Thực trạng việc chơi Game online của học sinh trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Có thể nói, chưa khi nào ở Việt Nam hiện nay chủ đề “đạo đức xuống cấp” của giới trẻ lại được nhiều người quan tâm như vậy mà yếu tố nghiện game online của học sinh phổ thông cũng đang nằm trong “ vùng” tìm hiểu ấy. vì thế nên nhóm chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu tác động của game online đến học sinh tại thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?. Trong phạm vi nghiên cứu này nhóm sẽ đi sâu vào phân tích mặt tiêu cực của game online tới học sinh phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh.
THỰC TRẠNG GAME ONLINE TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY
Trong những năm trở lại đây, các loại hình Game online đang bùng nổ trên thị trường một cách mạnh mẽ. Hàng loạt các loại game ra đời: Đế Chế, MU, Thế giới hoàn mỹ, Thiên long bát bộ, Auđition, Võ lâm truyền kỳ… Game chiếm, game đế chế hay đột kích vẫn gây ưa thích nhất. Những phiên bản mới nhất luôn được các game thủ tìm tòi, cập nhập liên tục. Đối tượng các loại game hướng tới chính là giới trẻ nhất là học sinh phổ thông, sinh viên….Họ là những con người thích phưu lưu, khám phá điều mới lạ, thích tìm tòi dù đó chỉ là những thứ trong thế giới ảo.
Năm 2007, theo ước tính của Vinagame có khoảng 4triệu người chơi game thường xuyên, khách hàng chủ yếu của hãng là giới trẻ đặc biệt nằm trong độ tuổi từ 12-25 chiếm đa số, các chuyên gia dự đoán rằng trong những năm sắp tới con số này sẽ tăng lên gấp 10 lần. Đây được xem như hồi chuông cảnh báo về sự tấn công ồ ạt của game online trên thị trường hiện nay.
Qua số liệu trên cho thấy tỷ lệ chơi game online ngày càng “ trẻ hóa” và tập trung đông nhất là ở hai thành phố lớn trong cả nước. riêng ở thành phố Hồ Chí Minh thị trường game hoạt động vô cùng nhộn nhịp, càng gần các trường học, càng xuất hiện nhiều tiệm internet như trên đường Trần Quang Khải, thuộc quận 1, chỉ dài hơn 2 km đã có hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, game online hoạt động liên tục ngày đêm (có nhiều điểm hoạt động suốt 24/24 giờ hoặc vờ nghỉ đêm với cửa khép bên ngoài nhưng bên trong vẫn hoạt động… bình thường). mục đích chủ yếu của các em khi tiếp cận internet là chơi game online.
Chúng tôi đã tìm hiểu một điểm dịch vụ Internet ở gần chợ Gò Vấp. Với diện tích chưa đầy 25m2 trên mặt tiền đường Nguyễn Kiệm đã được chủ nhân cho lắp đặt trên 30 dàn máy vi tính. Chính những người “nghiện” game online thừa nhận, lúc đầu các em chỉ lên mạng chơi, nhưng thấy quá hấp dẫn, muốn khám phá, rồi thử... và “nghiện” lúc nào chẳng hay…
Trung bình mỗi tháng có em “luyện” Võ lâm truyền kỳ hết 1 triệu đồng. Có em “luyện” liên tục trong 11 ngày đêm mà chỉ ăn và uống cà phê chứ không ngủ nên bị sút cân. Các em chơi vì khoái đánh nhau, vì nghĩ rằng mình mạnh hơn “giết” được người ta nên người ta tức, thấy vậy thì mình khoái. Trong khi đó chuyện học hành thì xem rất nhẹ “thi là chuyện của thi, còn chơi thì cứ chơi…”.
Phải nói rằng đối tượng “làm ăn” chủ yếu của nhiều tiệm internet là học sinh vì số lượng này nhiều lại có nhiều thời gian rảnh. Chính tâm lý ham chơi nên các em thích những trò chơi mới lạ mà nhất là game online. Nhiều em nghiện đến mức trốn học để chơi dù gia đình có cấm cản. Đến mức gia đình phải “cấm vận” không cho tiền sợ các em chơi game. Mặc dù gia đình cương quyết không cho con cầm tiền, đi học có người lớn đón đưa nhưng “cậu ấm” vẫn cứ nghiện net. Hỏi ra mới biết, có ông bà thương các cháu nên hôm nào cũng cho mấy ngàn lẻ để chơi.
Nhiều gia đình thấy con chơi game ở ngoài cũng sợ nên mua máy về cho con. Lúc đầu nghĩ rằng con học vi tính để nâng cao kiến thức nhưng các em vẫn dán mắt vào các trò chơi không biết mệt mỏi. Có em chơi suốt ngày, đêm và thậm chí còn mò vào các trang web bẩn của người lớn. Niềm đam mê điện tử đến hồn xiêu phách lạc, suốt ngày ú ớ và sống với cuộc sống ảo trong các trận chiến. Nhiều gia đình phải suốt cả ngày canh chừng con cái vì sợ con của họ hư. Một số phụ huynh đã gắng mua sắm những vật dụng đắt tiền để hạn chế con cái tụ tập, chơi bời với bạn bè nhưng không mấy tác dụng. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình học sinh và nhà trường.
Như vậy, theo bà Phạm Mai Hoa, chuyên gia tư vấn Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống thuộc Trung ương Đoàn TNCS HCM) cho biết: “Một số nguyên nhân dẫn đến chứng nghiện game online: Thứ nhất, do bản thân trò chơi đó có sức hấp dẫn, người làm ra trò chơi tìm mọi cách lôi kéo người tham gia. Thứ hai, do hệ thần kinh của người chơi khá yếu đuối, tính tự chủ và khả năng độc lập kém. Những người có hệ thần kinh dễ bị xúc động thường bị lôi kéo, bị phụ thuộc bởi sức hấp dẫn của những trò chơi này. Ngoài ra còn do môi trường sống xung quanh. Ngồi chơi ở nhà thì có mấy khi bị nghiện đâu. Chỉ ra hàng net, có “hội” có “phường” mới thúc đẩy sự ham muốn đến với trò chơi.”
2. Tác động của game online tới thời gian học tập, kinh tế, sức khỏe của học sinh phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
2.1. Về sức khỏe và chất lượng học tập
Vì các em còn ở độ tuổi đi học nên việc cần được phát triển đầy đủ về mặt thể chất lẫn tinh thần là rất quan trọng. Ngoài việc học tập các em còn phải dành thời gian cho việc vui chơi, giải trí.
Ban đầu khi tiếp cận game online, các em chỉ xem đây như là một trò chơi để thư giãn sau những giờ học căng thẳng; nhưng khi càng chơi các em thấy “ham”, lôi cuốn dẫn tới mức độ chơi tăng dần lên khiến quỹ thời gian dành cho việc học tập ít đi. Khi học sinh đã “nghiện” trò chơi này rồi thì chúng rất khó bỏ và không còn ý thức được việc học tập là quan trọng nữa.
Đối với những gia đình không có điều kiện sử dụng máy vi tính thì luôn tìm cách trốn hoặc nói dối cha mẹ để ra quán chơi, khi tan học chúng không về thẳng nhà mà ghé luôn vào quán net “cày” game quên cả giờ về.
Học sinh chơi game online nhiều sẽ khiến đầu óc không tỉnh táo, lúc nào cũng u mê trong thế giới ảo tưởng, bản thân thì quên ăn, quên ngủ, quên học vì game. Khi việc chơi game online đã trở thành một thói quen, nhu cầu không thể thiếu sẽ làm cho nếp sinh hoạt hằng ngày của chúng bị xáo trộn. Chúng không có hoặc có rất ít thời gian tự học ở nhà; khi đến lớp thì ngủ gật, tâm trí mơ màng vì thiếu ngủ, không tập trung nghe giảng và tâm trí luôn nghĩ tới nhân vật của mình trong thế giới ảo, có những lúc còn tìm cách trốn học. Có những học sinh trước đây học rất giỏi, siêng năng, kết quả học tập cao nhưng khi “nghiện” game thì việc học trở nên sa sút.
2.2. Về mặt kinh tế
Việc chơi game online không chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà cung cấp game trên thị trường mà người chơi cũng có thu nhập nhờ nghề chơi game thuê hoặc nhận giải thưởng bằng tiền qua điểm…vì vậy tỷ lệ người chơi ngày càng đông nhât là học sinh.
Chơi game không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, việc học của bản thân mà còn gây ra nhiều tổn thất về kinh tế của gia đình, bởi lứa tuổi này các em chưa thể làm ra kinh tế mà còn phải sống phụ thuộc vào gia đình.Thời gian các em ngồi trong quán game đều là do tiền của bố mẹ cho để tiêu vặt. Một khi không thể kiểm soát được giờ chơi hoặc cần tiền để mua nhân vật, công cụ chơi… thì chúng tìm mọi cách xin tiền từ gia đình.
Có thể nói ,các em còn đang ở độ tuổi đến trường nên giai đoạn này chúng cần phải được trang bị rất nhiều tri thức để bước vào đời. Đây là một trong những giai đoạn xã hội hóa rất quan trọng để hình thành, phát triển một con người. Một khi giai đoạn này bị gián đoạn thì sẽ làm kìm hãm sự phát triển về sau. Vì vậy trong giai đoạn xã hội hóa ở nhà trường, học sinh cần ý thức được mình phải làm sao trở thành người “con ngoan trò giỏi”. Nhưng khi cưộc sống ngày càng hiện đại, lứa tuổi học sinh dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, bởi những cám dỗ về mặt vật chất lẫn tinh thần và dần dần nó sẽ làm thay đổi con người các em. Game online chỉ đơn giản là trò chơi mang tính giải trí chứ hoàn toàn không phải là một tệ nạn xã hội nhưng khi trò chơi này đã xâm nhập vào đời sống học sinh như một “trào lưu” khá phổ biến thì có rất ít trường hợp xem đó như là một trò giải trí lành mạnh vào những lúc rảnh rỗi. Đại đa số các em học sinh đã chơi rồi lại vô tình để game online trở thành một thứ ma lực tiêu khiển cuộc sống các em khiến các em bị rơi vào thế giới ảo mà quên đi thực tại, quên đi nhiệm vụ của người học sinh ở lứa tuổi mình. Dưới tác động của game onlne, khi một yếu tố trong con người bị thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi, đảo lộn của những yếu tố khác có liên quan và tầm ảnh hưởng của game online đã trở thành một vấn đề của xã hội chứ không chỉ là vấn đề của riêng cá nhân mỗi học sinh.
3. Chơi game online tác động đến sự hình thành tính cách của học sinh phổ thông trong quá trình xã hội hóa cá nhân.
Game online được xem như một loại hình vui chơi giải trí trên mạng được sử dựng rất phổ biến, bên cạnh đó dịch vụ này đem lại không ít tiêu cực tác động rất lớn tới sự phát triển nhân cách trong quá trình xã hội hóa nói chung và chất lượng học tập của các em học sinh phổ thông hiện nay nói riêng.
Về mặt tích cực:
Thứ nhất: Game online giúp cho các em giải trí, thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học hành mệt nhọc. Đó là chức năng cơ bản nhất của game.
Thứ hai: Vì các em nằm trong lứa tuổi dễ tiếp thu nên chơi game có thể giúp các em linh hoạt, nhạy bén trong các tình huống và có được các kỹ năng giải quyết vấn đề.
Thứ ba: Game giúp các em thỏa mãn được những nhu cầu đơn giản như trí tò mò, đến những nhu cầu thầm kín, tế nhị mà các em không dễ bày tỏ với người khác, đó là những nhu cầu: quyền lực, địa vị...Từ đó nảy sinh các mối quan hệ và nhu cầu cần có một tổ chức, bang hội để cùng chia sẻ những khó khăn gặp phải trong cuộc sống.
Thứ tư: Trong Game các em có thể khẳng định vị trí của mình đó chính là cái “danh ảo”. Ngoài đời các em có thể là người bình thường nhưng trong game các em lại được tôn vinh như một anh hùng “còn gì tuyệt vời hơn khi đươc cả cộng đồng hàng nghìn người tung hô”.
Thứ năm: Game tạo ra việc làm cho những người phục vụ trò chơi, mà lợi nhuận từ nền công nghiệp giải trí cũng chiếm một phần không nhỏ từ vài trục tỉ đến vài trăm tỉ USD cho tổng số thu nhập cho mỗi quốc gia
Có thể nói về bản chất game online đem lại cho người sử dụng rất nhiều lợi ích như: thư giãn sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, không chỉ có vậy game còn mang lại sự nhạy bén, linh hoạt cho người chơi. Bên cạnh đó game mang lại những tiêu cực.
Về mặt tiêu cực
Thứ nhất: Chơi game gây ham mê quá độ cho các em khi chơi. Chính vì quá ham mê làm cho các em sức khỏe giảm sút, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, quên ăn quên uống… dẫn đến học hành giảm sút: “Tôi từng là một game thủ, nghiện game, có những lúc chơi 16 – 20 tiếng/ngày. Lúc đó tôi chẳng thiết học. Khi tôi bỏ máy vi tính ra xung quanh tôi như tối sầm lại, bước đi lảo đảo như muốn lăn đùng xuống đất.”
(Nguyễn Khánh Hy, trích từ vietnam.vn)
Thứ hai: Chơi game làm cho các em tha hóa đạo đức, nhân cách như tính tình cục cằn thô lỗ vì game chỉ là trò chơi nó không dạy cho các em những kiến thức cần thiết để hình thành nhân cách một con người.
Thứ ba: Game là một công cụ giải trí chứ không phải là đời sống thực vì vậy khi chơi quá độ làm cho các em nghiện game và rơi vào một thế giới ảo trở thành một con nghiện như nghiện ma túy.
Thứ tư: Các em là lứa tuổi học sinh chưa làm ra của cải vât chất. Vì vậy, khi chơi game các em phải xin tiền cha mẹ, nhưng cũng chỉ có hạn vì thế khi đã “quá nghiện” làm cho các em lao vào con đường trộm cắp, lừa đảo để có đủ tiền “cống nạp” cho game: “Gần đây dư luận không khỏi bàng hoàng về vụ án Phạm Đình Cử và Nguyễn Văn Trọng giết hại cháu bé 5 tuổi, là em họ của Cử với mục đích có tiền chơi game”.
(Trên Báo Bưu điện Việt Nam số 120 ra ngày 5 – 2 – 2008).
Thứ năm: Tạo ra một thị trường buôn bán ảo: “Mỗi trò chơi luôn có tiền thưởng với những người kiệt xuất. Tiền được nâng lên bao nhiêu, game thủ càng có tên tuổi bấy nhiêu. Vì vậy nếu ai muốn ‘mua danh’ thì có thể dùng tiền thật để đánh đổi. Đây là điều có thật hoàn toàn. Trong trò chơi này những món đồ ‘kim nguyên bảo’ chiến lợi phẩm dành được từ tay các quái nhân cũng được giao bán công khai trên thị trường. Có giá trị giao động từ vài trăm ngàn đến hàng trăm triệu đồng”.
(Bùi Minh Hải, 27 tuổi, trích khoahocphothong.net).
Như vậy, game online đem lại rất nhiều lợi ích cho nhà sản xuất lẫn người chơi trong nghành công nghiệp giải trí trên thị trường hiện nay. sự lạm dụng của người chơi đã biến hoạt động này trở nên “xấu” dưới góc nhìn của nhiều phụ huynh lẫn nhà quản lý. Chính sự lạm dụng của người chơi một cách thái quá làm ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế, chất lực học tập đặc biệt là sự phát triển nhân cách của các em đang trong độ tuổi đi học.
1. Gia đình
Gia đình có vai trò to lớn mang tính đặc thù trong việc duy trì nòi giống và là môi trường nuôi dưỡng nhân cách của con người, không một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Để hình thành nhân cách con người Việt Nam hôm nay, cùng với việc phát huy vai trò của xã hội, chúng ta cần phát huy vai trò của gia đình. Gia đình sẽ còn tồn tại mãi mãi trong đời sống xã hội, trong các cộng đồng người, nên cần nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình và giáo dục của gia đình đối với con người và xã hội . Hiện nay, số học sinh nghiện ganme online ngày càng gia tăng, đặc biệt học sinh ở những vùng đô thị. Vì thế, vấn đề này một số nguyên nhân cũng do xuất phát từ phìa gia đình:
Thứ nhất, do cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái mà thường dành nhiều thời gian cho công việc. Vì thế thời gian cha mẹ tiếp xúc, nói chuyện với con cái rất ít ngay bữa cơm gia đình cũng rất hạn chế.
Theo Baodatviet.vn có bài viết: “Sự quan tâm không đúng mức của gia đình là nguyên nhân khiến T., học sinh lớp 11, trở thành game thủ nổi tiếng. Gia đình đang yên ấm, bỗng dưng bác và ba của cậu bị tai biến mạch máu não. Trong nhà có đến hai người bệnh nên mẹ và chị không còn thời gian giành cho T. Cậu bé cảm thấy mình như bị bỏ rơi, lúc vui buồn không biết tâm sự cùng ai. Thế là em "tung hoành” trong thế giới game. Trong cái thế giới ảo đó, T. được “giang hồ” hỏi han, bầu bạn. Từ đó, cậu bé xem ảo là thực, thực là ảo. Và khi gia đình phát hiện ra, T. đã nghiện ở cấp độ nặng, trở nên cộc cằn và vô cảm với những gì xung quanh.”
Thứ hai, do lối sống không gương mẫu của cha mẹ, vì các em ở lứa tuổi này chưa có sự chín chắn. Các em dễ dàng sụp đổ vì thấn tượng đầu tiên trong cuộc đời các em đó là cha mẹ. Trong bài viết: “Nghiện Game online vì chán gia đình” có đoạn viết: “Em ghét mẹ em”, một cậu bé lớp 8 đang cai nghiện game online ở TP HCM, nói. Buồn chán thấy mẹ cặp bồ với hết người này đến người khác sau khi ly dị, em sa đà vào games ( Baodatviet.vn). Nhiều khi trong cuộc sống, cha mẹ chỉ xem các em chỉ là trẻ con nên không quan tâm đến việc phải cư xử đúng mực, nên nhiều lúc vô tình khiến cho các không còn tin tưởng ngay chính người thân trong gia đình.
Thứ ba, do gia đình quá nuông chiều sở thích của các em, khi cho các em sử dụng một nguồn tài chính quá nhiều và nhiều lúc còm cho phép các em được tự do thoải mái chơi game vì cha mẹ không có thời gian chăm sóc.Có bà mẹ thấy con mình hay chơi game tại tiệm Internet, không biết “tham vấn” nơi nào nên mua dàn vi tính về để cho con chơi, bảo là “lấy độc, trị độc”. Hậu quả là games online “ám” đến nỗi con bà hình hài còn trơ xương. Khi bà không cho chơi thì con hét lên: “Bà chết đi!”
Như vậy,gia đình có chức năng định hướng giá trị chuẩn mực, chia se của cá nhân trong quá trình xã hội hóa nhưng nếu không phát huy được vai trò và có sự kiểm soát chặt chẽ thì vô tình gia đình sẽ đẩy các em vào những vấn nạn mang tính xã hội, không phải bao giờ cũng có thể giải quyết tốt được.
2. Nhà trường
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập tới chương trình giảng dạy và các hoạt động vui chơi giải trí trong nhà trường hiện nay..
Chương trình giảng dạy trong trường dồn nén kiến thức, bắt buộc học sinh phải thuộc bài trước khi đến lớp, trong khi bài học quá nhiều mà phương pháp học không được truyền đạt vì lứa tuổi này các em chưa thể tự đưa ra được phương pháp học cho riêng mình.
Nhà trường chưa tổ chức những câu lạc bộ, những môn thể thao hay các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh thoải mái hơn về tâm lý và hạn chế những áp lực học hành về những môn lý thuyết. Chương trình học mang nặng về lý thuyết, các em muốn đi giải trí theo những trò chơi.
Bộ giáo dục chưa đưa vào nhà trường môn học về cách sử dụng INTERNET và nhà quản lý mạng ở Việt Nam chưa thể kiểm soát được người vào mạng thông qua hình thức đăng ký vì vậy nên xảy ra hiện tượng chơi quá thời gian quy định.
3. Bạn bè
Học sinh là lứa tuổi thích được tự do, không muốn phụ thuộc gia đình, có xu hướng chơi theo nhóm bạn bè nên dễ bị bạn bè lôi kéo và sa ngã.
Khi trong một nhóm bạn có chơi game thì rất có khả năng lôi kéo những thành viên còn lại.
Chơi game thì cần phải có bạn chơi để cùng chiến đấu chống lại kẻ thù nên làm cho số lượng người chơi ngày càng tăng.
Nhưng đây chính là những cái bẫy để đưa các em đến những hành vi mà bản thân không thể kiểm soát được.
4. Từ nhà cung cấp game trên thị trường.
Game online chỉ mới du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm nay nhưng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Bên cạnh mặt tích cực là một trò giải trí, game online cũng mang lại những mối nguy hại khôn lường.
Game đối với doanh nghiệp là một hướng kinh doanh mới, có nhiều triển vọng. Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất phần mềm trong nước thì hướng phát triển đầu tư vào thị trường game mang tính đột phá cho ngành công nghệ phần mềm Việt Nam mục tiêu tới năm 2010. Một trong những mục tiêu là “đạt doanh số 150 triệu USD từ các loại trò chơi trên máy, vi tính và các thiết bị khác” và “game onile trong nước” dần chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế game nhập khẩu. Nhưng vì lợi ích trước mắt những người cung cấp trò chơi không biết hoặc cố tình không biết về những tác hại mà game đã gây ra.
Nắm bắt được tâm lý các nhà kinh doanh đưa ra hàng loạt các loại hình game nhằm thu hút các em để thu lợi nhuận mà không cần quan tâm đến hệ quả.
PHẦN KẾT LUẬN VÀ GIẢI PHÁP
1. Giải Pháp
Về phía gia đình:
Gia đình cần có kiến thức về tâm sinh lý của tuổi mới lớn để quan tâm lắng nghe những lời tâm sự của các em, không để cho các em thời gian một mình nhiều, không nên nuông chiều. tạo không khí gia đình hòa thuận, vui vẻ để các em không còn cảm giác buồn chán và quên mình vào các trò chơi có hại cho sức khỏe.
Không nên cho các em sử dụng quá nhiều tiền.
Về phía nhà trường:
Tạo ra nhiều sân chơi giải trí và các hoạt động ngoại khóa phong phú để thu hút sự tham gia của các em. Tạo ra mối quaqn hệ thân thiết, hòa đồng giữa thầy và trò.
Về phía nhà cung cấp game:
Nên thực hiện đúng theo thông tư 60 ban hành năm 2006 về việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như tiền thưởng, điểm thưởng và kiểm soát tài khoản nhằm khuyến khích game thủ ngừng chơi sau “5 giờ”.
Ngoài ra bên phía cung cấp game không nên đưa các trò chơi mang tính bạo lực và kiểm soát người chơi chặt chẽ thông qua việc đăng ký trước khi chơi.
Có thể nói, việc hạn chế và kiểm soát các em trong độ tuổi đi học khi tiếp cận mạng internet nói chung và các trò chơi game nói riêng là rất cần thiết, để làm được việc này cho tốt các bậc cha mẹ nên quan tâm và kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý con em mình, cần phát hiện kịp thời những biểu hiện “bất thường” của con mình.
Như vậy, hiện nay trong cuộc sống,giải trí là một nhu cầu thiết yếu của con người và ngày càng được chú trọng. Đối với lứa tuổi học sinh game là hình thức giải trí ngày một được ưa chuộng. Khi khoa học phát triển thì nó được ứng dụng trong nhà trừơng, nhưng nhiều khi học sinh lại lạm dụng vào các trò chơi không có sự kiểm soát của gia đình và nhà trường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập, sức khỏe,sự hình thành nhân cách, có khi là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội.Bản thân game chỉ là một hình thức giải trí nhưng khi bị lạm dụng thì nó để lại hậu quả khôn lường. Do đó đòi hỏi các ngành chức năng, các doanh nghiệp có những biện pháp tích cực để hình thức giải trí này tồn tại theo đúng nghĩa của nó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét