Vu Lan một lần nữa lại về với người con Phật. Năm nào cũng vậy đến mùa Vu Lan là mọi người cảm thấy rạo rực trong lòng. Khác với những mùa Vu Lan trước, Vu Lan năm nay tại chùa Phước Linh, xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, Đại đức trụ trì Thích Trí Tâm đã tổ chức nhiều hoạt động mới, tạo được niềm vui trong lòng của Phật tử gần xa.
Có lẽ Vu Lan ở đây đến sớm hơn các nơi khác. Ngày mồng 6 tháng 7 là diễn ra lễ hội Vu Lan rồi. Trong khuôn viên chùa một làng ẩm thực chay với nhiều món ăn bình thường đã được Phật pháp hóa với những tên gọi thấm đượm ý đạo như món nước mía bình dị được đặt với một cái tên nghe vừa hay vừa ý nghĩa là Vu Lan nhớ mẹ. Ngẫm nghĩ một hồi lâu tôi mới thấy người Phật tử này đã rất sáng tạo, vị ngọt của nước mía được ví như nước mắt của một người con nhớ mẹ. Món bánh cuốn được gọi với cái tên rất kêu "Cảnh tiên hóa Phật" cũng hay, đó là nét mới và cũng rất ấn tượng. Mười bảy gian hàng trong làng ẩm thức, mỗi người Phật tử của chùa Phước Linh đăng ký tham gia họ tự tay nấu và chọn cho các món của mình một cái tên rồi bán phiếu. Mỗi phiếu như vậy chỉ có 1 nghìn đồng, mỗi món thấp nhất là 2 phiếu, cao nhất là 3 phiếu. Phải nói rằng bà con tụ tập rất đông, nhiều người đã tranh thủ mua những lá phiếu để vào thưởng thức những món chay.Không những ngồi dùng tại chùa nhiều người còn mua về nhà để cho những người không trực tiếp đi đến chùa được có dịp thưởng thức.
Được hỏi nhiều người ai cũng nói là Vu Lan năm nay vui hơn và khác lạ hơn những năm trước vì có làng ẩm thực và còn có trò chơi dân gian cho các em trong gia đình Phật tử. Trò chơi thật là hấp dẫn có cái tên "Bịt mắt đập heo đất" đã cuốn hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Sau trò chơi này là đến trò chơi liên hoàn. Các bạn tham gia vừa phải nhảy bao bố, vừa phải xỏ chỉ vào kim, xong rồi mới lựa đậu trắng và đậu đen như cô Tấm ngày xưa đã bị mụ dì ghẻ đổ trộn lẫn hai thứ đậu này vào nhau bắt cô phải lựa xong rồi mới cho đi dự hội. Trò chơi này làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của chị Tấm hiền lành đã được ông Bụt giúp đỡ. Khi lựa đậu xong các em phải mút nước bằng tay đổ vào chai là xong cuộc thi. Giải thưởng cũng chỉ là những phần quà bánh kẹo ít ỏi, nhưng tôi thấy hiển rõ trên khuôn mặt các bạn trẻ một niềm vui vô hạn. Vu Lan ngày nay không còn ngày xưa nữa, Phật tử được đến chùa thưởng thức món chay, chơi trò chơi dân gian và đêm xuống được xem một chương trình văn nghệ hoành tráng do sự kết hợp của Câu lạc bộ văn nghệ Pháp Như, Vũ đoàn Hương Lam đến từ Bình Thuận cùng với đoàn Phật pháp Liên Hoa đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Với 22 tiết mục gồm ca múa, cổ nhạc, hoạt cảnh rất đặc sắc. Sau lời khai mạc của Đại đức trụ trì Thích Trí Tâm là sự xuất hiện của MC Pháp Như cùng với cô Lệ Hương, cả hai đều là con của que hương Phan Thiết với chất giọng nồng nàn, mặn mà của biển đã dẫn dắt chương trình đến với mọi người rất thân thiện. Những tiết mục được đánh giá cao như vũ điệu Quan Âm thiên Thủ Thiên Nhãn do Vũ đoàn Hương Lam thể hiện qua sự biên đạo múa của nghệ sĩ Mai Anh (Đoàn ca nhạc Biển Xanh tỉnh Bình Thuận) đã tạo nên một ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Các bài hát của các văn nghệ sĩ đã hát ca ngợi Phật pháp, ca ngợi công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đại đức Pháp Như trong vai trò MC cũng tham gia chương trình với ca khúc Mẹ tôi của nhạc sĩ Nhị Hà đã được khán giả vỗ tay hân hoan và yêu cầu hát ca khúc Đêm Pháp Hoa của nhạc sĩ Chúc Linh, lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ca khúc đó đã tạo một niềm tin cho những người con Phật. Mọi người và nhất là các em Gia đình Phật tử đã hát theo thầy Pháp Như khi thầy hát đến đoạn "Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh". Tiết mục đặc biệt nhất là hoạt cảnh Mục Liên tìm mẹ của đoàn Liên Hoa, ta thấy có sự xuất hiện của Bồ tát Quán Thế Âm, ngài Mục Kiền Liên, bà Thanh Đề, đã tái hiện lại tích truyện Đại Hiếu Mục Kiền Liên tìm phương cứu mẹ nơi địa ngục. Hoạt cảnh đã gây cho mọi người nhiều xúc động. Các bài hát Vu Lan nhớ mẹ, Bông hồng cài áo, Lòng mẹ đã mang đến cho mọi người một sự hoài niệm về công lao sanh thành dưỡng dục của mẹ. Trong đêm văn nghệ này Vũ đoàn Hương Lam đã gởi đến khán giả những điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với điệu múa Tây Nguyên qua vũ khúc 'Trống hội Tây Nguyên, điệu múa của người Khơme qua bài "Niềm vui lễ hội", nó cũng nói lên một điều rằng giữa Phật giáo và Dân tộc luôn luôn đồng hành trên cả lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Một tiết mục để lại nhiều cảm xúc nhất là hoạt cảnh Tây du ký của đoàn Liên Hoa, ta thấy sự xuất hiện của bốn thầy trò Đường Tăng, Bồ tát Quán Thế Âm và đặc biệt là sự xuất hiện của Nữ vương của Tây Lương Nữ Quốc đã tạo nên một nét mới khác với tất cả những hoạt cảnh từ trước đến nay. Đó là sự cám dổ của cung vàng điện ngọc, sắc đẹp, quyền uy đã không làm lay chuyển tấm lòng hướng đạo của người xuất gia như Đường Tăng. Kết thúc chương trình mọi người cùng nhau hát ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi bài hát đã dứt mà hình như mọi người vẫn còn một chút lưu luyến không muốn xa rời. Nhưng dù sao cả mọi người đều có một niềm vui trọn vẹn trong mùa Vu Lan này. Dù không muốn cũng phải kết thúc thôi để sáng mai mọi người phải dạy sớm để chuẩn bị làm lễ Vu lan dâng pháp y đến 100 chư Tôn Đức Tăng Ni và không quên buổi lễ cài hoa hồng để biết rằng ai có niềm hạnh phúc là còn mẹ hay bất hạnh là không còn mẹ nữa.
Sáng mồng 7 tháng 7, chư Tôn Đức Tăng Ni, các cấp chính quyền cùng Phật tử xa gần đã hội tụ về đây để làm lễ cúng dường dâng pháp y. Sau lễ cài hoa hồng của Gia đình Phật tử, thay mặt chư Tôn Đức Tăng Ni thượng tọa Thích Huệ Thông, phó thường trực Ban Tri Sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đã ban lời đạo từ nói lên ý nghĩa Vu Lan và sách tấn hàng Phật tử trên bước đường tu học.
Trong không khí trang nghiêm, pháp âm vi diệu của thượng tọa đã thấm đẩm vào trong lòng của tất cả thính chúng. Sau lời đạo từ, hàng Phật tử đã dâng pháp y cúng dường đến chư tôn đức Tăng Ni, với sự cúng dường này hầu cầu nguyện cho ông bà cha mẹ còn hiện tiền thân tâm an lạc, người đã mất siêu sanh về cảnh giới an lành, và nguyện cho quốc thái dân an, thế giới được hòa bình. Buổi lễ kết thúc trong tinh thần hoan hỷ của tất cả mọi người với một buổi cơm trưa thanh đạm nơi bổn tự. 2 giờ chiều cùng ngày, hơn 200 phần quà đã được Đại đức Thích Trí Tâm và quý Phật tử của chùa tự tay phát cho những người nghèo quanh vùng. Nghĩa cử đó cũng nói lên tinh thần "Vô ngã - vị tha" "Từ bi - trí tuệ" của Phật giáo. Trong mùa Vu Lan này không những người quá vãng được lợi lạc mà người nghèo cũng trọn niềm vui.
Quả thật, ai đó đã một lần đến với Phước Linh, một ngôi chùa xa xôi nhưng sẽ không bao giờ quên được sự gần gủi của cảnh vật và tấm lòng của những người con Phật nơi đây.
Tin: Pháp Như
Ảnh: Trung Tuệ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét