờ và đáp: "Không". Jim bảo tiếp: "Và bây giờ bạn biết rồi đó”. Tôi hỏi Jim "Thích" là gì... Jim nói đó là "hình thức đầu tiên của tình yêu". Và Jim bảo sẽ chứng minh cho tôi thấy điều đó. Hôm ấy là một ngày trăng tròn, đẹp lắm, Jim đã chở tôi đi vòng vòng mấy con đường yên tĩnh có nhiều cây to. Sau đó Jim dừng lại và bảo tôi đợi một lúc. Jim ra ngoài và tìm gì đó ở cốp xe. Và tôi bất ngờ khi Jim vừa ôm đàn guitar, vừa hát. Giọng của Jim thật ấm và nhẹ nhàng. Tối hôm đó khi đã về nhà, tôi lại thấy nhớ Jim một cách lạ lùng. Một cái gì rất kỳ diệu, thân thương cứ len lỏi trong trái tim tôi suốt đêm hôm ấy.
6. Jim tặng tôi một chiếc ô màu đen, bảo rằng trời Bankstown dạo này dễ mưa, nên mang một cây ô theo. Những lần thấy tôi đứng đợi mưa, Jim đến gần và che ô cho tôi, không quên trách móc sự đểnh đoảng của tôi. Tôi chỉ cười và cùng bước đi với Jim dưới những cơn mưa lạnh buốt. Chiếc ô tôi có mang theo nhưng không bao giờ mang ra dùng vì biết sẽ có Jim đến. Đã thật lâu rồi tôi không đi dưới mưa cùng ai từ ngày chia tay anh trước đây.
Jim bảo rằng Jim ấn tượng về cô gái Việt Nam thấp bé nhưng "ngang như cua" là tôi. Jim thấy thích cách tôi trả lời Jim và muốn thử khám phá xem một cô gái như tôi có gì đặc biệt.
Chúng tôi tiếp tục có những khoảng thời gian thật vui vẻ cùng nhau. Nhưng tuyệt nhiên tôi vẫn chưa dám nói gì thêm với Jim về tình cảm của mình. Tuy nhiên tôi biết Jim là người đã giúp tôi có thể lấy lại niềm tin sau bao nhiêu đổ vỡ. Tôi từng nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ yêu ai được nữa khi lòng tin đã bị xói mòn quá nhiều. Nhưng Jim đã làm tôi tin rằng đừng bao giờ khép lòng mình lại khi cuộc sống vẫn còn tiếp diễn.
Có một lần, chủ nhà đi du lịch suốt mấy tuần liền. Một đêm, trời mưa và lạnh. Nhìn ra ngoài chỉ thấy những tán cây xào xạc, tạo nên những thanh âm buồn tẻ. Đột nhiên tôi lại thấy cô đơn kinh khủng. Không hiểu sao trong lúc đó tôi lại nhớ tới Jim và nhắn tin: "Jim, buồn và cô đơn quá!". Jim nhắn tin bảo tôi hãy nhắm mắt và nghe ba bài nhạc mà tôi thích nhất. Khi tôi nghe hết ba bài hát đó thì có điện thoại. Jim bảo: "Làm ơn mở cửa, tôi ở bên ngoài". Tôi ngạc nhiên mở cửa và thấy Jim đang co ro với cái áo ngắn tay. Trời rất lạnh, tôi trách Jim sao không mặc áo ấm, Jim chỉ cười và bảo vì vội quá nên quên.
Jim chỉ ngồi nói chuyện với tôi suốt một tiếng rồi về. Trước khi về, Jim hỏi tôi có thể ôm chào tạm biệt Jim một cái không. Tôi suy nghĩ một lúc rồi gật đầu. Với tôi, đó là cái ôm đầu tiên và ấm áp nhất mà suốt đời tôi không thể nào quên từ ngày sang Úc.
Jim hay dành thời gian rảnh để dạy Anh văn cho tôi. Jim chê tôi dở tiếng Anh quá, sao lại có thể học hàng top trong lớp? Tôi chỉ cười, có lẽ do người Việt Nam đã quen với việc siêng năng chăm chỉ học hành ngay từ khi mới lớp 1 chăng. Jim dạy cho tôi rất nhiều câu thành ngữ hay và những từ vựng mới. Trông một tên Jim lạnh lùng thường ngày và một Jim kiên nhẫn ngồi giải thích bằng những từ đồng nghĩa trong tiếng Anh cho tôi mà thấy khác nhau nhiều. Tôi đột nhiên phì cười mà không rõ lý do. Jim cau mày: "Tại sao bạn cười?". Tôi lại đáp: "Bạn dễ thương quá!". Jim đỏ mặt và không thèm dạy tôi nữa.
Những ngày nghỉ cuối tuần, tôi hay dắt Jim đi ăn phở tại một quán Việt Nam mà tôi biết. Thật may mắn khi quán này bán phở rất ngon nên tôi không phải xấu hổ giải thích: "Ở Việt Nam món này mới ngon" như tụi bạn tôi đi du học kể lại lúc tôi còn ở Việt Nam. Tôi thích cách Jim cố nói tiếng Việt chữ "phở" và điều đặc biệt là luôn muốn đọc đúng tên tiếng Việt của tôi: "Thuyên". Cứ mỗi lần nghe Jim gọi tôi, tôi lại bật cười. Jim đỏ mặt và cứ hỏi đi hỏi lại: "Có gì sai?". Tôi lặp lại câu nói cũ: "Bạn dễ thương quá!".
7. Jim bảo hết học kỳ này Jim sẽ phải về nước luôn. Jim nói cha mẹ muốn Jim quay về, quản lý công ty. Dù rất buồn nhưng tôi vẫn an ủi Jim, rằng chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Kể từ hôm ấy, chúng tôi càng thân thiết nhau, rất hạnh phúc. Jim nói thật sự Jim không muốn xa tôi. Nghe câu nói ấy thôi tôi đã thấy ấm lòng.
Thứ bảy. Tôi lên thư viện và bỏ quên điện thoại ở nhà. Tôi đã gần như thấp thỏm không yên khi nghĩ đến việc Jim sẽ lo lắng cho tôi thế nào khi nhắn tin và gọi điện cho tôi không được. Nhưng tôi không thể về vì phải xong bài tiểu luận sớm. Đến chiều về, tôi đã nghĩ trong đầu giải thích thế nào cho Jim và chắc chắn Jim sẽ giận tôi lắm.
Nhưng khi về đến nhà, tôi thật sự bất ngờ khi điện thoại không tin nhắn, không cuộc gọi nhỡ nào. Tôi vội vàng nhắn tin và gọi cho Jim nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Từ hôm đó, tôi không nhận được tin nhắn và cuộc gọi nào từ Jim nữa. Tôi cũng không cách nào liên lạc được với Jim. Sang ngày thứ năm, tôi gặp Jim ở trường. Jim nhìn tôi cười nhẹ rồi đi thẳng, không nói chuyện cùng tôi như mọi khi. Tôi không hiểu đã có chuyện gì xảy ra, suốt buổi học tôi cứ suy nghĩ miên man nhiều điều và thỉnh thoảng lại quay sang nhìn Jim. Jim không nhìn lại tôi, khuôn mặt Jim cứng đơ như tượng.
Jim phải học thêm một môn nữa nên đến hơn 7 giờ tối mới kết thúc. Tôi về sớm và ngồi ở trạm xe lửa đợi Jim như thường lệ, không quên mua một cây "tre may mắn" để tặng Jim. Tôi nghĩ vấn đề riêng của Jim chắc có lẽ khó khăn lắm nên mới khiến Jim như thế. Một tiếng rồi hai tiếng, tôi đợi mãi mà không thấy Jim đâu. Tôi nhắn tin rằng đợi Jim đã hai tiếng rồi, lát sau Jim xuất hiện, nhận cây "tre may mắn" từ tôi rồi lên xe về thẳng. Jim không chở tôi về nhà như những lần trước nữa. Tôi ngẩn ngơ mãi một lúc rồi leo lên xe lửa về nhà. Lần ấy, tôi đã khóc nức nở suốt quãng đường về. Cảm giác bị bỏ rơi khiến tôi đau hơn bao giờ hết.
Tối đó, Jim nhắn tin xin lỗi tôi, Jim bảo Jim đã có bạn gái. Cô ấy sang thăm Jim mấy ngày hôm nay. Tất cả những gì Jim đối với tôi, Jim nhận ra chỉ là sự ngộ nhận. Jim nói rằng con người ta ai cũng có những phút giây ngộ nhận. Và khi đã biết mình ngộ nhận thì phải trở về với hiện thực.
Tôi không rõ trong mối quan hệ giữa tôi và Jim, ai là người ngộ nhận. Có thể tôi, có thể Jim. Và dù người ngộ nhận là ai đi chăng nữa thì tôi vẫn thấy mình bị tổn thương. Nhưng dù sao tôi vẫn cảm ơn Jim vì Jim là người đã giúp tôi có những ngày sống vui vẻ, dù ngắn ngủi tại xứ người.
Hiện thực của tôi chỉ là một con bé Việt Nam nhỏ bé, tự ti, không bạn bè, người thân. Hiện thực của Jim là một chàng trai giàu có đã có người yêu, rất chung thủy. Và Jim không nên là một người phản bội.
Sau sự ngộ nhận, tất cả đều phải tỉnh giấc.
Đêm đó, những niềm tin đang chuẩn bị nảy mầm cũng đã mất hết.
Tôi mỉm cười nhớ lại ngày trước lúc ở Việt Nam, anh từng bảo với tôi y như Jim bây giờ: "Tất cả chỉ là ngộ nhận!". Có nhiều điều tôi không hiểu, vì sao có thể biết được mình đang ngộ nhận dễ dàng như anh, như Jim? Và thế nào mới là không ngộ nhận?
8. Jim về nước thật. Ngày Jim đi, tôi vẫn tiễn Jim. Jim ôm tôi và bật khóc. Tôi không khóc. Nước mắt đã rơi hết vào đêm Jim bỏ tôi lại trạm xe lửa và nhắn tin cho tôi. Jim im lặng không nói gì thêm với tôi. Tôi cũng chỉ nhìn Jim, lòng vẫn nhói đau không hiểu vì sao.
Tôi cắt tóc. Mái tóc dài đen trở nên ngắn củn. Nhìn vào gương mà tôi còn không nhận ra chính mình. Thế là cái thú ngồi chải tóc mỗi sáng thức dậy không còn. Nhưng tôi vẫn thức dậy sớm, nhìn chăm chú vào khuôn mặt buồn bã của mình và thấy đầu óc xáo trộn nhiều ý nghĩ. Bước vào lớp chợt thèm nghe tiếng trêu chọc của Jim ngày nào, nhưng không. Chỉ có đám bạn cùng lớp ngạc nhiên tiếc rẻ mái tóc dài của tôi.
Học kỳ mới lại bắt đầu. Sự chuẩn bị bài vở ngang bằng con số không trong khi giờ làm thêm tăng nhiều hơn trước. Rã rời nhìn lại năm tháng đã qua, chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ mấy vết phỏng lốm đốm trên bàn tay. Một, hai , ba... sáu vết nằm cạnh nhau tạo nên "không gian cà phê" mà dụng cụ pha chế là mấy cái máy ủi dập hơi nước. Đúng là chẳng nghề nào dễ cả. Nhiều lúc muốn nghỉ nhưng nghĩ tới mồ hôi của ba mẹ lại thôi. Không đứa con nào có quyền dửng dưng với nỗi nhọc nhằn đó cả. Nhìn những vết sẹo đó, đôi khi lại làm tôi tự nhắc mình nhiều điều. Vì trước khi hình thành vết sẹo xấu xí, bao giờ cũng là những cơn đau.
Những lần ngồi xe lửa, tôi lại mông lung nghĩ về anh, về Jim. Ừ thôi, rồi tất cả sẽ chỉ là những vệt mờ trong ký ức...
9. Chiều nay Bankstown lại mưa. Không ào ào, không sấm chớp và cũng chẳng bất chợt như mưa Sài Gòn nhưng không hiểu sao rất buốt. Chiếc ô vẫn nằm gọn ghẽ ở góc phòng. Ngày trước, mỗi khi nhìn thấy ai đó che ô đi dưới những tán cây, trong mưa, em ước gì mình như thế để được một lần nữa là thiếu nữ dịu dàng...


HÀ THANH PHÚC

Read more...

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

Đà Lạt: Thác Cam Ly đang bị “bức tử”!

TTO - Thác Cam Ly, một địa chỉ du lịch nổi tiếng của “thành phố sương mù” (cách TP Đà Lạt khoảng 7km) đang từng ngày “chết dần” bởi hàng đống rác thải đổ xuống mỗi ngày.

Từ nhiều tháng nay, lượng khách đổ về tham quan thác Cam Ly đột nhiên vắng hẳn. Khung cảnh thác Cam Ly bỗng ảm đạm, vắng vẻ hơn rất nhiều so với vẻ thường ngày vốn có trước đây. Lý do, theo nhiều du khách là giờ đây thác đã quá ô nhiễm, dòng nước đổi màu và bốc mùi quá nặng, không thể tắm hay ngồi nghỉ thư giãn được nữa.

Theo quan sát của chúng tôi, nước lòng thác đã đổi thành một màu xanh đậm trông rất dơ, nhiều đoạn nước có màu đen và bọt bẩn dạt thành từng đám. Giữa dòng nước vốn không còn trong trẻo ấy, từng túi ni lông, giẻ rách lẫn cây cối trôi lềnh bềnh, dạt thành từng đống. Lượng rác thải nhiều đến nỗi khiến dòng nước tắc nghẽn, rác bấu víu vào các tảng đá và các rễ cây hai bên bờ.

Số rác thải này được đổ về từ dòng nước của hồ Xuân Hương cộng với một lượng rác rất lớn từ các khu vực dân cư thải ra khiến các ghềnh thác của Cam Ly ngập trong rác. Không chỉ thế, phía trên cạn, xung quanh các tảng đá và các bãi nghỉ, rác thải của khách du lịch cũng tràn đầy.

Nhiều lần chúng tôi đến thác Cam Ly nhưng chỉ có rất ít lần thấy bóng dáng công nhân môi trường dọn vệ sinh, họ làm một cách hết sức hời hợt: dùng sào vớt những túi rác nhỏ, còn những túi rác lớn mắc trên cây hay tấp thành từng đống dưới lòng thác thì những công nhân này lại… dùng sào chọc để rác trôi theo dòng nước, và chúng lại… tiếp tục “mắc cạn” ở phía hạ nguồn.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở thác Cam Ly đang ở mức báo động, nếu không có sự can thiệp của chính quyền thành phố Đà Lạt thì chẳng bao lâu nữa Cam Ly sẽ trở thành… “Tô Lịch của Đà Lạt”!
HOÀNG VĂN KÍNH

Read more...

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

Mẹ tôi là cô giáo (tặng mẹ nhân ngày 20/11)

Đến nay mẹ là cô giáo được 30 năm, và con là học trò của mẹ cũng hơn 20 năm. Tính vậy để thấy con cũng là một trong những cựu học sinh lâu năm của mẹ - một học trò đặc biệt! Con còn nhớ những đêm mà mẹ dạy học cho con, vì con không thuộc bài nên mẹ phải tìm mọi cách cho con thuộc bài, nghĩ lại khung cảnh ngày xưa con thật là xúc động và thấy tự hào về cô giáo đầu tiên trong đời của con.






Bước vào nghề giáo trong những năm miền Nam vừa giải phóng. Chính người thầy như mẹ cũng chật vật hơn người nông dân vì hàng hóa thiếu, lương còi và chỉ là lương tượng trưng không đủ sống.
Mẹ kể: “Hồi đó ai cũng phải ăn bo bo để sống, đi mua hàng nhiều khi đâu có để mua. Học trò thời đó bỏ học cũng khá nhiều”, nhưng mẹ vẫn bám với nghề, không nở bỏ học trò. Đến hôm nay mẹ vẫn vui vì quyết định ấy dù không ít đồng nghiệp của mẹ ngày ấy đã bỏ nghề, có những công việc khác giàu hơn mẹ nhiều.


Đối với mẹ làm nghề giáo thì cái tâm là quan trọng nhất. Hồi đó còn là con nhưng cũng vừa là học sinh của mẹ, nhiều lúc mọi người đánh tiếng mẹ sẽ thiên vị con. Nhưng mẹ không bao giờ làm như thế bởi “mẹ luôn công tư rạch ròi, về nhà mẹ là mẹ, nhưng trên bục giảng mẹ là người thầy. Là người thầy thì phải công tâm, trong sáng”. Do vậy nếu con sai là mẹ phạt ngay, nếu con làm không được bài là bị điểm kém như ai, mẹ không hề có sự châm chước, thiên vị. Đức tính ấy cũng là bài học về làm người và ứng xử mà mẹ dạy cho con.


30 năm tuổi nghề là cả một thời gian dài với bao nhiêu lớp học trò ra đi, đến một bến bờ mới. Thế nhưng cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam nhiều người vẫn gửi thiệp hoặc về thăm mẹ, vẫn một hai xưng cô - con như ngày xưa. Có người đến ngày tết còn dẫn cả vợ con về “báo cáo” với mẹ đủ chuyện vui buồn. Có người dù đi làm, có gia đình như khi gặp khó khăn trong đời sống cũng viết thư về nhờ mẹ tư vấn…


Con đi học xa, lâu lâu mới về thăm mẹ để nghe mẹ nói về nghề. Những năm gần đây học sinh đi học nhiều, là nhà giáo mẹ vui ra mặt vì học trò giờ có điều kiện hơn. Nhưng rồi mẹ cũng thoáng buồn: “Hiện nay có nhiều thông tin xấu, không có tính định hướng cứ nhan nhản ở khắp nơi nên một số học trò có biểu hiện không hay. Hơn nữa người thầy cũng có nhiều cái sai như không minh bạch, thậm chí gợi ý học trò tặng quà trong ngày nhà giáo, lễ tết… Giáo dục vậy thì hỏng hết, sai tôn chỉ “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường”.


Mẹ phân tích chi li, tỉ mỉ từng hiện tượng sai trái của học trò và việc nào mẹ cũng nhận định có một lỗi lớn của những người thầy, cô. Nếu biết gần gũi, chia sẻ, lắng nghe cũng như sống mẫu mực thì không cớ gì học trò không nghe. Những bài học ấy đến bây giờ con vẫn được mẹ chia sẻ, nhắc nhở.
Ngày 20-11, ngày để những học trò tri ân thầy mình bằng cách học giỏi, ngoan... Con nhớ đến mẹ, nhớ đến một người thầy đặc biệt, một cô giáo trường làng mà có một thời con gọi hai danh xưng: mẹ và cô! Con cảm ơn đời đã cho con có được một người mẹ tuyệt, một người cô tuyệt vời của bao thế hệ học trò trong đó có con.

Anh Vũ

Read more...

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

Tiết học cuối cùng

Phượng hồng đã nở ngoài sân. Phút này đây thời gian chạy như gió mãi mê về cuối chân trời, bỏ quên con tim học sinh chúng tôi ở lại cùng những làn gió se lạnh, dường như không có một diễn viên xuất sắc nhưng lá vàng và hoa phượng đã hòa chung tạo thành một bản tình ca giao hưởng bất tận ngân mãi trong lòng chúng tôi để vô tình làm nhói đau một tâm trạng khi tiếng trống báo hiệu giờ học cuối cùng đã bắt đầu.

Ngày dần trôi, còn bao giây, sắp hết rồi để chúng ta nói lời chia tay. Mùa hè đến mang theo gió, theo mưa. Vẫn còn ai đó đứng ngoài hiên nhìn hoa rơi để lưu hết những kỷ niệm ngày hôm nay. Ngồi trong nắng, dưới hàng cây sân trường tựa như mới hôm nào về những khoảng thời gian vui buồn có nhau dưới mái truờng thân yêu.
Đừng xa nhé những yêu thương dành cho nhau, này tim ơi gõ nhịp lòng và tự hỏi còn bao nhiêu phút đẹp tựa thiên thần như tuổi học sinh. Lòng đang rất muốn nói gì những khi chúng ta ở bên nhau kể cả giờ ra chơi hãy giữ lấy những kỹ niệm thân yêu này trong ngày chia tay cuối năm. Ngồi bên nhau trao cho nhau những trang lưu bút sáng ngời, chiều nay ngồi trong lớp thầy cô và chúng tôi như khác mỗi ngày khi lắng từng dòng chảy của thời gian, đang làm thắm đượm tình thân ái. Còn đâu đó những giận hờn, những lúc đùa vui bên nhau bởi thời gian chỉ cho chúng ta một khoảng khắc ngắn rồi phải xa cách.
Chiều nay hẹn ai đó ngồi trong sân, viết ước mong níu giữ lại ngày hôm nay, bạn bè ơi ngồi bên nhau cười tươi lên dẫu rằng nói lời chia tay. Có những giọt nước mắt áo dài đã rơi xuống nền sân trường đỏ rực hoa phượng,. Này tim ơi nghe đồng hồ gõ nhịp đập nhắc chúng ta dù ở phương trời nào hãy giữ kỹ niệm về nhau. Thời gian ơi hãy cho ta một điều ước chỉ một lần ngừng trôi để chúng tôi sẽ còn mãi bên nhau, dù đây là ngày cuối cùng và mọi người luôn hỏi với nhau một câu rằng “ còn bao nhiêu phút”.
" Hạ lại về lòng tôi sao rạo rực
Xa bạn, xa bè, xa những kỷ niệm thương
Thời học trò ép trong trang vở trắng
Bỗng bồi hồi thức dậy trong tim tôi
Nghe bâng khuân xao xuyến muốn đi tìm
Cho dù mai sau ta xa cách
Bạn hãy nhớ trong tim bạn còn có tôi
Tình bạn ta sẽ mãi không phai ."
Bài: Vũ Luân

Read more...

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2008

Ghi nhận từ chuyến thăm trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật chùa Kỳ Quang 2

Tọa lạc tại số 154/4 trên đường Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật chùa Kỳ Quang nằm hun hút trong một con hẻm nhỏ cùng với những ngôi nhà san sát. Hôm nay chúng tôi lớp 06XH1D, chuyên ngành Xã hội học, thuộc trường Đại học Tôn Đức Thắng đến trung tâm thăm các em nơi đây và cũng tìm hiểu những hoạt động của trung tâm.

Đón tiếp chúng tôi, thầy Thích Quang Hòa cho chúng tôi biết: Trung tâm được thành lập đến nay là 12 năm, hiện nay có 216 em thuộc nhiều thành phần như mồ côi, khuyết tật, bại não, khiếm thị… ở hai cơ sở. Cơ sở 1 tại chùa Kỳ Quang 2 gồm các em tuổi từ sơ sinh đến 16, cơ sở 2 tại 136A, khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12. Các em đến đây thuộc nhiều tỉnh thành trên cả nước, có em bị bỏ rơi trước cổng chùa khi chỉ mới được sinh ra mấy ngày, có em được sở Lao động thương binh xã hội ở các tỉnh giới thiệu đến. Đa phần là các em mồ côi vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc vì nguyên nhân nào đó không thể nuôi các em nên họ đã đem vào chùa.
Ở đây, các em được sự chăm sóc của 25 thầy cô là Tăng Ni và Phật tử. Buổi sáng các em nhỏ ở trong chùa, có em đi học nghề. Tại trung tâm cũng có lớp học tình thương dạy cấp 1 cho các em mồ côi và cho cả các em có hoàn cảnh khó khăn ở ngoài vào học. Bằng tốt nghiệp của các em được của sở giáo dục Thành phố chứng nhận . Các thầy cô giáo ở đây là giáo viên của sở giáo dục đến dạy với tấm lòng từ thiện là chính.

Khi các em tốt nghiệp lớp 5 trung tâm sẽ đưa các em ra ngoài để học. Học phí của các em đóng cũng như các em bình thường ở ngoài, không có một chế độ miễn giảm nào. Phương tiện để đưa các em đi học bằng xe buýt, xe máy, có khi xe ở trung tâm đưa các em đi đặc biệt là các em khiếm thị. Khoảng học phí và kinh phí để chi tiêu cho công việc từ thiện này đều do các nhà hảo tâm, các Phật tử của chùa đóng góp. Cũng có những vị khách nước ngoài ghé thăm hỗ thợ vật chất và tinh thần. Họ cũng tình nguyện dạy anh văn cho các em mỗi tháng một ngày để nâng cao khả năng giao tiếp ngoại ngữ cho các em.
Tại trung tâm các em được kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, tuy nhiên trung tâm chỉ có chăm sóc những bệnh nhẹ còn đa phần các bệnh nặng phải đưa các em đi bác sĩ. Có em cả tuần đã bệnh 4 – 5 ngày phải đi khám bệnh ở ngoài, khoảng phí đó chùa đã phải chi trả cho các em.
Các em nhỏ bị bỏ rơi khi còn nhỏ không biết cha mẹ là ai, nhưng đến khi lớn các em cũng không muốn tìm hiểu vì nơi đây tấm lòng của sư trụ trì Thích Thiện Chiếu cũng giống như người cha quan tâm đến các em một cách chu đáo. Chính vì tình cảm đó mà các em không muốn trở về nhà mà chỉ muốn ở trong trung tâm. Tuy nhiên khi các em lớn lên lập gia đình trung tâm cũng tạo điều kiện cho các em có được việc làm ổn định cuộc sống.
Khó khăn nhất là cho các em bại não ăn uống phải đút cho các em từng muỗng cơm, chăm sóc cho các em từ việc tiểu tiện vì các em không thể làm được gì. Có những đêm các cô chăm sóc phải thức trắng khi các em bệnh, giặt giũ quần áo, rồi lao nhà khi các em tiểu tiện ra ngoài. Cô Đỗ Thị Liên, năm nay 46 tuổi, quê ở Cần Thơ cho chúng tôi biết: “Cô chăm sóc chín em bị bại não và thần kinh, nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất là 34. Khi có em lên cơn, đụng ai cũng đánh nên không dám tới gần, chích thuốc các em vùng vẫy không thể chích được, cứ ca hát suốt đêm làm mọi người không ngủ được. Mọi việc cũng chỉ trông cậy vào các chị em cùng ở tại trung tâm lo giúp. Vì công việc chăm sóc các em suốt ngày không có thời gian rãnh: sáng phải đưa các em đi vệ sinh, tắm rửa cho các em, buổi trưa phải đút cơm cho các em, chiều tối phải lo cho các em ngủ”. Cô cũng cho chúng tôi biết: “Buổi sáng thứ hai và thứ tư có các bác sĩ cho các em tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Phần lớn chỉ dành cho các em có khả năng phục hồi, còn các em bị thần kinh chỉ nằm một chỗ, không đi lại gì được, phải chăm các em cho đến suốt đời.”


Các em khiếm thị ngoài học văn hóa còn được học mát-xa, bấm huyệt, sau khi học xong sẽ được giới thiệu việc làm ở một cơ sở tại Phú Thọ, quận 11 dành cho người khiếm thị. Tại trung tâm cũng có phòng khám chữa bệnh Tây y và Đông y cho các bệnh nhân nghèo. Các em học mát-xa, bấm huyệt được thực tập tại đây vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy trong tuần. Phòng khám cũng thu hút được nhiều bệnh nhân nghèo khắp nơi đến bốc thuốc và chữa bệnh.
Có các em nhỏ khi mới sinh ra bị HIV do từ mẹ truyền sang, họ sinh ra và biết con mình cũng bị nhiễm như mình, một gánh nặng đeo mang nên họ đã bỏ các em ở trước cổng chùa. Khi phát hiện ra các em đưa các em đi thử máu thì chùa mới phát hiện nên trung tâm gởi cho các trung tâm giáo xứ Mai Hòa để chăm sóc các em kỹ càng hơn vì nơi đây có chuyên môn và đủ điều kiện.
Trong trung tâm chùa Kỳ Quang các em rất đáng thương nhất là các em mồ côi, sự hồn nhiên của các em làm chúng tôi chạnh lòng. Tương lai của các em rồi sẽ ra sao, dẫu biết rằng trung tâm đã chăm sóc cho các em rất tốt nhưng làm sao bằng gia đình được. Trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy các em nhất là kinh phí. Qua chuyến thăm này mới thấy được sự khó khăn của quý thầy ở trung tâm phải lo nhiều điều cho các em nếu không có các nhà hảo tâm trợ giúp.

Read more...

Jennifer Phạm: Đôi mắt đã "phản bội" tôi

Cô gái 22 tuổi, không khác một nữ sinh viên trẻ măng và xinh đẹp, ngồi ở văn phòng tầng 22 của tòa nhà Saigon Trade Center. Jennifer có gương mặt nhỏ phúc hậu, chất giọng thuần miền Nam dịu dàng và nụ cười thỉnh thoảng lại bẽn lẽn.

- Cơ duyên nào đã đưa chị đến cương vị Giám đốc đối ngoại của Công ty RAAS?
- À, thực ra tôi chính thức là thành viên của công ty từ hơn 1 tháng nay thôi, chỉ vì thấy hầu hết dự án, chương trình hoạt động của công ty đều mang tính từ thiện. Từ lâu, tôi đã nặng lòng với công tác từ thiện, nên đây là môi trường rất phù hợp với cả năng lực và tinh thần sống của mình.

- Một công ty chuyên cung cấp kháng thể và kháng sinh hiếm, nay lại đứng ra tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG). Chị đảm nhận công việc gì trong dự án HHTG năm 2010 tổ chức tại Việt Nam?
- Khác với nhiều đơn vị, tổ chức HHTG 2010, Công ty RAAS sẽ chịu tất cả chi phí mà thế giới yêu cầu với ý nguyện của Chủ tịch HĐQT công ty là thông qua sự kiện này để làm từ thiện. Như vậy, đã đủ để tôi đầu tư tất cả tự tin và nhiệt tình vào công việc. Trong dự án này, tôi chịu trách nhiệm thông tin, thương thảo với đối tác.
- Có nghĩa, chị sẽ làm việc ở đây đến năm 2010. Con trai nhỏ của chị ra sao khi phải xa mẹ thường xuyên như vậy?
- (Gương mặt cảm xúc khác hẳn, vầng trán vụt chau và đôi mắt càng buồn). Cũng thiệt thòi chứ. Cho nên tôi tranh thủ từng phút có thể để được ở bên chồng con, nhất là bé An Nam. Tôi không ở hẳn Việt Nam mà vẫn đi đi, về về giữa 2 nước.
May mắn là anh Dũng (ca sĩ Quang Dũng) rất thông cảm và ủng hộ công việc của tôi. Tháng 12 tới, chúng tôi sẽ đưa con trai về Việt Nam, ăn Tết ở đây, đây cũng là lần đầu tiên tôi đón Tết ở Việt Nam. Thường tôi sang đây 1-2 tuần nhưng lần này kéo dài tận 3 tuần rồi, tôi nhớ An Nam lắm.
Đầu năm nay, vì cục cưng An Nam tôi đã thay đổi chương trình y khoa. Trước đây, tôi rất mê và đã đăng ký học chuyên ngành bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, nhưng giờ chuyển sang theo chuyên ngành dược. Tôi rút ngắn một năm để gần gũi, chăm sóc con trai.

- Ông bố ca sĩ và bà mẹ trẻ hoa hậu chăm con như thế nào?
- (Cười). Hổng có gì đặc biệt đâu. Cuộc sống gia đình tôi ở bên ấy khá bận rộn. Ngày thường, buổi sáng tôi đi học. Cuối tuần anh Dũng đi hát, tôi bận tham gia chương trình từ thiện, xã hội hoặc chụp ảnh tạp chí, diễn thời trang…
Chúng tôi chỉ thực sự quây quần bên nhau vào chiều tối và sáng sớm. Ở nhà, hai đứa thay nhau chăm con, mà anh Dũng làm còn rành hơn bảo mẫu, từ pha sữa, thay tã đến hát ru, chơi đùa… Chúng tôi không có người giúp việc, cũng không ở chung bố mẹ, nên phải tự làm mọi thứ. Thí dụ, anh chơi với con, tôi nấu ăn.

- Ca sĩ Quang Dũng hát gì cho khán giả đặc biệt là vợ mình nghe?
- Thường xuyên là Vì đó là em. Bài hát “tủ” cũng là kỷ niệm khó quên của hai đứa, như lời tỏ tình với tôi. Một lần, trước khi trình diễn, anh giới thiệu bài này hát tặng riêng tôi. "Không cần biết em là ai… Không cần biết em từ đâu…" (hát khẽ).

- "Bà nội trợ" Jenny giỏi nhất với công việc gì?
- Ồ, không đến nỗi quá đảm đang, khéo léo đâu. Tôi chỉ làm bằng tình yêu và sự quan tâm, có lẽ anh Dũng cũng biết nên hay khen vợ. Hồi nhỏ, mẹ thường dạy tôi nấu ăn. Thú thật là tôi thiết kế, xếp đặt nhà cửa giỏi hơn nấu ăn. Có khi anh cũng giễu tếu để cả hai cười phá lên chứ không chê khi tôi làm sai bao giờ.

- Người ta nói “chén đĩa chung chạn còn có lúc khua nhau”, huống chi vợ chồng ăn đời ở kiếp. Với anh chị thì sao?
- Vẫn có lúc chênh nhau chứ, nhưng phải chấp nhận để dung hòa, mỗi người nhịn một chút. Chúng tôi thỏa thuận, đặt chữ tín hàng đầu. Phải hiểu và tin nhau trước đã, sau đó có gì không vừa ý, phải nói ra cho người kia biết đường mà “gảy”.
Vậy mà cũng có mấy lần hai đứa suýt giận nhau. Nhưng cứ thấy anh sắp trái ý là tôi không đành lòng để anh buồn. Trước giờ tôi giận ai đến cỡ nào cũng không cãi nhau được, chỉ biết khóc.

- Vậy chị đã bao giờ khóc vì ông xã Quang Dũng chưa?
- Chưa. Tôi chờ để… giận anh một lần xem sao, nhưng cứ sém “sụt sịt”, anh lại làm hòa, dỗ dành hay chọc cho vợ cười.

- Một năm có quá nhiều đổi thay, từ cặp đôi là tâm điểm của báo giới và đồn thổi trong năm 2007, nay cái tên Quang Dũng - Jennifer Phạm gắn với hình ảnh một gia đình nhỏ hạnh phúc, bình yên. Chị cảm thấy sao?
- Được như thế, có lẽ phải cảm ơn con trai An Nam như một cứu cánh kỳ diệu. Sự hiện diện của con là câu trả lời thuyết phục nhất của chúng tôi trước lời đồn thổi. Thời gian đầu sống trong áp lực dư luận, tôi và anh Dũng buồn lắm.
Anh lặng lẽ, còn tôi cứ khóc với bạn bè. Sau này, cả hai biết cách dành niềm tin, tựa vào nhau mà bình thản trước dư luận. Vợ chồng tôi dành tất cả yêu thương cho con trai, giả sử bây giờ phải tiếp tục chịu đựng dư luận như thế hay nhiều hơn thế, vì An Nam, để có An Nam, chắc chúng tôi cũng làm được.

- Có hoàn toàn bình thản và hạnh phúc hay còn góc khuất nào ẩn chứa trong đôi mắt buồn của chị?
- Chia sẻ từ đáy lòng, tôi hoàn toàn hạnh phúc với gia đình nhỏ và sự nghiệp của mình. Tôi theo đạo Phật, rất tin 2 chữ “duyên nợ” và “phước hạnh”. Có lẽ tôi sống có “hạnh” nên trời Phật thương, cho tôi duyên nợ tốt là anh Dũng và thêm An Nam.
Chính tôi cũng không hiểu sao mắt mình buồn thế, chúng “phản bội” tôi rồi, hay buồn giúp nhiều nỗi buồn của tha nhân trong đời sống. Tôi cũng sợ câu “hồng nhan bạc phận”, cầu mong phước hạnh của tôi có thể cứu vớt tôi khỏi quy luật khắt khe đó.

- Làm thế nào mà sang Mỹ từ năm mới lên 2, sau mười mấy năm trời mới thỉnh thoảng về Việt Nam, chị lại có thể nói tiếng Việt lưu loát, không hề chen từ đệm tiếng Anh và có tư tưởng - lối sống nề nếp, giản dị thuần Á Đông như thế?
- (Cười tươi). Xin cảm ơn câu hỏi như lời khen đó. Tôi nghĩ tất cả từ sự giáo dục của gia đình mà ra. Bố mẹ tôi sang Mỹ với hai bàn tay trắng, rồi lao vào học hành và làm việc quần quật để kiếm sống.
Từ nhỏ, tôi đã thấy những khổ cực của bố mẹ, hiểu giá trị của những đồng tiền đem về nuôi con bằng mồ hôi nước mắt, nên từ đó hình thành nên tính cần kiệm, giản dị. Tôi không cho phép mình tiêu xài phung phí hay đua đòi. Một phần quan trọng nữa, là bố mẹ luôn nuôi dạy tôi như một cô gái thuần Việt.

(Theo Mốt và Cuộc Sống)

Read more...

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

Vẻ đẹp Vương Chiêu Quân xoay chuyển cả thời đại Lịch sử Trung Quốc

Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, chính quyền trung ương dân tộc Hán ở vùng trung nguyên thường xuyên có mâu thuẫn với chính quyền các dân tộc thiểu số ở chung quanh. Biện pháp giải quyết mâu thuẫn thường là chiến tranh, nhưng đôi khi nhà vua thông qua gả công chúa để loại trừ chiến tranh, đạt tới mục đích chung sống hoà bình. Chiêu Quân xuất ải là một mẩu chuyện như vậy.


Thế kỷ thứ nhất trước công nguyên là thời nhà Hán ở Trung Quốc. Trong nội bộ chính quyền dân tộc Hung nô, một dân tộc thiểu số ở vùng tây nam Trung Quốc có sự tranh giành quyền lực, chia 5 sẻ 7, năm bộ tộc đơn lẻ đánh lộn nhau, cuối cùng chỉ còn lại hai bộ tộc Đơn Vu. Hai bộ tộc này nghi kỵ nhau liên hợp với chính quyền trung ương nhà Hán để tiêu diệt mình. Lúc này một người tên là Hô Hàn Nha của Đơn Vu tới Trường an, quốc đô nhà Hán, bày tỏ lòng trung thành với nhà vua. Vua Hán tiếp đón long trọng, và tặng cho ông nhiều lương thực, cử kỵ binh hộ ống ông về. Do được nhà Hán ủng hộ, Hô Hàn Nha đã thống nhất lại Hung nô.
Để chung sống hữu nghị đời đời với nhà Hán, năm 33 trước công nguyên, Hô Hàn Nha lần thứ 3 tới Trường An và yêu cầu kết thân với nhà Hán, mong Vua Hán gả một công chúa cho ông. Vua Hán đồng ý gả công chúa cho Hung nô. Nhà vua sai người vào cung hỏi có ai muốn gả đến Hung nô không, nếu đồng ý nhà vua sẽ coi là công chúa.
Cung nữ đều là những thiếu nữ xinh đẹp được tuyển chọn trong dân gian, họ vào cung cũng có nghĩa là mất tự do. Tuy họ mong có cơ hội trốn khỏi nơi thâm cung này nhưng khi nghe nói gả cho Hung nô thì ai cũng không muốn. Theo qui định lúc bấy giờ, cung nữ không được tự mình đến gặp vua, mà phải do hoạ sĩ trong cung vẽ chân dung cung nữ rồi đưa cho nhà vua chọn, ai được chọn mới có dịp gặp vua. Một họa sĩ đã mượn cớ này để bóp chẹt cung nữ, nhiều người phải cho y tiền bạc của cải. Có một cung nữ rất xinh đẹp tên là Vương Chiêu Quân, cô thông minh ham học, biết làm thơ, chơi đàn, hơn nữa rất ngay thẳng, song cô không hối lộ cho người hoạ sĩ. Người hoạ sĩ này hậm hực không vẽ chân dung cô, nên Vương Chiêu Quân vào cung nhiều năm mà không lần nào được gặp vua.

Khi được tin gả sang Hung Nô, vì hạnh phúc và tiền đồ, cũng vì tình hữu nghị chung sống hoà bình giữa hai dân tộc Hán và hai dân tộc thiểu số nói trên, Vương Chiêu Quân đồng ý gả cho vương hầu Hùng nô. Vua Hán biết tin này rất vui mừng và quyết định tổ chức lễ cưới long trọng cho Hô Hàn Nha và Vương Chiêu Quân tại Trường An.

Hô Hàn Nha vô cùng phấn khởi có người vợ xinh đẹp, đến tạ ơn vua Hán. Nhà vua lần đầu tiên trông thấy Vương Chiêu Quân và thấy cô đẹp như tiên, ông rất hối hận, nhưng không còn cách nào khác, chỉ còn cách để Chiêu Quân gả cho Hung nô. Vua Hán tổ chức lễ cưới và cho của hồi môn như công chúa.

Lúc đầu, Chiêu Quân không quen cuộc sống của dân tộc thiểu số Hung nô, nhưng cô khắc phục và quen dân, chung sống với người Hung nô rất hoà thuận.Chiêu Quân đã sống suốt đời ở Hung nô, truyền bá văn hoá dân tộc Hán cho dân tộc Hung nô. Đến nay ở Hu-hơ-hớt Nội Mông Trung Quốc vẫn còn có mộ Chiêu Quân. Trong hàng nghìn năm qua câu chuyện Chiêu Quân xuất xứ đã trở thành giai thoại hay được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cũng trở thành đề tài trong sáng tác thơ ca, kịch, tiểu thuyết ở Trung Quốc.

Thông tin từ: vietnamese.cri.cn Ảnh: Vũ Luân sưu tầm

Read more...

Thăm Nhà Rồng lại nhớ Dục Thanh

Hôm nay, thứ năm ngày 30 tháng 10 năm 2008 chúng tôi lớp 06XH1D, chuyên ngành Xã hội học, trường đại học Tôn Đức Thắng đến tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng có địa chỉ tại bến cảng Nhà Rồng thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi nhà có tên Nhà Rồng nguyên là trụ sở của Hãng vận tải Hợp nhất được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Từ cảng Nhà Rồng, ngày 5/6/1911, lấy tên Văn Ba, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xin làm thuê trên tàu Pháp Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Treville) rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) Nhà Rồng trở thành nơi lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi Nhà Rồng được lưu giữ, tôn tạo và trở thành nơi trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh; về Thành phố Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là về thành phố ngày nay đang góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua chuyến thăm quan bảo tàng điều làm cho tôi cảm thấy ấn tượng nhất trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Hồ Chí Minh khi cô Vũ Thị Luyến cán bộ nghiệp vụ của bảo tàng thuyết trình cho chúng tôi nghe về Bác, đặc biệt là trong khoảng thời gian Bác Hồ dạy học tại trường Dục Thanh – Phan Thiết, chính nơi đây Người đã ươm mầm xanh về kiến thức và tư tưởng yêu nước cho những học trò của mình qua những bài học của Người đã dạy.

Trường Dục Thanh (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một trong những di tích lịch sử đánh dấu là nơi người thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành đã có một khoảng thời gian dạy học. Dục Thanh là một khu bằng phẳng nằm thoai thoải ngay sát con sông Cà Ty hiền hòa thơ mộng. Không như những di tích lịch sử nổi tiếng khác gắn liền với cuộc đời của Bác như trường Quốc học Huế, Pắc Bó, Nhà Rồng… trường Dục Thanh vẫn lạng lẽ như ngày nào Bác đến nơi đây và lặng lẽ ra đi để lại trong lòng người dân Phân Thiết nỗi thương nhớ không nguôi và luôn mong mõi ngày nào đó Người sẽ trở về. Nhưng người dân quê tôi cứ mãi trông ngóng đến Người nhưng suốt cuộc đời bôn ba khắp đó đây Người đã không một lần về lại thăm Dục Thanh.

Trường Dục Thanh là một cơ sở của Công ty Liên Thành một tổ chức yêu nước nổi tiếng được thành lập hồi đầu thế kỷ 20 gồm ba bộ phận với ba chức năng:
Liên Thành Thương quán: làm kinh tế gây quỹ hoạt động
Liên Thành Thư xã: tuyên truyền và truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước
Dục Thanh Học hiệu: mở trường dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ
do các nhà chí sĩ
Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (là hai con trai nhà thơ Nguyễn Thông), Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất sáng lập ở Phan Thiết, nhằm hưởng ứng phong trào Duy TânPhan Châu Trinh, Trần Quý CápHuỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.

Công ty Liên Thành hoạt động có hiệu quả, bí mật đóng góp một phần tài chính cho phong trà0 Đông Du của Phan Bội Châu. Liên Thành thư xã do Nguyễn Hiệt Chi phụ trách mời nhiều diễn giả đến diễn thuyết, trong đó có Phan Châu Trinh, gây được tiếng vang sôi nổi. Đặc biệt Dục Thanh học hiệu đã đào tạo được một lớp trẻ học tập theo sách vở và tinh thần mới.

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 (cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) nằm ở làng Thành Đức (ngày nay là nhà số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết.

Năm 1910, Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô giới thiệu, đã đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Lúc ấy, trường có khoảng 60 học sinh và 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, thể dục... Một trong những học sinh của trường là Nguyễn Kinh Chi con cụ Nguyễn Hiệt Chi, về sau là Bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam dân chủ cộng hòa, đại biểu Quốc hội khóa I - IV, là học trò trực tiếp của thầy Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Chữ Quốc ngữ và Hán văn. Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, Đình làng Đức Nghĩa.

Dù thời gian dạy học nơi đây không dài nhưng đây là những ngày đầu người thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đem những kiến thức truyền đạt với những học sinh của mình. Người đã dạy các môn Quốc ngữ để cho các học trò của mình biết đến một thứ chữ của dân tộc ta đó cũng là một niềm tự hào vì dân tộc Việt Nam đã có chữ viết riêng. Với môn Hán văn từ lâu đời dân tộc ta đã chịu ách nô lệ của giặc phương Bắc, nên việc học môn này cũng giúp cho chúng ta tìm hiểu được những văn bản của tiếng Hán. Không những thế Người đã truyền bá lòng yêu nước, thương giống nòi vào tâm tưởng của học sinh, đây chính là những lời dạy đầu tiên cho những tư tưởng truyền bá cách mạng sau này.

Tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh và Phan Thiết vào Sài Gòn vượt đại dương đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Một vài năm sau, ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn ai phụ trách và vì nhiều lý do khách quan khác nên trường đóng cửa vào năm 1912, nhưng Công ty Liên Thành thì vẫn hoạt động mãi đến sau này.

Ngôi trường xưa Bác dạy vốn đã bị hư hỏng nhiều, nhưng trong số học sinh thầy Thành dạy năm xưa vẫn còn 4 cụ còn sống, đó là bác sĩ Nguyễn Quý Thầu, bác sĩ Nguyễn Kim Chi, cụ Từ Trường Phùng, cụ Nguyễn Đăng Lâu. Sau ngày quê hương được giải phóng, nguyện vọng của nhân dân là muốn phục chế lại ngôi trường Dục Thanh xưa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nhờ những ký ức, kỷ niệm của các cụ, vị trí ngôi trường và những thành phần kiến trúc nội, ngoại thất được hình thành qua các bản vẽ và được dựng lại từ những năm 1978-1980.

Khu di tích trường Dục Thanh gồm có các công trình chính: một gian nhà lớn phía trước với những bộ bàn ghế gỗ ngăn nắp vốn là nơi diễn ra hoạt động dạy học của thầy trò trường Dục Thanh. Bên phải gian nhà chính là Nhà Ngư được xây dựng năm 1906 và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của học sinh. Ở dãy phía sau, Ngọa Du Sào là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1880 của cụ Nguyễn Thông. Vào những năm cuối đời, cụ Nguyễn Thông ở căn nhà này ngâm thơ, bình văn và luận bàn công việc với các sĩ phu yêu nước. Lúc ở trường Dục Thanh thầy Thành đọc sách, soạn bài ở Ngọa Du Sào. Ngôi nhà này cũng được tu bổ lại, hiện vật bên trong bị xáo trộn và mất mát khá nhiều. Không thể không nhắc tới cây khế, giếng nước gắn bó với cuộc đời làm thầy của Bác Hồ ở Dục Thanh nên đó cũng là điểm chính trong khu di tích.[1]

Nói đến trường Dục Thanh, người dân Phan Thiết, Bình Thuận tự hào biết bao về một mảnh đất nghèo đã may mắn được đón chân Bác trên những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước. Ngày nay, những nơi đã từng gắn kết với Bác như Ngọa Du Sào - nơi Bác thường đọc sách; nhà Ngư - nơi thầy Nguyễn Tất Thành nghỉ lưu trú, hay khuôn viên trường Dục Thanh vẫn nguyên sơ như ngày nào. Những cây khế, cây vú sữa Bác và học trò của mình thường chăm bón lúc còn nhỏ, nay đã lớn và xanh tốt. Trải qua 98 năm, mái trường Dục Thanh vẫn rêu phong và lặng lẽ như có Người đang giảng bài trong căn phòng nhỏ. Hiện di tích Trường Dục Thanh và Công ty Liên Thành ở thành phố Phan Thiết đã được tỉnh Bình Thuận tôn tạo, bảo quản giữ gìn, không chỉ là một địa điểm văn hóa du lịch của cả nước mà còn là nơi để biết bao thế hệ con cháu Việt Nam đến tham quan học tập ở người cha già dân tộc một tinh thần bất khuất, lòng nhân hậu và ý chí tự do cho dân.

Hôm nay thăm quan Bến Nhà Rồng, tôi hồi tưởng lại những ngày còn thở bé, mỗi khi nghỉ lễ hoặc tết bọn trẻ chúng tôi thường rũ nhau đi Dục Thanh chơi. Lúc đó chúng tôi không có nghĩ rằng đây chính là nơi mà vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lúc trẻ đã đến đây dạy cho dân nghèo Phan Thiết quê tôi những con chữ đầu tiên. Và điều quan trọng nhất là những tư tưởng yêu nước thương dân khi người chưa đọc được Luận cương của Lê Nin về chính sách dân tộc thuộc địa.
Theo lời của một chị nhân viên của bảo tàng tôi ra trước cửa của lối đi vào bảo tàng có một cây khế được chiết từ cây khế ở Trường Dục Thanh. Cây khế này còn nhỏ, hình như chỉ trồng khoảng sau khi đất nước được giải phóng. Cây khế ở đây được cắt tỉa gọn gàng không giống như cây khế ở Dục Thanh rất to vì đã trăm năm rồi. Tán cây rộng che mát một khoảng sân. Lúc nhỏ chúng tôi thường ngồi ở dưới đây nghỉ trưa sau một buổi tham quan Dục Thanh mệt mỏi và hái khế để ăn nhưng lại không biết chính cây khế này đã được Bác Hồ và các học trò của mình trồng và chăm bón. Hoa khế có màu tím dịu dịu rất đẹp và đầy trên cây nên khế cho quả quanh năm. Người dân Phan Thiết quê tôi xem cây khế như một bảo vật mà Bác đã tặng cho trước khi Người vào Sài Gòn.
Trong những giờ phút này, cgungs tôi lại nhớ Bác, nhớ người thầy vĩ đại của cả dân tộc nhưng cũng gần gũi với chúng ta. Đứng trước bước ảnh di tích Dục Thanh, tôi xúc động nhớ lại những vần thơ của nhà thơ Giang Nam:

Ghế này xưa Bác ngồi đọc sách, Căn gác này Bác thức thâu đêm, Cây che mát những trò chơi tuổi trẻ, Màu hoa vàng như mặt trời lên, Sông Cà Ty nước lớn ròng hai buổi, Gió mặn khơi xa năm tháng đổ về, Nơi Bác dừng chân có lời ru của biển, Có mẹ nghèo vất vả sớm khuya, Phan Thiết bao người còn nhớ, Bài học đầu tiên Bác dạy: Hiểu mình…

Phải nói thật lòng là khi thăm bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng tôi không có cảm xúc gì lắm dù đã học trong sách tiếng Việt từ năm lớp 2. Vì tôi có ý nghĩ rằng Bác chưa một lần vào trong căn nhà đó hay sao mà tôi lại không có cảm giác hay do ý nghĩ chủ quan của tôi mà khiến cho tôi không có cảm xúc. Tôi biết là Bác có làm việc trên một con tàu nhưng không biết lúc đó Bác có một lần nào bước chân vào ngôi Nhà Rồng không. Nhưng một điều chắc chắc là khi cô hướng dẫn nhắc đến trường Dục Thanh là cảm giác của tôi lại dâng trào và hồi tưởng về Phan Thiết quê tôi. Trong bài hát Miền Trung nhớ Bác của nhạc sĩ Thuận Yến có nhắc một câu “Biển Phan Thiết đêm đêm sóng hát, phút tiễn đưa Bác đến Bến Nhà Rồng để muôn đời hát mãi nỗi nhớ mong.” Thật vậy biển Phan Thiết quê tôi luôn luôn chờ mong một bóng Người. Vạn dặm xa xôi trên bước đường cứu nước cho đến khi Bác yên nghĩ Người chưa một lần ghé lại thăm nhưng người dân Phan Thiết quê tôi luôn nghĩ rằng ở nơi xa xôi nào đó thì Phan Thiết vẫn luôn ở trong trái tim Người. Gắn liền với cuộc đời Bác biết bao nhiêu câu chuyện biết bao nhiêu huyền thoại về Người cũng như những tư tưởng của Người được nhắc đến nhưng đâu có ai biết rằng chính nơi trường Dục Thanh này Bác đã ươm những hạt giống đầu tiên đó là cây khế để hôm nay cây trổ mầm xanh lá dâng trái ngọt cho đời. Và cũng chính nơi đây Người đã ươm mầm tư tưởng yêu nước cho những người dân đầu tiên ở Phan Thiết.

Những tài liệu báo chí và lịch sử chỉ có nhắc đến Dục Thanh quá sơ sài và thế hệ trẻ của chúng tôi không biết nhiều về những ngày có Bác ở nơi đây. Nhưng mỗi lần về lại Dục Thanh đứng trong mái trường đó vẫn cảm giác một tình yêu thiêng liêng từ nới Bác. Khi bước chân vào Ngọa Du Sào nơi Bác đọc sách, soạn bài và nghỉ ngơi tôi cảm giác như có hơi ấm của Bác vẫn còn quanh đây. Cũng chính nơi Ngọa Du Sào này Người đã có những đêm trăn trở cho vận mệnh của một đất nước, chính vì điều đó mà Bác đã quyết định vào Sài Gòn để tìm đường cứu nước.

Bác không ở đâu xa. Người vẫn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành của trường Dục Thanh, vẫn ngày đêm đang dạy chúng ta về kiến thức làm người và tinh thần bác ái của người dân đất Việt. Với người dân Phan Thiết , hầu như ai cũng hiểu điều đó. Ngày hôm nay đến với Bến Nhà Rồng, nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước năm xưa lòng tôi lại nhớ về Dục Thanh – Phan Thiết. Trên khắp nẽo đường của đất nước có những bảo tàng Hồ Chí Minh nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất là bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, nơi có ngôi trường Dục Thanh in bóng vị thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành một thời dạy học

Tượng đài Bác Hồ bên khu di tích Dục Thanh - Phan Thiết

Cổng trường Dục Thanh

Trường Dục Thanh

Giếng nước Dục Thanh

Cây khế Dục Thanh do bàn tay của thầy giáo Nguyễn Tất Thành mỗi chiều chăm bón. [1] Nguồn tin: Báo CATPHCM. Bài: Pháp Như

Read more...

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

Cô gái xấu xí - khen & chê

(TGĐA) - Ra mắt người xem từ ngày 11.2, đến thời điểm này, Cô gái xấu xí đã đi được 1/4 chặng đường của phần 1, với 84 tập phim. Những lời khen, tiếng chê xung quanh bộ phim khá nhiều. Liệu rằng Cô gái xấu xí có thể trở nên “đẹp” và ấn tượng hơn trong lòng công chúng trong thời gian sắp tới hay không?
Lắm tiếng chê
Trên các diễn đàn điện ảnh mạng internet, bộ phim Cô gái xấu xí đang được rất nhiều người quan tâm với nhiều dòng bình luận. Trong số hàng trăm ý kiến, có thể thấy “trường phái” chê vẫn nhiều hơn khen. Đánh giá đầu tiên là bộ phim làm theo một mô tip quá cũ: nàng Lọ Lem tội nghiệp sẽ chinh phục trái tim của chàng hoàng tử điển trai. Một thành viên trang dienanh.net đã tỏ vẻ dè biểu và ngờ vực: “Đừng nói là sau này “him” sẽ yêu “her” nha!”. Số đông ở trường phái này đều cho rằng, họ đã biết trước đoạn kết của bộ phim, vậy thì không nhất thiết phải theo dõi trong khi bộ phim vẫn còn những hạt sạn. Tuy nhiên về vấn đề này, NSƯT Ngọc Hiệp - diễn viên chính đồng thời là nhà sản xuất (Hãng phim Việt) – đã nói rằng: “Đây hoàn toàn không phải là bộ phim theo mô-tip chuyện nàng Lọ Lem. Lọ Lem thì phải đẹp và chính vẻ đẹp đó chinh phục chàng hoàng tử, còn Huyền Diệu thì rất xấu xí, và cô chinh phục giám đốc An Đông bằng tài năng cùng tấm chân tình. Đó là một câu chuyện khá hấp dẫn và gần gũi với thời đại của chúng ta”.
Điểm thứ hai mà khán giả phàn nàn là những điều vô lý trong phim. Người xem thấy được “sự xấu xí” của Huyền Diệu phần lớn để lộ qua chính hành động luộm thuộm của cô. Một cô gái làm việc ở công ty thời trang mà ăn mặc nhếch nhác, trong khi sếp của cô (giám đốc An Đông) lại chẳng có lấy một lời phàn nàn. Nhiều khán giả sau hơn 20 tập phim đã nói về Huyền Diệu: “Xấu thật, nhưng là một cái xấu rất giả tạo!”. Những góp ý về tạo hình nhân vật này không phải là không có lý. Bởi Huyền Diệu hoàn toàn có thể đẹp và duyên hơn, vì tính cách của cô được xây dựng là một người luôn ý thức về tài năng và nhân cách của bản thân. Vì vậy, không có lý do gì khiến cô có thể “giả vờ” làm xấu mình đến như thế. Nhiều người khó hiểu khi thấy trong cùng một gia đình của Huyền Diệu, mỗi người lại nói một thứ tiếng khác nhau. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung đã giải thích: “Chúng tôi cố ý làm như thế, sở dĩ có sự lộn xộn tiếng nói như vầy là do ông bố gốc miền Nam, lấy bà vợ miền Trung, rồi tập kết ra Bắc và sinh Huyền Diệu, từ đó, Cô gái xấu xí nói giọng Bắc.” Trong phim, giọng Huyền Diệu là do diễn viên Thanh Vân, người đóng vai Cẩm Linh, bạn của An Đông lồng tiếng vì Ngọc Hiệp không nói được giọng Bắc, và đây cũng là điểm khiến khán giả thắc mắc nhiều nhất... Mặt khác, do công nghệ thu tiếng trực tiếp, bộ phim có rất nhiều hạn chế về âm thanh. Một khán giả nữ phàn nàn: “Lời thoại của phim này lúc to lúc nhỏ, có người thì nói quá to, có người nói chẳng nghe được gì. Tôi toàn phải mở volume trên mức bình thường, nhiều lúc thấy rất bực mình”. Có lẽ đây cũng là điều mà các nhà làm phim phải xem lại. Biết rằng công nghệ sitcom 3 ngày phải hoàn thành 2 tập phim - một tiến độ rất gấp rút – tuy nhiên không phải vì thế mà bắt khán giả phải chịu đựng một bộ phim với âm thanh quá tồi như thế.

Những lời khen :

Nhưng có một điều không thể phủ nhận, là Cô gái xấu xí đang tạo một hiệu ứng tốt về việc thu hút khán giả trên sóng VTV3. Với một tựa phim khá thu hút, cốt truyện nhẹ nhàng, hiện đại và nhịp phim nhanh, khá giống phim Hàn Quốc, cùng dàn diễn viên trẻ đẹp và hài hước, đã giữ chân nhiều người xem. Ánh Nguyệt, nhân viên làm việc tại công ty Focus, quận 10 cho biết: “Mỗi buổi sáng khi tôi đến chỗ làm, tất cả mọi người đều bàn tán về Cô gái xấu xí, sức hấp dẫn của nó không thua gì những bộ phim Hàn Quốc nóng sốt nhất trước đây”. Nhiều khán giả nhìn thấy mình qua câu chuyện của Huyền Diệu, một câu chuyện khá gần gũi với cuộc sống hiện tại. Có lẽ vì thế bộ phim làm cho nhiều khán giả đồng cảm và họ đã đón nhận khá tích cực.
“Nhan sắc” của Huyền Diệu đúng là làm cho khán giả không mấy thiện cảm, nhưng mức độ hài hước, lạ lẫm trong nét diễn của Ngọc Hiệp cùng chàng An Đông – Chi Bảo điển trai, đã khiến Cô gái xấu xí đúng là tâm điểm của bộ phim. Để diễn tốt vai này, Ngọc Hiệp phải chấp nhận hy sinh rất nhiều. Cô kể: “Cứ 30 tập phim là tôi phải nhuộm tóc 2 lần, đến giờ thì mái tóc của tôi vừa “héo” vừa xơ xác, mỗi khi rời phim trường trở về nhà, là báo hại mọi người trong gia đình phải chịu đựng cái mùi ammoniac khó ngửi từ mái tóc của tôi.” Là một diễn viên thực lực, diễn xuất của Ngọc Hiệp khá ổn, và chính cô đã làm khán giả ghi nhớ về một cô gái xấu xí đầy ấn tượng trên màn ảnh phim Việt.
Diễn xuất của Chi Bảo cũng được nhiều khán giả khen ngợi. Có lẽ “thương hiệu” Chi Bảo đã giúp anh được mọi người đón nhận. Vai An Đông được anh thể hiện khá tự nhiên. Đức Hải, Bình Minh và ca sĩ Minh Thuận trong phim cũng có những biểu hiện ấn tượng, góp phần làm cho bộ phim giảm độ nhạt.
Lan Phương trong vai Mai Lan hơi khớp trước ống kính, nhưng cô có một ngoại hình ăn ảnh và diễn xuất khá dần lên sau mỗi tập phim. Điều này dễ được khán giả cảm thông, vì đây mới là bộ phim truyền hình đầu tiên Lan Phương tham gia.
Phi Thanh Vân thì đang gây chú với khán giả trong vai thư ký Phương rinh. Cô cho biết, thời gian đầu vào phim cô có phần bị căng thẳng, nhưng đã dần dần buông lỏng mình, nhập vai ngọt hơn. Liệu rồi đây cách hành xử chanh chua của Phương Trinh còn được các nhà làm phim đẩy đến mức độ nào, để khán giả “ngợp” với tình huống trên phim?
Nhóm G7 gồm những “bà tám” làm việc tại công ty SBBT cũng được khán giả yêu thích. Những tình tiết nhẹ nhàng, hóm hỉnh trong cách phát ngôn của họ đã tạo được tiếng cười thú vị. Điểm đặc biệt là các cô trong G7, tất cả đều khá xinh, và đó cũng là lý do để khán giả thích thú đón nhận họ

Và đoạn tiếp của Cô gái xấu xí
Diễn biến tiếp theo phần 1, khán giả sẽ được xem những dự án làm ăn của An Đông, cuộc chiến cạnh tranh giữa An Đông và Đăng Dương, anh trai Mai Lan. Bên cạnh đó, Huyền Diệu cũng ngày càng tỏ ra bản lĩnh và Phương Trinh thì thêm phần tráo trở. Mai Lan tức giận khi nhận ra tình yêu của mình có nguy cơ vuột khỏi tầm tay, càng thêm thủ đoạn. Phần “vui vẻ cả làng” là tất cả các “bà tám” trong G7 đều sẽ có người yêu, Huyền Diệu mỗi đêm đều nằm mơ thấy mình cùng An Đông sánh bước trong lễ cưới... Tuy nhiên diễn tiến của đời cô sắp tới thế nào chính cô cũng chưa rõ, điều đó có thể phụ thuộc vào phản ứng của khán giả. Phim dự kiến sẽ hoàn thành phần 1 vào giữa tháng 4 này, và theo những gì nhìn thấy trên màn ảnh thì chặng đường tình yêu của An Đông và Huyền Diệu còn rất xa vời, có lẽ đó cũng là dụng ý của các nhà làm phim, để cho khán giả thỏa sức tưởng tượng!
Dẫu sao vẫn có thể khẳng định rằng, đã có một sự quan tâm đáng kể dành cho Cô gái xấu xí. Và đoạn kết bài viết xin lấy hai ý kiến trái ngược nhau của hai khán giả trên trang dienanh.net, để mọi người cùng suy gẫm. Một bạn trẻ viết: “Nghe nói phim này dài 169 tập lận đấy, giờ vàng VTV3 hai năm tới kể như thua trắng rồi!”, còn theo một nickname khác thì: “Phim này càng xem càng hay đấy!”...
Nhưng nói gì thì nói, trước mắt cô gái xấu xí - Huyền Diệu còn phải cố gắng rất nhiều, không chỉ để chinh phục được trái tim của An Đông thật hợp lý và tự nhiên, mà còn có thể làm vừa lòng những khán giả yêu thích, nhiệt tình ủng hộ phim Việt.


Nguyễn Linh Ân

Read more...

Đợi chờ - Thanh Lam

Một cõi đi về

Một mình - Thanh Tùng

Ôi quê tôi - Vũ Xuân Bắc

Đóa hoa vô thường (1)

Điệu buồn phương Nam

Mưa bay tháp cổ - Tùng Dương

Đóa hoa vô thường (2)

Như cánh vạc bay






  © Blogger templates ProBlogger Template by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP