Tịnh Hạnh
“… Phật Pháp vô biên, vô lượng, vô ngã, vị tha
Diệu Pháp chân như, chân thường, chân lý huyền vi …”
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trước hết xin cho con được đảnh lễ trước tôn tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cùng chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng. Nói đến giáo lý vi diệu thậm thâm của Đức Phật, đệ tử chỉ xin được mỉm cười, cúi đầu đảnh lễ Ngài. Thật bất khả tư nghì!
Thật sự con là một nhân viên của tổng đài Mobifone, có một lần trong khi tìm bài hát nhạc chờ cho khách hàng, bài Lòng Mẹ, con vô tình thấy có một mã số người trình bày là Pháp Như. Và khi tìm theo tên ca sĩ, con mới biết là những ca khúc Phật Giáo đã được cập nhật trong nhạc chờ. Nếu những ai là Phật tử chắc sẽ hiểu được tâm trạng của con khi đó. Con vui mừng đến nghẹn ngào. Đã từ lâu, lâu lắm rồi, con rất muốn những ca khúc Phật Giáo sẽ được phổ biến rộng rãi hơn nữa. Thường vào dịp Noel, khách hàng gọi lên hỏi những bài hát về giáng sinh rất nhiều (ai cũng biết nhạc giáng sinh được phổ biến khá rộng rãi). Vậy mà vào những dịp lễ Phật Đản có nhiều khách hàng gọi đến hỏi những ca khúc Phật Giáo thì không có. Lúc đó tâm trạng con rất buồn. Vào thời điểm ấy cũng có một vài bài hát như “Từ Đàm quê hương tôi (Thu Hiền)”, “Mẹ là Phật (Gia Huy)”, số lượng bài hát rất ít. Tuy nhiên, đến thời điểm bây giờ với 42 bài hát nhạc chờ cũng là niềm vui của quý vị Phật tử và những ai có tâm huyết muốn phát triển nền âm nhạc Phật Giáo.
Âm nhạc cũng là một nghệ thuật trong cuộc sống. Âm nhạc giúp người ta chuyển tải được rất nhiều điều thông qua ngôn từ, giai điệu và quan trọng hơn hết chính là cái tâm của người hát. Một bài hát hay không chỉ ở việc trau chuốt ngôn từ, tiết tấu hay, giai điệu nhẹ nhàng mà vấn đề ở chỗ tình đạo vị có được chuyên chở trong tác phẩm hay không. Tâm nhạc chính là ở chỗ đó. Hát không phải chỉ để hát mà hát để người hát và người nghe đồng là một, cùng hướng đến sự giác ngộ tiến đến bến bờ giải thoát. Tiếng hát vang lên không phải để phiền não khi “đời là bể khổ”, không phải để khóc sầu thảm thiết trước cảnh chia ly tử biệt. Hãy hát bằng cả trái tim của người con Phật, bằng cả một tình đạo vị ấm áp gửi đến cho người nghe, để giữa ta và người cùng đi trên con thuyền Bát Nhã vượt khơi thoát khỏi cảnh lầm mê lên bờ Giác.
Xin cảm ơn Thầy Pháp Như rất nhiều. Một trong những người đã có đóng góp không ít cho nền âm nhạc Phật Giáo. Con được biết đến Thầy là một vị tu sĩ bình thường và giản dị, là tăng sinh của học viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM, sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng. Qua những ca khúc Thầy thể hiện, con biết Thầy rất có duyên với âm nhạc. Giọng hát rất cao, rất sâu lắng và rất “thấm” vào lòng người. 42 ca khúc nhạc chờ do Thầy trình bày trên mạng Mobifone cũng là một thành công không nhỏ trên con đường phát triển nền âm nhạc của đạo Phật.
Nghĩ cho cùng âm nhạc cũng là một trong những phương tiện đưa con người ta đến với Phật Pháp như có những bài kinh phổ nhạc hay niệm Phật nhạc sẽ giúp Phật tử dễ thuộc, dễ nhớ hơn, những bạn trẻ lúc thư giãn cũng có thể nhẩm hát theo. Con mong sao nền âm nhạc Phật Giáo sẽ còn phát triển hơn nữa, nó không còn giới hạn chỉ là âm nhạc của Phật Giáo mà còn là những bản nhạc hướng nhân loại đến lòng từ bi, tình yêu thương và tinh thần giác ngộ giải thoát.
Hãy lát lên, hãy hát để tiếng hát này “… vang mãi khắp muôn nơi, thành bất tuyệt pháp âm tràn nhân thế.”
Không gian rực sáng vầng trăng
Trần gian pháp vũ khiến đời thăng hoa
Bốn phương nhân loại hoan ca
Từ bi hỷ xả chan hòa nguồn vu.
Read more...