Đón năm mới trên thế giới
21g ngày 31/12 (giờ Việt Nam), bầu trời Sydney (Australia) sáng rực pháo hoa mừng năm mới. Ban tổ chức “đại tiệc pháo hoa” tại Sydney hy vọng mang đến cho những người tham dự một chút thư giãn sau khi đã quá mệt mỏi với tình trạng kinh tế toàn cầu u ám. Đây là một trong những thành phố chính trên thế giới đón giao thừa sớm nhất. Ước tính, hơn 1,5 triệu người đã có mặt tại thành phố này để mừng năm mới.
Tại Ireland, hàng ngàn người dân thủ đô Dublin và khách du lịch tụ tập bên ngoài Nhà thờ Jesus, nhà thờ thời Trung cổ để nghe chuông nhà thờ vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Tại thủ đô Paris, Pháp, hơn nửa triệu người đổ về cung điện nổi tiếng Elysse một giờ trước khi chuông rung. Tại London (Anh), bấp chấp giá lạnh, mọi người kéo đến 2 bờ sông Thames chiêm ngưỡng các màn bắn pháo hoa đẹp mắt.
Tại Liên bang Nga, Hơn 100.000 người dân và khách của Moscow sẽ đón năm mới 2009 tại khu vực trung tâm thủ đô Nga.
Liên bang Nga rộng lớn trải dài từ Đông sang Tây trên 11 múi giờ khác nhau. Bởi vậy, năm mới được đón chào tới 11 thời điểm: có những nơi, năm mới đã đến từ giữa trưa theo giờ Moscow và lúc Giao thừa ở Thủ đô Moscow thì họ đã sang giữa ngày mới mùng 1/1/2009 rồi. Không khí mừng đón Năm mới tràn ngập đường phố trên toàn nước Nga từ nhiều ngày nay, khi tại các quảng trường, tuyến phố công cộng, công viên, vườn hoa, những cây thông năm mới đủ loại kích thước lớn, nhỏ với đèn màu, bóng màu và đồ trang trí rất sinh động đã được dựng lên. Trong các cửa hàng, cửa hiệu được trang hoàng lộng lẫy, nhất là các siêu thị bán đồ dùng thiết yếu và thực phẩm, người mua trong 2 ngày nghỉ cuối cùng của năm cũ 2008 vẫn rất đông và giường như cuộc khủng hoảng kinh tế không ảnh hưởng mấy đến dự định mua sắm quà tặng và đồ dùng trong những ngày năm mới này của người dân Nga, nhất là ở thủ đô Moscow và các thành phố lớn.
Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới theo giờ Moscow (lúc 4 giờ sáng mùng 1/1 giờ Việt Nam) được đánh dấu bằng một hồi chuông điện Kremli vang lên trong tiếng hò reo xen lẫn tiếng nổ của những loạt pháo hoa tầm thấp do người dân tự đốt.
Ngay trước thời khắc giao thừa ít phút, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev phát biểu trên kênh truyền hình Trung ương Nga, trong đó ông gửi lời chúc mừng tới tất cả người dân Nga nhân ngày lễ quan trọng này, thời điểm mà mọi người đều nhớ lại một năm đầy sự kiện với cả hạnh phúc và thất vọng, niềm vui và sự mất mát.
Bài phát biểu của ông Medvedev nhấn mạnh: “Chúng ta đã từng không phải một lần cùng nhau chứng minh rằng, chúng ta có khả năng rất nhiều để có thể chiến thắng. Và trong năm nay Tổ quốc của chúng ta đã vượt qua những thử thách đầy kịch tính, vượt qua một cách tự tin và đó là nhờ tất cả các bạn. Tôi tin tưởng rằng, trước những khó khăn đang chờ đón chúng ta trong năm tới chúng ta có thể chiến thắng”.
Tại Roma, Đức giáo hoàng Benedict XVI kêu gọi “tình đoàn kết và sự điềm tĩnh” trong năm 2009. Trong buổi lễ cầu nguyện cuối năm vào đêm qua, Đức giáo hoàng nhấn mạnh, hiện đang là thời điểm khó khăn, nhưng mọi người cần giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua.
Điểm đặc biệt với người dân Slovakia là năm 2009 họ bắt đầu sử dụng đồng euro. 100.000 người tụ tập tại Quảng trường chính ở thủ đô Bratislava, chào mừng nước này trở thành thành viên thứ 16 của Liên minh châu Âu.
Tại Hongkong (Trung Quốc), hàng ngàn người kéo về Cảng Victoria để xem bắn pháo hoa đêm giao thừa.
Đêm giao thừa tại Nhật bản, các đền thờ rung chuông 108 lần, tượng trưng cho xua đuổi 108 điều xui xẻo. Giáo hoàng Nhật bản Akihito trong thông điệp đầu năm kêu gọi người dân đoàn kết chống suy thoái kinh tế. Tại Tokyo, hàng chục tình nguyện viên đã dựng lều và phát chăn màn, quần áo và thức ăn cho người nghèo như một món quà mừng năm mới.
Thủ tướng Taro Aso đã có bài phát biểu chào mừng năm mới. Trong bài phát biểu này, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso bày tỏ quyết tâm vực dậy nền kinh tế nước này. Ông Aso cho biết Nhật Bản có thể không tránh được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ hy vọng giảm thiếu những thiệt hại của cơn “sóng thần tài chính này” gây ra.
Thủ tướng Aso nói: “Tôi tin tưởng rằng sang năm mới 2009 Nhật Bản sẽ là quốc gia đầu tiên thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chúng ta có thể biến điều không may này thành một cơ hội. Những nỗ lực trong xây dựng đất nước Nhật Bản bị tàn phá sau chiến tranh thế giới thứ II sẽ minh chứng cho điều này”.
Thủ tướng Aso còn cho biết thêm ông quyết tâm giữ vững vị trí cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới của Nhật Bản, nơi mà mọi người dân có thể vui sống trong hòa bình.
Đối với đất nước Thái Lan, năm 2008 trôi đi thật nặng nề trong bộn bề những khó khăn, âu lo và đó dường như lại càng là cái cớ để người dân nước này đặt nhiều kỳ vọng vào năm mới 2009 sắp tới.
Năm 2008 khủng hoảng chính trị tại Thái Lan tiếp tục kéo dài, trầm trọng sâu sắc hơn kéo theo những ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội. Chỉ trong vòng một năm Thái Lan đã có tới 3 lần thay đổi chính phủ, 4 Thủ tướng lần lượt thay nhau nắm quyền lãnh đạo. Ba đảng chính trị bị Toà án Hiến pháp tuyên giải thể trong đó có đảng chiếm nhiều ghế nhất tại Hạ viện là đảng Quyền lực nhân dân. Chính vì vậy, trước thềm năm mới 2009, ước nguyện lớn nhất của hầu hết các tầng lớp người dân Thái Lan là hoà bình, ổn định và tái đoàn kết dân tộc
Dự báo từ nhiều nguồn khác nhau cho rằng, năm 2009 tới đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái lan sẽ chỉ ở mức cao nhất là 2%, khoảng 2 triệu công nhân đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Trước thềm năm mới, tân Thủ tướng Abhisit Vejjajivat cam kết sẽ tìm ra các giải pháp ổn định xã hội, tập trung phát triển kinh tế: “Điều mà chúng ta cần tập trung ưu tiên cao nhất nhất vào lúc này là đưa đất nước trở lại sự bình yên. Mọi người dân Thái Lan thương yêu, đoàn kết với nhau và cùng nhau vượt qua tất cả những trở ngại. Chính phủ sẵn sàng làm tất cả khả năng của mình, quản lý điều hành đất nước mang lại hạnh phúc, tình đoàn kết cho tất cả mọi người”, ông Abhisit nói.
Dù không phải là tết của người Hồi giáo, nhưng đêm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tại Ai Cập và một số nước ở khu vực Trung Đông, người dân đã xuống đường, tập trung tại các trung tâm lớn chào đón năm mới.
Tại Ai Cập, ngay từ chiều tối quán cà phê, các trung tâm giải trí đã đông chật người. Ở giây phút giao thời mọi người vui mừng phấn khởi và chào nhau “năm mới hạnh phúc, hòa bình”. Ai cũng mong muốn một năm mới vui vẻ, hạnh phúc và thành đạt. Tại trung tâm thủ đô Cairo, thanh niên tụ tập thành từng nhóm hò hát. Một thanh niên nói: “Tôi mong muốn năm mới công việc của tôi tốt hơn. Tôi chúc cho mọi người có sức khỏe và sống trong hòa bình và đòan kết”
Năm mới ai cũng cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và người thân. Với người dân Trung Đông, thì hòa bình là điều đầu tiên mà họ nói đến. Một người dân Ai Cập cho biết: “Năm mới tôi mong muốn thế giới, đặc biệt là Trung Đông và Palestine sống trong hòa bình. Một năm mới phát triển thịnh vương. Năm mới vui vẻ, hạnh phúc đến với mọi người”.
Nhiều quốc gia Arab hoãn các hoạt động mừng năm mới vì người dân Palestine tại dải Gaza đang hứng chịu bom đạn của Israel./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét