Công ơn đàn việt
“Muốn tu học đạo mầu
Cảm theo cái ý ấy, hằng ngay sau mỗi giờ quá đường vị chủ lễ thường phục nguyện:
“Thân phi nhất lũ thường tư chức nữ chi lao,
Nghĩa là: Thân này khoác một manh áo đơn sơ nhưng thường nghĩ đến sự vất vả của người thợ dệt. Cơm ngày ăn ba bữa hằng nhớ đến sự khó khổ của kẻ nông phu.
Ý nghĩa của bài kệ ấy là nhằm để “nhắc nhở người xuất gia luôn luôn nhớ đến công ơn của người đàn việt”.
I. Công ơn của người đàn việt:
Vật dụng người xuất gia tất cả điều không phải tự mình mà có được. Manh áo đơn sơ mặc trên người là do sự vất vả khó nhọc của người thợ dệt ngày đêm cặm cụi nên. Bát cơm đạm bạc là nhờ công lao cực khổ của người nông phu phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà có được. Cho đến thuốc thang, giường chõng, sách vở, giấy mực, cây kim, sợi chỉ v.v.. điều do mồ hôi nước mắt, vất vả đắng cay của bao nhiêu người đem lại.
Người xuất gia hằng ngày được thọ hưởng những đồ ăn thức uống no đủ, mà đôi lúc còn có người đòi hỏi thêm, hay không vừa ý. Trong khi người đàn việt phải dãi dầu nắng mưa, gió bão lam lũ cả một đời nhiều lúc không đủ ăn, thế mà họ vẫn nhín một ít phần ăn của cả gia đình để cúng dường. Chúng ta không dệt vải mà vẫn có áo mặc dư dã. Mà không biết quý trọng, không biết mến tiếc. Trong khi những người thợ dệt phải vất vả ngày đêm mà nhiều lúc vẫn không đủ mặc, vẫn chưa đủ ấm. Khi bệnh tật có người đem đến cho ta thuốc quý mong chữa lành bệnh đủ sức khoẻ tu hành. Trong khi họ không đủ tiền để mua thuốc, hay thậm chí không đủ tiền để chữa trị lành bệnh. Chúng ta mỗi người một giường, đôi khị trải nệm ấm đắp chăm êm, sống trong tự viện đầy đủ tiện nghi; còn có người đàn việt phải nằm đất chõng tre, sống trong mái nhà tranh mục nát. Lấy sự cực nhọc của người đề cung phụng cho sự an lành của ta, vậy thì đối với chúng ta phải làm sao cho xứng đáng với công sức của họ! Cho nên đối với những công ơn của người đàn việt thì người đệ tử Phật với đầu tròn áo vuông làm sao có thể nào quên được?
II. Tầm quan trọng của sự cúng dường:
Người đàn việt vì muốn vun trồng cội phúc, muốn thoát khỏi biển khổ nên nhịn phần ăn tiêu của gia đình mà đem vật thực đến cúng dường Tam bảo. Nhờ sự cúng dường đó mà người xuất gia không phải bận rộn lo toan về miếng ăn, cái mặc để có thời gian chuyên tâm vào việc nghiên cứu và tu tập; nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy chân lý Phật đà, giúp cho Phật pháp hưng long và truyền bá khắp nơi, làm cho chánh pháp không bị suy tàn mà vĩnh viễn trường tồn trên thế gian này.
Nếu không có sự cúng dường của người đàn việt thì Tăng Ni không thể tu hành một cách an ổn, vì “có thực mới vực được đạo”. Câu nói tuy đơn giản nhưng không đơn giản tí nào. Không có sự hỗ trợ cúng dường của người đàn việt thì Tăng Ni sẽ không đủ điều kiện hoằng dương chánh pháp. Do đó, sẽ làm cho giáo pháp của đức Thế Tôn suy tàn và dần dần mai một.
Sự ủng hộ vật chất của người đàn việt, đã góp phần rất lớn trong sự nghiệp bảo vệ và giữ gìn ngôi nhà Phật pháp. Tăng Ni có đủ phương tiện tu học; sự hiểu biết, lòng vị tha được phát huy tốt, sẽ góp phần xua tan thù hận cho nhân gian. Dòng nước từ bi mát dịu trong lành sẽ là chất liệu xua tan những tâm hồn tràn đầy những tham vọng cuồng si. Do vậy, sự cúng dường của đàn việt có ý nghĩa rất lớn trong đời sống xuất gia nói riêng và trong sự trường tồn Tam bảo nói chung.
Tam bảo là phước điền cho chúng sanh, vì nơi đó chúng sanh gieo một mà hưởng gấp trăm ngàn lần. Ví dụ như có khi vì lòng từ bi bố thí cho một người nào đó khi họ lỡ đường hoặc lúc đói khát, thì phước báo rất ít không bằng cúng dường cho người xuất gia. Vì người xuất gia sống một đời đạo đức, là tấm gương sáng cho mọi người, noi theo và tu tập mong đạt đến sự chứng ngộ để đem đến niềm an lạc cho chúng sanh, làm cho chúng sanh được nhiều lợi ích.
Trong kinh “Tứ thập nhị chương” phần “Bố thí độ” chương XI đức Phật đã dạy rằng: “Cho một trăm người ác ăn, không bằng cho một người lành ăn; cho một ngàn người lành ăn, không bằng cho một người trì ngũ giới ăn, cho một muôn (10.000) người trì ngũ giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu Đà Hoàn ăn; cúng dường trăm muôn (1.000.000) vị Tu Đà Hoàn ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tư Đà Hàm ăn; cúng dường cho một ngàn muôn (10.000.000) vị Tư Đà Hàm ăn; không bằng cúng dường cho một vị A Na Hàm ăn, cúng dường cho một ức (100.000) vị A Na Hàm ăn, không bằng cúng dường cho một vị A La Hán ăn, cúng dường cho mười ức (1.000.000) vị A La Hán ăn không bằng cúng dường cho vị Bích Chi Phật ăn; cúng dường cho một trăm ức (10.000.000) vị Bích Chi Phật ăn không bằng cúng dường cho một Tam Thế Chư Phật ăn; cúng dường cho một ngàn ức (100.000.000) Tam Thế Chư Phật ăn, không bằng cúng dường cho một vị Vô Niệm Vô Trụ Vô Tu Vô Chứng ăn.”
Đức Phật nói lên điều này để chứng tỏ rằng cúng dường cho một vị xuất gia thì phước báo rất vô lượng, mà nhất là các vị tu hành chân chính có giới hạnh, có đạo đức và có tâm chứng trong thiền định. Vì đó là một phước điền thật sự cho chúng sanh. Nếu có một người nào may mắn cúng dường cho Phật lúc Ngài còn tại thế thì phước báo của người ấy vô lượng vô biên không thể nói hết được. Chúng tôi nói điều này không phải để khuyên người đàn việt lựa người mà cúng, nhưng đó là sự sai biệt của công đức cúng dường.
Sự cúng dường Tam bảo có công đức rất lớn đối với người đàn việt. Trong đời hiện tại họ thực hành đúng thiện pháp, diệt trừ tâm bỏn xẻn nên tâm dần dần được an lạc. Trong vị lai, nó là cái nhân phước thiện để khoát khỏi cảnh khổ bần cùng, là hạnh căn bản trong các hạnh, để một ngày nào đó có thể bước lên quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, thoát khỏi vòng sanh tử khổ đau và trở thành một phước điền cho chúng sanh. Như bài kệ sau đây đức Phật đã nói với ông Cấp Cô Độc khi ông dâng cúng tinh xá Kỳ Viên cho Tăng đoàn:
“Hành pháp Phật ấy phước điền chân thật,
IV. Cúng dường như thế nào mới được lợi ích lớn?
Không phải tất cả việc cúng dường đều có phước báo như nhau mà nó có sự khác biệt nhiều ít. Phước báo tùy thuộc vào sự dụng tâm khi cúng dường của người đàn việt. Sự dụng tâm đó rất quan trọng để chúng ta biết phước báo nhận được nhiều hay ít, vô lậu hay hữu lậu. Đa phần người đàn việt đem vật thực đi cúng dường chỉ vì cầu sự bình an cho gia đình, sự thành đạt trong nghề nghiệp, sự may mắn trong mua bán v.v.. Như vậy, phước báo tuỳ tâm ứng hiện, nhưng đó chỉ là phước hữu lậu, mà phàm cái gì hữu lậu thì không thể tồn tại lâu được. Vì tâm mong cầu vẫn là tâm ích kỷ, tham lam; mà khi ích kỷ tham lam có mặt thì đau khổ sẽ xuất hiện. Một ngày nào đó khi hưởng hết phước hữu lậu chúng ta lại phải bị đọa lạc trong vòng sanh tử luân hồi.
Có người cúng dường rất nhiều nhưng trong lòng của họ xuất hiện tâm tự cao kín đáo và kiêu mạn ngày càng lớn mà không biết cách diệt trừ thì công đức sẽ bị hao tổn dần. Chỉ cần trong tâm khởi lên những điều bất thiện là công đức đã bị tổn, huống hồ là đem khoe khoang sự cúng dường nhiều ít để người khác nể trọng. Có người cúng dường rất hậu nhưng lại muốn người xuất gia phải chiều theo ý mình, đôi khi không vừa ý họ lại trở mặt nói xấu người xuất gia, làm cho đạo Phật càng suy yếu. Như vậy, quả báo về sau, phước thì vẫn hưởng nhưng tội vẫn phải gánh chịu.
Những điều nói trên là để rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình. Vậy thì cúng dường như thế nào mới có lợi ích lớn? đàn việt khi đem vật thực đến cúng dường với tâm tôn kính Tam bảo, hộ trì Tam bảo, để quý thầy quý cô đủ điều kiện mà tu hành và giáo hóa chúng sanh quay về chánh đạo, làm tăng trưởng đạo đức của con người để con người sống tốt với nhau hơn giữa thế gian tối tăm này. Vả lại, người xuất gia đâu chỉ có miếng ăn cái mặc mà còn biết bao nhiêu chuyện phải làm; nào là phát huy chân lý Phật đà, dịch kinh ấn tống, việc từ thiện xã hội, việc tổ chức tu học cho Tăng Ni Phật tử v.v... cần nhiều tài chính mới có thể quyên góp làm cho được. Chỉ cần trong tâm đàn việt có ý nghĩ đó thôi, thì người này khi sinh ra đời thường được nghe chánh pháp, thường được gần gũi Tam bảo mà tu hành, có nhân lành để trở thành một vị thánh trong tương lai. Vì tâm tùy hỷ cúng dường và vị tha này có thể giúp đàn việt chấp cánh bay ra khỏi tam giới.
V. Thái độ của người xuất gia:
Người xuất gia phải luôn biết ơn những tài vật của người đàn việt hiến cúng. Vì mỗi tấc vải, mỗi hạt cơm ân trọng như núi; đầy mồ hôi và nước mắt của đàn việt. Bằng những nỗi vất vả, lo toan, lam lũ quần quật suốt năm này qua tháng nọ để tìm ra manh áo chén cơm đem đến cúng dường, có khi họ phải tạo ra các nghiệp bất thiện dẫn đến sự tổn phước, tâm trí càng lu mờ vì mãi bon chen giữa dòng đời xuôi ngược. Khi đem vật thực đến cúng dường, họ còn dưng hai tay với lòng tôn kính thiết tha, thì ở đây thái độ của người xuất gia phải biết mến tiếc đối vối những vật thực cúng dường của họ, phải biết tôn trọng và yêu thương họ. Vì họ cũng là một con người chịu nhiều đau khổ như bao nhiêu người khác, thân thuộc của chúng ta. Người xuất gia phải có tâm bình đẳng không nên phân biệt giàu hay nghèo, không nên chê bai tốt xấu hoặc nhiều hay ít khiến họ nghe được mà sanh lòng phiền não làm giảm tín tâm của họ đối với Phật pháp. Phải khéo léo dùng sự hiểu biết của mình hướng dẫn họ tu tập theo con đường Bát chánh và biết đem công đức cúng dường hồi hướng về quả vị giác ngộ vô thượng chớ đừng mong cầu phước báo ở cõi trời và cõi người. Vì vậy, mỗi người xuất gia cần phải biết ơn và tìm mọi cách để báo ơn người đàn việt, nếu không thì không xứng đáng là một người xuất gia chân chánh. Trong kinh “Biết ơn” đức Phật đã dạy:
“Nếu có chúng sanh nào
Cho nên, người xuất gia đã từ bỏ gia đình, sống cuộc sống không gia đình, chỉ vì lý tưởng giác ngộ giải thoát mọi khổ đau sanh tử luân hồi, chớ không phải vì thức ăn ngon, y phục đẹp, sàng tọa tốt, dược phẩm quý v.v.. mà sống trong giới và luật của Thế Tôn. Vì vậy, người xuất gia phải nghĩ đến vô thường mà ngày đêm sáu thời tu tập lời Phật dạy, hầu làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo và phải có ý tưởng siêu việt mong cho ta cùng tất cả chúng sanh sớm vượt qua bến sanh tử đến bờ giác ngộ. Cho dù kiếp này không đắc đạo thì trong một kiếp nào đó khi chúng ta rống lên tiếng rống của con sư tử. “Ba minh ta chứng được, lời Phật dạy làm xong”, thì tất cả những người đã từng cúng dường cho ta một hạt gạo hay một bát cơm ở trong kiếp này vẫn được lợi ích rất lớn.
Vì lòng thương tưởng đến chúng sanh, vì muốn cho chúng sanh được an lạc người xuất gia hãy chuyên cần. Người xuất gia tu tập để làm một ruộng phước cho chúng sanh gieo trồng. Hãy sống một đời thiểu dục, tri túc, giản dị để giữ hạnh thanh bần mà vui niềm vui đạo pháp; không đa cầu vì “các dục lạc của thế gian là vui ít khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn”. Hãy nghĩ rằng: Khi ta mặc thêm một tấm áo đẹp là chúng sanh đang khổ cực thêm một chút nữa, khi ta ăn một bữa ăn ngon thì đàn việt càng vất vả hơn trăm ngàn lần. Cho nên chúng ta phải biết chế ngự thân tâm, chỉ cần có manh áo đơn sơ để che thân là đủ, chỉ cần có cơm ăn để giữ gìn tấm thân này mà làm phương tiện qua sông. Chúng ta phải lấy mục tiêu: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh” mà hướng đến chớ có dừng lại một mục tiêu nào khác.
Thế Tôn có dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Ngày nay chúng ta may mắn được làm thân người, lại xuất gia học đạo nghe được giáo pháp vi diệu của Thế Tôn để lại thì thật là điều đáng mừng. Bên cạnh đó chúng ta còn nhận được sự cung kính cúng dường của mọi người thì phải cố gắng tu hành chớ có ngủ quên trong sự hưởng thụ mà bỏ phí thời giờ trôi qua một cách vô ích theo các dục vọng của thế gian. Chúng ta phải nhớ đến lửa sanh tử ngày đêm thiêu đốt, lẽ vô thường không hẹn một ai mà tu hành cho có kết quả, để làm lợi ích cho chúng sanh và không để công ơn của người đàn việt trở thành vô nghĩa. Nếu không chuyên tâm tu tập thì không những đời này ta không được giải thoát mà muôn kiếp về sau còn phải chịu khổ đau trong biển khổ luân hồi và chỉ tiêu hao của đàn na tín thí. Đó là ta tự đào hố chôn ta chứ chẳng phải một người nào khác. Người xuất gia hãy tinh tấn tu tập vượt khỏi ba cõi sáu đường để làm một cội Bồ đề rợp bóng mát che chở cho chúng sanh và là một đóa hoa sen tỏa hương thơm ngát, “tuy gần bùn mà vẫn không tanh mùi bùn”.
Nguồn: Tập san Pháp Luân số 01
0 nhận xét:
Đăng nhận xét