Quan niệm tình yêu - hôn nhân - gia đình của phụ nữ thời kỳ trước đổi mới và sinh viên thời hiện đại
Hôn nhân là một trong những sự kiện quan trọng của đời người. Đối với người Việt Nam, hôn nhân thể hiện nét văn hóa, phong tục tập quán và sự thay đổi theo từng thời điểm. Việc chọn bạn đời và tiến đến kết hôn để xây dựng một cuộc sống gia đình theo thời gian cũng có những điều thay đổi. Tùy theo cách sống, cách suy nghĩ của mỗi thời kỳ và hoàn ảnh của lịch sữ đã ảnh hưởng đến vấn đề tình yêu, hôn nhân và gia đình. Có thể nói những tác động của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã ảnh hưởng đến những vấn đề này không phải là nhỏ. Chính vì thế mà người viết đã tìm hiểu và phân tích quá trình biến đổi của hôn nhân trong gia đình Việt Nam qua các thời kỳ. Tuy nhiên, bài nghiên cứu cũng chỉ giới hạn trong phạm vi dựa vào tài liệu nghiên cứu của Khuất Thu Hồng về “Một số biến đổi trong hôn nhân và gia đình ở Hà Nội trong những năm 1965 – 1992”. Nhưng phạm vi của bài, người viết chọn thời kỳ trước đổi mới (1965 – 1985) của những phụ nữ Hà Nội tham gia thảo luận nhóm tập trung trong tài liệu nghiên cứu của Khuất Thu Hồng cùng với biên bản thảo luận nhóm tập trung của nhóm nữ sinh viên lớp 06XH1D, ngành Xã hội học, khoa Khoa học xã hội và Nhân vân của trường đại học Tôn Đức Thắng. Đặc điểm chung của các bạn sinh viên là tuổi đời và trình độ học vấn tương đồng với nhau. Qua hai tài liệu đó để so sánh về quan điểm của hai thế hệ có những điểm giống nhau và khác nhau như thế nào về quan niệm tình yêu, hôn nhân và gia đình.
NỘI DUNG
1. TIÊU CHUẨN CHỌN BẠN ĐỜI
Thời kỳ trước đổi mới, trong khi lựa chọn, tiêu chuẩn quan trọng nhất của người bạn đời tương lai là phải làm việc trong cơ quan nhà nước “người chồng lý tưởng lúc bấy giờ, thứ nhất là hai gia đình phải gần nhau, thứ hai là có công việc làm chắc chắn, thứ ba phải là cán bộ công nhân viên nhà nước, trong gia đình không có người buôn bán …Nếu trong gia đình có cha đi chợ, chân trong chân ngoài là không thích, tuyệt đối phải là cán bộ công nhân viên nhà nước”. Gia đình tôi là như thế, và quan niệm về những người khác nói chung. Thời kỳ đó vì chế độ bao cấp, họ quan trọng việc có người làm việc trong cơ quan nhà nước để dể dàng mua thực phẩm, vật dụng cần dùng trong gia đình. Đời sống kinh tế lúc đó cũng nghèo nàn, cơ sở vật chất thiếu thốn lạc hậu. Lập gia đình cũng phải bảo đảm chuyện ăn uống, sinh hoạt, “không ai yêu được khi bụng đói cả”. Thế nên nhiều người cũng muốn chọn cho mình những tấm chồng có việc làm chắc chắn, ổn định được đời sống gia đình. Còn các thiếu nữ sinh viên thế hệ 8x thì sao. Trong buổi thảo luận nhóm tập trung Bạn mang số 8 đã đưa ra ý kiến: “Người bạn đời của mình trong tương lai phải có công việc ổn định, vấn đề tiền bạc thì không quan trọng lắm nhưng đó là điều kiện đầu tiên để đảm bảo cuộc sống”. Ta thấy tuy các thế hệ có khác nhau nhưng vấn đề đầu tiên là kinh tế để ổn định cho cuộc sống gia đình là tiêu chuẩn hàng đầu. Ít có ai dám chấp nhận lấy một người mà họ biết rằng khi lấy về sẽ đối diện với cảnh đong gạo hàng ngày, bữa đói, bữa no. Như vậy là vai trò của người đàn ông khi chuẩn bị xây dựng gia đình phải có một sự nghiệp hoặc có thu nhập ổn định để có thể xây dựng gia đình tốt được.
Còn bạn nữ mang số 7 đưa ra suy nghĩ của mình “Theo mình thì người đó phải khá giả hơn mình một chút, người đó phải khá giả hơn mình mới có đủ khả năng nuôi mình, lo cho mình được, tất nhiên là phải yêu thương”. Với tiêu chuẩn khá giả, có khả năng nuôi sống vợ và còn con cái nữa chứ. Hôn nhân tuyền thống ở Việt Nam bị chi phối bởi quyền lợi của gia đình và được các bậc cha mẹ sắp xếp. Tiêu chuẩn đầu tiên là sự phù hợp giữa hai gia đình (môn đăng hộ đối ), vì hôn nhân có thể thay đổi vị trí kinh tế xã hội của gia đình. Tuy nhiên đối với xã hội ngày nay, chuyện “môn đăng hộ đối” dường như không được đề cập là vấn đề quan trọng nữa. Nhưng không có nghĩa là các bạn nữ ngày nay chấp nhận lấy chồng là những người nghèo hơn mình. Năm trong số tám thành viên nữ tham gia thảo luận nhóm tập trung đã đưa ra ý kiến là người đó phải khá giả hơn mình mới có đủ điều kiện đáp ứng được nhu cầu của mình. Như vậy, ngày xưa “môn đăng hộ đối” là do cha mẹ của người con gái xem trọng, nhưng ngày nay các cô gái tự đưa tiêu chuẩn ra cho người bạn đời cua mình phải khá giả hơn mình mới đáp ứng nhu cầu của mình. Có khác chăng với ngày xưa là bây giờ những ý nghĩ đó chỉ xuất hiện trong đầu mà không bộc lộ ra ngoài mà thôi. Thời buổi kinh tế thị trường, vật chất đầy đủ, con người đã qua rồi chuyện “ăn chắc mặc bền” mà thay vào đó là sự hưởng thụ “ăn ngon mặc đẹp”, nên chuyện đòi hỏi một cuộc sống tốt đẹp cũng là chuyện đương nhiên.
Thời kỳ trước đổi mới một tiêu chuẩn chọn bạn đời nữa không kém phần quan trọng đó là vị trí chính trị của gia đình và cá nhân, nói cụ thể là lý lịch. Một lý lịch tốt được coi như sự bảo đảm cho một gia đình tốt như quan niệm lúc bấy giờ. Đó cũng là tiền đề tốt để một người có thể trở thành cán bộ nhà nước, một vị trí đang được mong muốn của tất cả cư dân đô thị lúc đó. Nói cách khác người ta quan trọng đến xuất thân của một người mà họ chọn cho con gái mình để làm chồng. Sự tương xứng về địa vị chính trị giữa hai cá nhân và gia đình là trung tâm chú ý của cơ quan hay tổ chức khi chấp nhận hay phản đối hôn nhân cuả họ. Một nữ thành viên nhóm 12 trong tài liệu nghiên cứu của Khuất Thu Hồng đã chia sẽ: “Giai đoạn chúng tôi xây dựng gia đình đúng là có mơ ước nhiều nhưng cũng bị hạn chế rất nhiều bởi hoàn cảnh sống lúc bấy giờ. Thực tế lúc đầu tôi cũng yêu một người khác thành phần, gia đình tư sản, gia đình tôi không đồng ý, bảo là không thể được. Lúc ấy coi nặng về chuyện ấy lắm, anh ấy con nhà tư sản thì vào đại học rất khó khăn, nếu vào được chỉ học ở những khoa bị coi thường như lâm nghiệp, nông nghiệp...Tôi có ông anh chồng trước kia yêu một cô rất xinh, hai người yêu nhau học cùng lớp, nhưng gia đình cô ấy là tư sản nên gia đình bên này không đồng ý. Về sau có người giới thiệu một cô, xấu thôi, nhưng gia đình lão thành cách mạng, nên bố mẹ đồng ý ngay. Thời kỳ ấy hạn chế rất nhiều". Nếu anh là cán bộ thì “thành phần ”quan trọng lắm”. Còn quan niệm hiện nay thì sao. Các thành viên trong nhóm sinh viên thảo luận cho rằng không quan tâm đến chuyện xuất thân của người bạn đời trong tương lai, chủ yếu là quan tâm đến học vấn. Bốn trong tám thành viên đưa ra ý kiến rằng người bạn đời của mình phải có học vấn bằng mình hoặc hơn mình. Trong thời đại thông tin toàn cầu thì trình độ học vấn là vấn đề rất quan trọng. Ta có thể nói rằng kinh tế của một người cũng có ảnh hưởng đến lương bổng công việc làm của người đó. Trình độ học vấn càng cao thì cơ hội làm việc càng nhiều và mức độ thăng tiến càng lớn. Thời buổi bùng nổ thông tin nên nhiều người cũng phải cố gắng học tập để khỏi phải “thua anh kém em”, vã lại đi bên cạnh một người chồng có một học vị cao cũng là một sự hãnh diện của cánh chị em phụ nữ, đó cũng là điều dể hiểu.
Không những thế người ta còn phải có một tình yêu thật sự nữa. Thời buổi hiện đại, con người ta tự do hơn trong tất cả mọi lĩnh vực, không ngoại trừ chuyện tình cảm. Thế hệ ngày nay tự do yêu đương, tự do tìm hiểu người bạn của mình. Người ta xây dựng gia đình, sống chung với nhau suốt đời chứ có phải chuyện đùa đâu mà không tìm hiểu. Đã qua rồi chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, nhiều khi không yêu cũng phải bắt lấy, phận làm con không dám cãi lời. Xây dựng gia đình với một người mình yêu là mơ ước của các thiếu nữ thời hiện đại, chứ không như các thiếu nữ thời trước đổi mới. Theo tài liệu nghiên cứu của Khuất Thu Hồng cho biết: đối với một nữa số thành viên tham gia thảo luận là do gia đình chủ động trong việc tiến hành lựa chọn bằng cách giới thiệu đối tượng cho con cái. Trong đó người mẹ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc này. Có nhiều người trong trường hợp như thế này: “Lúc đó mình học vừa xong, mình còn rất vô tư. Lấy chồng là do bố mẹ giới thiệu, hai gia đình quen nhau từ trước" (Nữ thành viên nhóm 10). Phải nói rằng đó là một nỗi đau cho những người con gái phải rơi vào cảnh tượng như vậy. Có những cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng người vợ cũng phải chịu đựng sau khi đã kết hôn. Phần lớn là do chưa tìm hiểu kỹ càng tánh tình, sở thích và tư tưởng của nhau nên “chuyện cơm không lành, canh không ngọt” là chuyện thường xuyên xảy ra. Nhiều khi không hạnh phúc nhưng cũng phải chịu đựng, thiệt hại cũng chỉ ở người phụ nữ thôi. Sống không có tình yêu nên rất dể có nguy cơ bạo lực trong gia đình là chuyện không tránh khỏi. Có khi người phụ nữ cũng chẳng dám ly dị vì sợ ảnh hưởng đến con cái mà trên hết là truyền thống Việt Nam khiến họ phải cố gắng chịu đựng. Từ những bài học không may mắn của các thế hệ đi trước nên thế hệ trẻ ngày nay cẩn thận hơn trong vấn đề chọn bạn đời cho mình, đó chính là phải bắt nguồn từ tình yêu thật sự. Hôn nhân xuất phát từ một tình yêu đó cũng là một trong những yếu tố đưa đến hạnh phúc gia đình.
Ngoại hình của người chồng tương lai cũng là yếu tố quan trọng được đề cập đến. Bên cạnh những tiêu chuẩn về chế độ chính trị xã hội, các sở thích về ngoại hình và nhân cách cũng là tiêu chuẩn quan trọng được cá nhân chú ý trong quá trình lựa chọn “người chồng lý tưởng phải hơn mình 5 tuổi, là cán bộ nhà nước và gia đình cũng là cán bộ nhà nước vì gia đình tôi cũng vậy. Hình thức phải cao ráo điển trai ” (Nữ thành viên nhóm 10). Ta thấy dù ở thế hệ nào thời điểm nào thì yếu tố ngoại hình của người bạn đời trong tương lai cũng là điều các phụ nữ quan tâm “người đó phải cao ráo, đẹp trai và có học thức”, đó là ý kiến của Bạn sinh viên mang số 4, còn Bạn mang số 3 thì khác hơn: “người ấy phải cao hơn mình từ 10 đến 15 cm và mình quá lùn nên phải cải thiện nòi giống, cao 1m70 là đủ rồi". Phải nói rằng hình thức bên ngoài của một người của khá quan trọng, chúng ta cứ nghĩ thời buổi hiện nay các công ty khi tuyển chọn nhân viên làm việc cũng yêu cầu người có ngoại hình và ưu tiên cho họ. Các cuộc thi hoa hậu ngày càng nhiều với quy mô toàn cầu đang mở ra ngày càng nhiều, cho thấy nhu cầu về làm đẹp là rất lớn. Các công ty mỹ phẩm cho ra đời các sản phẩm làm đẹp ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu đó của con người. Các thẩm mỹ viện mọc lên như nấm để không phụ lòng mong mỏi của các chị em. Các kênh truyền hình, báo đài cũng liên tục tư vấn và hướng dẫn cách làm đẹp cho phụ nữ nên các chị em tha hồ làm đẹp cho mình. “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”, trời sinh ra mỗi người một vẽ nhưng chuyện làm đẹp cho mình là chuyện của mỗi cá nhân. Phải nói rằng người chồng rất hãnh diện khi đi với một cô vợ đẹp, đó là điều mà cánh mày râu quan tâm. Người ta nói “đàn ông yêu bằng mắt” nhưng trong những ý kiến của các chị em phụ nữ thế hệ trước đổi mới cũng như các bạn sinh viên thời hiện đại cũng “yêu bằng mắt” đấy thôi. Đó là một sự công bằng, người nam đòi hỏi một người vợ có ngoại hình đẹp thì tại sao người nữ lại không có quyền chọn cho mình một người bạn đời có ngoại hình chứ. Không phụ nữ nào thích người chồng lùn hơn mình cả, vã lại chuyện cải thiện nòi giống cũng là việc phải làm. Ai cũng muốn sau này sinh con cái ra đứa nào cũng đẹp, phải cao ráo. Con người ta sống là phải hướng tới cái đẹp, chứ chẳng ai sống hướng đến cái xấu bao giờ nên việc đưa ra tiêu chuẩn ngoại hình là điều hiển nhiên.
Một trong những tiêu chuẩn của một cặp vợ chồng tương xứng là tuổi tác, người vợ tương lai phải trẻ hơn chồng – trung bình là 4-5 tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác giữa cha mẹ của hai bên cũng không được chấp nhận. Tiêu chuẩn này cũng thường được chú ý đến trong hôn nhân ở nông thôn. Đó là ý kiến của các phụ nữ thời trước đổi mới còn các bạn sinh viên cũng có ý kiến tương tự là muốn người chồng của mình phải lớn tuổi hơn mình từ 2 tuổi đến 5 tuổi. Ta thấy sự chênh lệch về tuổi tác duy trì thứ bậc trong quan hệ vợ chồng, người đàn ông phải hướng dẫn và đảm bảo cuộc sống của vợ con. Mặc khác người ta tin rằng trong đời sống tâm lý. Nhiều phụ nữ nói rằng họ muốn chồng họ như một người anh, dẫn dắt, bảo vệ và chiều chuộng họ. Rõ ràng kiểu quan hệ mà họ mong muốn này bắt nguồn từ các chuẩn mực truyền thống của gia đình gia trưởng. Còn các bạn sinh viên thì muốn người chồng của mình phải là chỗ dựa tinh thần tốt cho mình, phải có ý chí, độc lập về quyết định và phải đặt ý kiến của mình lên hàng đầu. Đa phần họ không thích tính gia trưởng của người chồng trong tương lai.
2. SỰ QUYẾT ĐỊNH VỀ HÔN NHÂN
Theo truyền thống Á Đông, phần lớn ảnh hưởng của Nho giáo, việc định đoạt trong vấn đề xây dựng gia đình phải được sự chấp thuận của cha mẹ. Vã lại con cái không dám tự mình quyết định vì sống phụ thuộc vào gia đình. Cha mẹ không chấp nhận thì con cái cũng không dám tự quyết. Những quan niệm này đã ăn sâu vào tư tưởng của mỗi người từ lâu, nên cũng phải đành chấp nhận. Nói chung sự lựa chọn thường xảy ra trong gia đình mà người quyết định vẫn là cha mẹ và bà con thân thuộc.
Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, gia đình thường chủ động tìm hiểu đối tượng và tranh thủ cưới vợ cho con trai trong thời gian nghĩ phép của họ, với mục đính sinh cháu để bảo tồn nòi giống, đó là quá trình lựa chọn khá phổ biến. Một nửa số thành viên nữ tự lựa chọn người bạn đời nhưng sự chấp nhận của gia đình là không thể thiếu:“Tôi nghỉ chọn bạn đời phải chọn cả hai gia đình đều có cùng nề nếp sống. Khi tôi tìm hiểu anh ấy, tôi có hỏi ý kiến của gia đình và tôi nghỉ ý kiến của gia đình là tương đối quan trọng. Bạn bè cũng cần tham khảo nhưng không quan trọng được bằng ý kiến cha mẹ” (Nữ thành viên nhóm 11).
Nếu cha mẹ, phản đối sự lựa chọn, thì con cái đành chia tay với người yêu đi tìm người khác : “Nếu bố mẹ không đồng ý thì có lẽ cũng phải từ biệt thôi, hoặc phải đấu tranh quyết liệt để dành lấy tình yêu của mình”. "Đến năm 26 tuổi tôi mới kết hôn. Khi đó gia đình tôi không đồng ý vì tuổi không hợp. Cuối cùng chúng tôi cứ quyết định, tôi nói với gia đình nếu không đồng ý thì tôi sẽ không lấy ai nữa, vì thế gia đình phải chấp nhận" (Nữ thành viên nhóm 7). Trong khi đó, có một số người rất tin vào lời của cha mẹ, họ chỉ đợi sự ưng thuận cha mẹ để có quyết định cuối cùng. Trong trường hợp cha mẹ phản đối thì phản ứng của phụ nữ khác với nam giới .Phụ nữ thường cố gắng thuyết phục gia đình của họ đồng ý, ngay khi đó nam giới có thể kết hôn ngay cả khi, cha mẹ của họ không đồng ý .
So với thế hệ trước đổi mới thì thế hệ sau các bạn nữ có phần tiến bộ hơn, họ tự do chọn lựa và tìm hiểu và dẫn về nhà giới thiệu cùng với gia đình. Quyết định trong việc chọn bạn đời để tiến tới hôn nhân cũng chính là ở họ nhưng ý kiến của gia đình không phải là không quan trọng: “Hôn nhân do mình quyết định, nhưng bên cạnh đó mình cũng tham khảo ý kiến cha mẹ, mình dẫn người yêu về nhà ra mắt và nghe ý kiến của bố mẹ mình. Nếu bố mẹ có phàn nàn về người yêu của mình thì sẽ cân nhắc lại về hôn nhân, và nếu bố mẹ phản đối tình yêu đó và không cho tiến tới thì mình sẽ phải nghiên cứu lại xem tình yêu đó như thế nào. Nhưng cuối cùng mình sẽ là người quyết định, có dựa trên ý kiến cha mẹ" (Nữ thành viên mang số 1). Trải qua nhiều kinh nghiệm trong hôn nhân và gia đình, các thế hệ đi trước cũng có một cái nhìn mới hơn trong vấn đề này nên để cho con cháu tự do tìm hiểu và lựa chọn người bạn đời của mình, và điều đặc biệt hơn nữa cũng để tránh chuyện “ép dầu ép mở ai nỡ ép duyên” mà ông bà cha mẹ và họ hàng đã thoáng hơn trong chuyện này. Ý kiến của bạn sinh viên nữ mang số 2 cho biết: “Cũng giống như bạn mang số 1, trong gia đình mình ba mẹ rồi các cô phần lớn là tự quyết định hôn nhân. Mấy cô và ba mẹ dẫn đối tượng về nhà giới thiệu thăm hỏi họ hàng hai bên, một thời gian rồi tiến đến hôn nhân. Theo mình được biết ông bà mình không có ý kiến nhiều về vấn đề lập gia đình của con cháu và tin vào sự lựa chọn của con cháu, nên việc mình rơi vào trường hợp đối tượng bị bố mẹ, ông bà xem xét lại là điều không có”.
Khác biệt lớn nhất trong hôn nhân ở thời kỳ trước đổi mới và hôn nhân hiện tại bên cạnh gia đình có sự tham gia của nhà nước, quá trình này dẫn đến hôn nhân của phần lớn cư dân đô thị. Mặc dù khó có thể tìm thấy ranh giới của ảnh hưởng hai lực lượng này, song gia đình vẫn là trung gian quan trọng giữa cá nhân và xã hội khi được xác định bởi khả năng và giới hạn trong việc lựa chọn. Trong thời kỳ trước, nếu cha mẹ phản đối sự lựa chọn, thường thì người con trai chia tay với người yêu và đi tìm người khác “nếu bố mẹ không đồng ý thì cũng có lẽ từ biệt thôi, hoặc phải đấu tranh quyết liệt để bảo vệ tình yêu mình". Cũng giống như cách suy nghĩ của thế hệ trước, các bạn sinh viên cũng nói lên cảm nghĩ của mình: “Trước hết, mình là người quyết định chuyện lập gia đình của mình, bố mẹ sẽ không phản đối trong việc chọn người yêu và lấy chồng. Nếu như khi mình dẫn người yêu về mà bố mẹ có ý kiến về người đó (như công việc chưa ổn định hay thu nhập còn thấp …), lúc đó mình sẽ xem xét việc bố mẹ phản đối ở mức độ như thế nào, nếu bố mẹ phản đối gay gắt thì mình sẽ xem lại tình yêu của hai người như thế nào, có thể vượt qua thử thách , hoặc có thể hỏi ý kiến của người khác”. Đó là ý kiến của Bạn nữ mang số 3, còn ý kiến của Bạn nữ mang số 4 cũng có nhiều điểm tương đồng: “Phần lớn, mình sẽ quyết định hôn nhân của mình, nhưng mình sẽ tham khảo ý kiến của cha mẹ, bạn bè, họ hàng… Nếu hỏi mọi người mà đều nói không được thì sẽ suy nghĩ lại, nếu thấy không được thì sẽ chia tay. Nói chung mình cũng hơi bị lệ thuộc vào gia đình, nếu gia đình không đồng ý thì thôi”.
Một điều chung là cả thế hệ trước cũng như thế hệ sau này là sự sống phụ thuộc vào cha mẹ về mặt kinh tế là rất lớn. Người con mà nhất là người phụ nữ trong chuyện quyết định hôn nhân của cuộc đời mình dựa vào sự đồng ý của cha mẹ. Những người con đa phần dựa vào khả năng tài chính của gia đình. Khi cha mẹ đồng ý cuộc hôn nhân thì việc tổ chức kết hôn cho con là điều hiển nhiên. Sự giúp đỡ về mặt tài chính để tổ chức một buổi lễ kết hôn là vô cùng quan trọng. Có trăm ngàn thứ phải lo cho việc kết hôn chứ có phải chuyện đùa đâu. Vã lại đời người lần đầu tiên lên xe hoa cũng phải làm sao coi cho được chứ. Nhất là các cô gái, lần đầu làm cô dâu ai lại không muốn đám cưới của mình được đàng hoàng, tươm tất. Nếu cha mẹ không đồng ý cuộc hôn nhân thì cũng hiếm có người nào cãi lời lại cha mẹ. Không lẽ cuốn gói theo người mình yêu để chấp nhận một cuộc sống khổ sở hay sao. Vã lại nếu tự mình quyết định như vậy thì của hồi môn mà cha mẹ và họ hàng cho mình trong ngày cưới coi như là mất rồi. Tuy thời đại có phát triển nhưng vấn đề này vẫn còn tồn tại trong tư tưởng của con người từ lâu. Và cũng không ai dám vượt qua “gia phong lễ giáo”. Chính vì thế mà các cô gái càng bị thụ động hơn trong vấn đề quyết định cho hôn nhân của mình. Đối với người nam thì có khác hơn, việc chọn bạn đời cũng là tự quyết nhưng ý kiến của cha mẹ cũng không kém phần quan trọng. Khi có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, người nam dể dàng quyết định trong vấn đề hôn nhân của mình.
Khác biết với thế hệ trước đổi mới, quan niệm “nối dõi tông đường” đã đặt nặng lên vai của người phụ nữ. Người phụ nữ bấy giờ được xem như một công cụ sản xuất ra những người con trai để hương khói cho gia đình tổ tiên và dòng họ bên chồng. Quan niệm về con trai nối dõi đã ăn sâu vào tư tưởng của các quốc gia ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà nhất là chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng Tử. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lâu đời nhất. Tư tưởng này đã kéo dài hơn mười thập kỷ cho đến trước thời kỳ đổi mới. Những phụ nữ của thời kỳ này cũng chịu chung số phận. Vai trò của người vợ, nàng dâu phải làm sao sinh được con trai cho gia đình chồng là cực kỳ quan trọng. Vã lại phải sinh được con trai mới cung cấp sức lao động cho gia đình chứ. Xã hội nông nghiệp cần sức lao động để tạo ra nhiều của cải vật chất nên vị trí của người con trai trong gia đình được xem trọng. Còn nữ giới dù sao vẫn là “con người ta”, nuôi cho lớn rồi cũng theo chồng nên không có gì là quan trọng. Cũng chính vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà nhiều người phụ nữ phải ngậm ngùi đi cưới vợ lẽ cho chồng khi phải chịu áp lực của gia đình chồng là không sinh được con trai. Còn trong xã hội hiện đại có khác, việc sinh con trai hay con gái không coi là việc quan trọng nữa. Người phụ nữ ngày nay có học vấn hơn, am hiểu về nhiều lĩnh vực nên họ ý thức được việc sinh sản. Vấn đề kế hoạch hóa gia đình được báo đài nhắc nhở hàng ngày. Kỹ thuật y khoa phát triển đã tìm ra những nguyên nhân sinh con trai con gái cũng một phần nào làm giảm áp lực của người phụ nữ. Diện tích của trái đất thì vẫn uy nguyên nhưng số người sinh ra ngày một tăng cao, nguy cơ đói nghèo, thất nghiệp, thất học, y tế, giáo dục không đủ đáp ứng nhu cầu cho con người cũng làm cho việc ý thức sinh sản ít con ở các gia đình. Vã lại người phụ nữ trong đời sống hiện đại không chỉ có bổn phận với gia đình mà còn xã hội nữa chứ. Xã hội tạo tạo khá nhiều cơ hội để chị em phụ nữ thể hiện những tài năng của mình. Cho nên ngày càng nhiều phụ nữ đã gặt hái nhiều thành công trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đó là những điểm khác biệt của phụ nữ trong đời sống hiện đại khi lập gia đình mà thế hệ trước đổi mới không thể có được.
3. ĐỊA ĐIỂM GẶP GỠ, HẸN HÒ VÀ THỜI GIAN TIẾN ĐẾN HÔN NHÂN
Nhìn lại đất nước ta những năm tháng còn khó khăn thì việc hẹn hò của các thanh niên lúc bấy giờ cũng chỉ hạn chế trong phạm vi gia đình và nơi làm việc. Có lẽ điều này được giải thích bởi vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình trong hôn nhân của một số người: “Bố mẹ tôi rất phong kiến, không cho giao thiệp rộng, ví dụ như đi sinh nhật hoặc hội hè. Vì thế mình cũng không có điều kiện làm quen bạn bè” (Nữ thành viên nhóm 11 trong tài kiệu nghiên cứu của Khuất Thu Hồng). Đối với các gia đình của các cô gái có cha mẹ sống phong kiến thì việc ra khỏi nhà để giao thiệp làm quen với người khác phái là rất hiếm hoi. Làm thân con gái lúc nào cũng thụ động ngồi đó để đợi người con trai đến ngõ lời, có khi nào được thể hiện cảm xúc của mình. Chuyện hẹn hò ở những nơi công cộng lại càng không thể, nhiều người chú ý lại về mách cha mẹ coi như ốm đòn. Chính vì thế mà không ít người phải phòng không dù tuổi cũng đã lớn mà không thoát ra khỏi “lễ giáo gia phong”. Còn đối với một số người khác gia đình được thay thế bằng cơ quan: “Chúng tôi làm cùng cơ quan thì biết nhau và tìm hiểu. Tôi cũng chỉ chú ý đến người người làm cơ quan nhà nước thôi, bên ngoài thì không để ý” (Nữ thành viên nhóm 10). Khi xã hội còn ít những khu vui chơi những trò giải trí thì cơ quan lại là nơi để mọi người làm quen và tìm hiểu, một điều là thuận tiện trong công việc làm, hai là quen biết người cùng cơ quan dể dàng tìm hiểu và tốn ít thời gian hơn. Còn đối vời các bạn nữ thời nay thì có nhiều địa điểm để gặp gỡ và hẹn hò hơn. Nơi làm quen đầu tiên đối với các bạn làm rất quan trọng vì nó để lại ấn tượng cho cả hai người. Có người làm quen với bạn trai ở trong lớp hay qua những lời giới thiệu của bạn bè. Sau vài lần quen biết họ chọn những nơi hò hẹn như quán cà phê, công viên, hay bờ sông để nhìn tàu bè qua lại hoặc đi karaoke. Có người không thích những nơi đó: “Với mình đi chỗ nào cũng được, chỗ nào có quán ăn thì tốt, nhưng mình không thích quán cà phê và những chỗ lãng mạn” (Bạn mang số 1). Ta thấy so với thế hệ trước đổi mới thế hệ sau này có nhiều nơi để hẹn hò tìm hiểu người bạn đời của mình hơn. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu càng lớn, bên cạnh đó mạng Internet cũng đóng vai trò không nhỏ trong vấn đề làm quen và tìm hiểu người khác phái thay vì phải gặp nhau hằng ngày tốn thời gian. Nhưng các cuộc tình quen trên Internet có nhiều vấn đề, đa phần chỉ giải quyết được vấn đề "đỡ buồn" trong lúc cô đơn mà thôi còn chuyện tiến đến hôn nhân lại là một vấn đề khác nữa.
Khi được hỏi về thời gian tìm hiểu để tiến đến hôn nhân của các bạn sinh viên thì có người cho rằng: “Theo mình thì thời gian chín muồi sẽ tiến đến hôn nhân chứ không quan trọng thời gian hẹ hò là bao lâu” (Bạn mang số 6). Có người còn cho rằng từ 1 đến 2 năm là đủ, có người cho là từ 1 đến 3 hoặc 4 năm. Còn ý kiến của bạn mang số 2 cho rằng: “Tùy theo mỗi người, thời gian lâu quá có thể khiến cảm xúc bị chai và không muốn tiến đến hôn nhân nữa”. Nhưng điều quan trọng là “hai người phải có công việc ổn định”, đó là ý kiến của bạn mang số 3. Còn quan điểm của các phụ nữ thời kỳ trước đổi mới trong tài liệu nghiên cứu của Khuất Thu Hông cho biết: “Để bước vào cuộc sống gia đình, mỗi người phải đạt được những bước nhất định trong cuộc sống. Cả phụ nữ và nam giới phải đạt được trình độ tốt nghiệp phổ thông hoặc đại học và phải có công việc trong nhà nước. Có nghề nghiệp ổn định trong nhà nước là tiêu chuẩn quan trọng đối với người bước vào hôn nhân. Đồng thời nó còn quyết định thời điểm hôn nhân trong lịch trình của cuộc đời .Chuẩn mực này làm tăng độ tuổi kết hôn vì thời điểm thích hợp cho hôn nhân không chỉ phụ thuộc vào tuổi tác mà cả sự độc lập về kinh tế của cá nhân”.
Nói về vấn đề này các bạn nữ sinh cho biết: “Người chồng phải là trụ cột trong gia đình, ngoài ra người chồng cũng phải đảm đang trong vấn đề chăm sóc con cái, mà còn phải phụ vợ trong việc nội trợ nữa”. (Bạn mang số 3) Còn bạn mang số 7 thì nói về vai trò của người vợ: “người vợ phải biết nấu cơm, chăm sóc gia đình”. Sau đó bạn mang số 4 đưa ra ý kiến: “nếu không biết nấu cơm thì không thể làm vợ được hay sao?”. Một điều hiển nhiên là bổn phận của một người vợ là phải biết chăm lo cho cuộc sống gia đình, mà điều quan trọng nhất đó là những bữa cơm gia đình sau những giờ phút làm việc và học tập mệt mỏi của những thành viên trong gia đình. “Theo mình thì đó không phải là điều quan trọng nhưng đó là yếu tố cần và đủ để đảm bảo cho hạnh phúc gia đình. Nếu cứ ra tiệm ăn thì không thể được”. “Mình đã có tham khảo ý kiến của nhiều bạn trai, họ cho biết khi đi làm về thì họ cần một chỗ dựa êm ái, nói chung là người vợ phải biết cách tổ chức gia đình” (Bạn mang số 8). Một điều mà ta có thể thấy là đối với phụ nữ mà nhất là các bạn gái trong độ tuổi còn là sinh viên thì việc nấu ăn lại là vấn đề khó khăn đối với họ. Ngày càng nhiều những phụ nữ đặt nhẹ vấn đề nội trợ trong gia đình mà nhất là vấn đề nấu nướng. Nhưng họ đâu biết rằng đó là một yếu tố quan trọng cho hạnh phúc gia đình. Chúng ta còn có nghe một câu nói ví von “đàn ông yêu qua bao tử”, có thể câu nói này đúng. Một gia đình hạnh phúc hay không ta hãy nhìn vào bữa ăn của gia đình. Sau một ngày làm việc và học hành căng thẳng một người cùng ngồi lại với nhau bên mâm cơm, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn đó cũng là một điều thú vị. Cuộc sống bề bộn đã cuốn hút mọi người vào quỹ đạo công việc thì việc có cơ hội ngồi lại chỉ là bên mâm cơm mà thôi. Người vợ phải biết cách học hỏi và nâng cao khả năng bếp núp và nội trợ của mình để đảm bảo cuộc sống gia đình. Trên truyền hình đã dành riêng cho chị em phụ nữ một chương trình mà những điều phụ nữ cần và các tạp chí cũng đề cập đến rất nhiều. Các bạn sinh viên cũng nên chú ý đến nó trước khi bước vào ngưỡng cửa của hôn nhân đầy phức tạp này.
Một vấn nữa được đề cập đến là cách sống, cách cư xử đối với gia đình họ hàng bên nhà vợ. Bạn nữ sinh viên mang số 8 đã đưa ra suy nghĩ của mình: “Người chồng tương lai của mình là người phải biết cách cư xử đối với gia đình và họ hàng nhà mình, biết cách chăm lo cho gia đình, trong công việc phải nhiệt tình”. Con người ta sống trên đời rất nhiều mối quan hệ, các quan hệ trong gia đình, dòng tộc, xã hội, bên cạnh đó mối quan hệ đối với gia đình bên người vợ hay người chồng cũng là nỗi quan tâm rất lớn đối với người vợ hay người chồng sau này. Ai cũng muốn người vợ hay chồng mình có cách cư xử tốt đối với gia đình, họ hàng của mình. Nếu người chồng biết cách sống với gia đình nhà vợ thì mọi điều rất tốt đẹp và ngược lại người vợ cũng phải biết cách cư xử tốt với gia đình bên chồng. Lịch sử từ ngày xưa cho thấy cảnh mẹ chồng nàng dâu đã xảy ra nhiều chuyện thương tâm. Những nỗi đau đớn khi các nàng dâu phải gánh chịu cuộc sống bên nhà chồng quá khắc nghiệt khi không được lòng của gia đình bên chồng. Các bà mẹ chồng ngày nay đã phần nào bớt cay cú hơn so với thời phong kiến. Một phần là do dư luận xã hội đã đề cập đến quá nhiều, điều thứ hai nữa là thời đại bây giờ cũng ảnh hưởng lối sống của Phương Tây nên không có chuyện các nàng dâu phải “bấm bụng” để chịu đựng. Nếu cuộc sống gia đình không hạnh phúc họ cũng không dại gì phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng đối với những người có trình độ học vấn và ý thức cao thì việc ly hôn ít có ai dám nghĩ tới mà đặc biệt đối với người phụ nữ Việt Nam thì chuyện đó chẳng hay ho gì. Như vậy thì họ càng ý thức rằng họ nên có cách cư xử tốt với gia đình của chồng thì việc đưa ra sự mong mỏi này đối với người chồng và người vợ tương lai có cách sống tốt với gia đình vợ là hoàn toàn hợp lý. Người chồng phải có sự quan tâm đối với gia đình bên vợ, nhất là trong những ngày lễ tết, giỗ kỵ của gia đình, quan tâm đến cuộc sống và sức khỏe của cha mẹ vợ. Đặc biệt là phải quan tâm và tặng hoa tặng quà cho vợ trong những ngày lễ như ngày 8 tháng 3, ngày sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới... Đây cũng là một điều kiện cần cho hạnh phúc gia đình mà chính từ các bạn sinh viên thời hiện đại đã thổ lộ.
KẾT LUẬN
Qua bài nghiên cứu này ta thấy có sự khác biệt giữa hai thế hệ nhưng phần nào đó cũng có những điểm tương đồng. Phải nói rằng sự thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng đã ảnh hưởng đến quan niệm tình yêu, hôn nhân, gia đình của phụ nữ trước đổi mới và sinh viên thời hiện đại. Tuy nhiên tất cả cũng đều hướng đến sự hoàn thiện về một gia đình, bởi đó là một mong mỏi của tất cả các chị em phụ nữ dù trong bất kỳ một thời điểm nào.
Pháp Như
0 nhận xét:
Đăng nhận xét