Muốn viết phải có vốn tích lũy
Tôi cũng không ít lần có ý định nghỉ học đi làm nhưng vì ba mẹ tôi kiên quyết không cho nghỉ, hai người ra sức khuyên nhủ chị em tôi chỉ có cái chữ mới có thể thoát được nghèo khó, thoát được cái khổ cực, nên chị em tôi cũng cố gắng phần nào. Một phần khác nữa là từ những năm đầu cấp II, tôi thi đậu vào lớp văn trường chuyên của huyện và bắt đầu mở ra trong tôi một thế giới hoàn toàn khác. Và tôi thấy mình thật sự thích học văn.
Tôi còn nhớ cuốn sách đầu tiên tôi đọc là một cuốn truyện viết về thiếu nhi của một chị cùng quê, chị ấy học văn rất giỏi, hơn tôi bốn tuổi. Cuốn sách ấy là phần thưởng của lớp tôi giành được trong học kỳ đầu do nhà trường tặng để khuyến khích học sinh. Đến bây giờ tôi không nhớ tên cuốn sách của chị ấy là gì nhưng tôi vẫn nhớ lối viết ngộ nghĩnh, rất trẻ thơ của chị ấy. Tôi cũng từng thử cầm bút viết thơ, truyện con nít... nhưng chẳng ra đâu vào đâu cả. Đôi lúc tôi lại nghĩ chắc do mình không có năng khiếu viết nên viết mãi không thành được cái gì cả. Thế là nản.
Cho đến năm học lớp chín, tôi có người anh họ đi học ở xa về, mang cho tôi mấy tờ báo cũ, sờn gáy, có những trang đã lẹm góc. Tôi cầm lên mới biết đó là tạp chí Áo Trắng (bộ cũ). Tôi đọc một cách say sưa hết tất cả các mục và thấy mê liền. Tôi thích quá, hỏi anh còn không cho tôi mượn thêm, nhưng anh nói chỉ có nhiêu tờ thôi. Tôi không nhớ rõ những số tạp chí Áo Trắng ngày đó anh tôi cho là số bao nhiêu, nhưng tôi còn nhớ như in đã chép lại những bài thơ trong báo vào cuốn sổ nho nhỏ của mình để thỉnh thoảng lôi ra đọc lại. Khi đó quê tôi vẫn còn nghèo lắm, sách học còn chẳng đủ nói gì đến báo đọc, vì thế chúng tôi chỉ có thể đọc báo cũ, mà họa hoằn lắm mới có những tờ báo cũ về được huyện nghèo của chúng tôi.
Từ trước đó tôi cũng đã có máu mê viết lách một cái gì đó, nhưng không thành công. Sau khi đọc mấy tờ báo cũ, niềm khao khát ấy lại bùng cháy trong tôi, tôi viết những vần thơ đầu tiên và đưa cho cô giáo dạy văn của tôi đọc. Những vần thơ đó chắc ngô nghê lắm vì cô bảo tôi không có khiếu làm thơ.
Tôi chuyển sang viết văn xuôi, ban đầu tôi viết những cảm nhận của mình về cây bàng trước mùa đông rụng lá. Tôi nhớ cô đã bảo tôi: "Đây là bài viết tả cảnh hơn là một bài văn giàu cảm xúc". Tôi nghe mà thấy nản vì bài nào tôi viết cũng bị cô giáo chê, thành ra tôi thấy việc viết lách chẳng dễ dàng gì. Vậy mà sao các bạn vẫn viết được nhỉ, thậm chí còn đăng trên báo nữa. Tôi rất háo hức hi vọng một ngày sẽ được đăng một bài nào đó trên báo, và tôi ra sức viết. Tôi viết rồi sửa, rồi lại viết...
Tôi nhớ bài đầu tiên được đăng báo là khi tôi học lớp 11 (cách đây đã hơn sáu năm), một bài tạp văn nhỏ trên báo Thiếu Niên Tiền Phong. Khi đó tôi vui lắm, hồi hộp và cảm thấy rất hưng phấn. Cuối cùng thì mình cũng đã thành công đó là viết được bài đăng báo. Có được bài đầu tiên rồi, tôi lại ao ước có được bài thứ hai, nhưng những bài viết của tôi gửi đi cứ ngày một bặt vô âm tín không thấy có hồi âm gì cả. Tôi băn khoăn không biết tại sao lại thế, tôi đọc kỹ các bài viết của các bạn và cố gắng tìm ra lỗi tại sao bài mình chưa hay, chưa đạt.
Tôi chăm chỉ đọc sách hơn, chăm chỉ tích lũy kiến thức hơn. Khi bắt gặp một ý nào hay tôi ghi lại vào một cuốn sổ nhỏ của mình để làm tư liệu. Và tôi vẫn viết đều đặn, vừa viết vừa sửa. Cô giáo dạy văn chính là người bạn đồng hành của tôi trong những ngày đầu học viết lách. Dần dần tôi hiểu ra rằng văn chương không hề dễ dãi, văn chương rất khắt khe với người cầm bút. Muốn viết được thì phải có vốn tích lũy và phải không ngừng tìm tòi nâng cao kiến thức của mình...
Bẵng đi một thời gian dài tôi không viết được gì cả, thói quen viết tự nhiên mất đi. Không phải tôi không muốn viết mà ngược lại rất muốn viết, có nhiều suy nghĩ, nhiều điều nung nấu muốn viết ra. Nhưng không hiểu sao khi ngồi trước màn hình máy tính, tôi không thể viết nổi một câu cho ra hồn. Tôi thấy mình bế tắc thật sự và lâm vào khủng hoảng. Nhìn các bạn trẻ thường xuyên xuất hiện trên mặt báo, tôi lại giật mình. Tôi nhận ra một điều rằng lao động viết cũng cần có sự cần mẫn, chăm chỉ rèn luyện. Chỉ một chút lơ là, bỏ bẵng đi là mình sẽ bị đi chậm lại, bị thụt lùi so với mọi người.
Vì vậy lao động văn chương là cuộc đua sáng tạo không ngừng nghỉ. Một chuyến đi dài hơi và cần có sự tiếp sức kịp thời. Phải có một nền tảng vững chắc để bước những bước tiếp theo. Và tôi nghĩ văn chương là sự nghiệp lâu dài, người cầm bút phải là người có vốn tích lũy kiến thức dày, càng dày càng tốt, có như vậy mới hi vọng sẽ làm được điều gì đó.
NHẬT HẠ (ĐH Văn hóa Hà Nội)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét