Tìm hiểu tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái
Suốt hơn 40 năm hành nghề, Bùi Xuân Phái luôn dành cho Hà Nội tất cả tình yêu của mình. Dường như ông sống chỉ để vẽ và vẽ với ông chính là sống và thở. Từ một tấm toan đến một mảnh giấy báo, từ một bìa sách đến một vỏ bao thuốc lá... ông đã tạo ra được hàng ngàn bức vẽ khác nhau về phố cổ Hà Nội. Những bức tranh phố của ông cho tới nay xem ra cũng đủ để dựng nên một thành phố thật, thân thiết với những Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Rươi... Nhưng là một thành phố của ký ức bâng khuâng với hình ảnh từng mảng tường vôi lở, từng mái ngói rêu phong đổ bóng thời gian và bao nhiêu ô cửa nhỏ đăm đắm đợi chờ. Cả đến những áng mây trắng ngần trĩu nặng niềm ưu tư thanh khiết và những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo mong manh... Tất cả đều để gợi nhớ chứ không để tả. Một bút pháp vừa thực vừa hư, gây ấn tượng một cách sâu sắc. Nó làm cho con người ta không ngờ những nơi bình dị mắt ta quen nhìn hàng ngày lại có thể đẹp một cách giản dị mà mãnh liệt đến thế.
Hơn 40 năm lao động nghệ thuật, Bùi Xuân Phái đã để lại hàng nghìn tác phẩm. Một con người lao động nghệ thuật thật sự, sống hết mình vì nghệ thuật. Trong tác phẩm của ông chứa đựng những nỗi niềm mà nơi đó người xem như để hoài niệm để hồi tưởng trong ký ức về một Hà Nội với 36 phố phường. Chính vì vậy mà người viết đã chọn đề tài: “Tìm hiểu tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái”.
Thế nên, khi chọn tác phẩm của ông, người viết muốn phân tích trên cảm nhận riêng của người viết để từ đó bổ sung cho cảm nhận của mỗi người. Trong vườn hoa nghệ thuật mà nhất là nghệ thuật hội họa thì mỗi người xem có cách cảm nhận khác nhau thông qua các giác quan chủ quan của mình. Nhưng điều có chung của tất cả mọi người xem để cảm nhận để bình luận từ đó đưa ra nhận xét để làm cho vườn hoa nghệ thuật càng phong phú hơn.
NỘI DUNG
1. CUỘC ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT CỦA HỌA SĨ BÙI XUÂN PHÁI
1.1. Tiểu sử họa sĩ Bùi Xuân Phái
Bùi Xuân Phái, sinh ngày 01 tháng 9 năm 1920, mất ngày 24 tháng 6 năm 1988. Ông là một họa sĩ của Việt Nam, đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội hay còn gọi là Phố Phái.
Quê gốc của ông là ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội, Việt Nam). Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 1941–1946. Tham gia kháng chiến, tham dự triển lãm nhiều nơi . Năm 1952 về Hà nội, sống tại nhà số 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi mất. Năm 1956-1957 giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm, phải đi học tập lao động trong một xưởng mộc tại Nam Định và ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị ông phải viết đơn xin thôi không giảng dậy tại trường Mỹ thuật.
Bùi Xuân Phái là một trong những hoạ sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.
Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60, 70. Các mảng mầu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, phố không những trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của Phái, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỉ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.
Ngoài phố cổ, ông còn vẽ các mảng đề tài khác, như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... rất thành công. Nhiều tranh của Bùi Xuân Phái đã được giải thưởng trong các cuộc triển lãm toàn quốc và thủ đô. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo khi không có đủ nguyên liệu. Ông dùng nhiều phương tiện hội họa khác nhau như sơn dầu, màu nước, phấn mầu, chì than, bút chì... Các tác phẩm của ông biểu hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính cách nhân bản và lòng yêu chuộng tự do, óc hài hước, đậm nét bi ai và khốn khổ. Ông đã góp phần rất lớn vào lĩnh vực minh họa báo chí và trình bày bìa sách, được trao tặng giải thưởng quốc tế (Lép-dích) về trình bày cuốn sách “Hề chèo” (1982).
Do tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, từ năm 1957 trở đi, hoạt động của ông dần bị hạn chế. Để kiếm sống, ông phải vẽ tranh minh họa và tranh vui cho các báo, lấy bút hiệu là : PiHa, ViVu, Ly. Mãi đến năm 1984 ông mới có được cuộc triển lãm cá nhân (đầu tiên và cũng là duy nhất), nhận được sự đánh giá cao từ phía công chúng, đồng nghiệp. Với 24 bức tranh được khách hàng đặt mua ngay trong ngày khai mạc, có thể coi đây là triển lãm thành công nhất so với trước đó tại Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên, Đài truyền hình Trung ương dành thời lượng lớn phát sóng để giới thiệu về cuộc đời và tác phẩm của Bùi Xuân Phái trong chương trình Văn học Nghệ thuật.
Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng với tình yêu nghệ thuật, khát khao tìm tòi và thể hiện cái đẹp dung dị đời thường bằng những nét vẽ cọ, Bùi Xuân Phái đã không ngừng vẽ, sáng tạo nghệ thuật ngay cả khi không mua được vật liệu và ông đã phải tận dụng mọi chất liệu như vỏ bao thuốc lá, giấy báo… Ông cũng là hoạ sĩ đã gạt bỏ mọi toan tính đời thường để cho ra đời các tác phẩm dung dị, đơn giản nhưng đầy tâm tư sâu lắng. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
1.2. Tác phẩm chính
• Phố cổ Hà Nội - Sơn dầu 1972
• Hà Nội kháng chiến - Sơn dầu 1966
• Xe bò trong phố cổ - Sơn dầu 1972
• Phố vắng - Sơn dầu 1981
• Hóa trang sân khấu chèo - Sơn dầu 1968
• Sân khấu chèo - Sơn dầu 1968
• Vợ chồng chèo - Sơn dầu 1967
• Trước giờ biểu diễn - 1984
1.3. Giải thưởng mỹ thuật
• Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 1996
• Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1946
• Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980
• Giải thưởng đồ họa Leipzig (Đức)
• Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô các năm 1969, 1981, 1983, 1984 Tặng thưởng : Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 1997
2. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA BỨC DANH HỌA
Phố cổ Hà Nội là mãng đề tài được họa sĩ Bùi Xuân Phái yêu thích nhất. Đối với ông, hình ảnh những con đường ở Hà Nội im đậm trong ông đầy ký ức từ lúc tuổi thơ cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Ông yêu thiết tha từng ngôi nhà mái ngói thâm nâu, từng con đường, phố nhỏ, ngỏ nhỏ nơi có nhà ông ở đó. Với tình yêu Hà Nội ông dành nhiều tác phẩm của mình cho phố cổ Hà Nội, đến nổi người ta không nhớ nỗi là ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh về phố Hà Nội. Hà Nội chỉ có 36 phố nhưng đến khi sự xuất hiện tranh về phố cổ Hà Nội của ông mọi người đã gọi là Phố Phái, đây giống như là một con phố thứ 37 mà chính tình cảm của những người yêu tranh của ông đã đặt cho tranh của ông.
Nhiều bức tranh ông vẽ về Phố cổ Hà Nội bằng nhiều chất liệu khác nhau, và bức tranh này được ông vẽ vào năm 1972 với chất liệu sơn dầu. Tuy nhiên nhìn vào bức tranh ta thấy vào thời điểm này những khu phố cổ ở Hà Nội vẫn còn một nét cổ kính, rêu phong của những mái ngói thâm nâu, bên cạnh những ngôi nhà cao mới và những căn nhà nhỏ với mái ngói xanh. Như vậy đây có thể là thời điểm đổi mới giữa cái cổ kính và cái hiện đại trong phố cổ Hà Nội. Bên cạnh những ngôi nhà nơi phố cổ ta vẫn bắt gặp những ngôi nhà với mái ngói nhiều màu chứ không phải chỉ là mái ngói thâm nâu mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong bài hát Nhớ về Hà Nội đã nói. Khác với những bức tranh phố cổ Hà Nội khác của Bùi Xuân Phái. Ta thấy toàn những gam màu tối, rêu phong nhưng bức tranh này lại có gam màu sáng hơn. Như vậy đây là thời khắc giao mùa giữa cổ kính và hiện đại. Không biết là tác giả có thể hiện tác phẩm này trong thời điểm đất nước đổi mới không? Đây vẫn còn là một câu hỏi mà người viết chưa tìm ra được. Với giới hạn của bài viết người viết chỉ đi vào phân tích tác phẩm để hiểu thêm những gì ẩn chưa trong tác phẩm mà tác giả muốn nói.
3. TÌM HIỂU TRANH PHỐ CỔ HÀ NỘI CỦA BÙI XUÂN PHÁI
3.1. Đánh giá về bố cục tổng thể, phân khối, phân mảng màu
Đối với mỗi họa sĩ đều có những phong cách sáng tác khác nhau nhưng cái chung nhất chính là cảm xúc sáng tác trong mỗi con người. Chỉ có khác biệt là mỗi người tự cảm nhận nét đẹp của thiên nhiên khác nhau rồi qua đó thể hiện nơi tác phẩm của mình. Ngôn ngữ của tranh không thể ai xem cũng nhận ra được những ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn truyền tải. Chính vì thế mà tác phẩm của họ sĩ càng có ấn tượng vì mọi người thưởng thức tranh đều có những cảm nhận riêng. Dù bức tranh không có lời, cũng không giải thích nhưng với óc thẩm mỹ của họa sĩ cho ta thấy một Hà Nội xưa vẫn hiện lên rất đậm nét dù chỉ miêu tả bằng những ngôi nhà và những con người trong một buổi sáng.
Bức tranh là một tâm cảnh dạt dào tâm cảm, một thời khắc im lặng dặt dìu âm hưởng cho những ai đã từng sinh ra và lớn lên tại hà Nội. Đó là trái tim Việt Nam mà hang triệu người Việt dược mong một lần về thăm. Với Bùi Xuân Phái ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hình ảnh những con đường gốc phố đã im đậm trong trái tim ông. Ông nhìn Hà Nội đổi thay từng ngày, từng phút và hoài niệm về một Hà Nội cổ ngày xưa. Chính vì muốn lưu giữ lại một chút gì đó cho hậu thế vầ Hà Nội mà ông đã thể hiện tác phẩm một cách sống động.
Bức tranh được chia thành ba màu chính là xanh da trời, đỏ hồng và vàng, hai sắc trắng và đen, bên cạnh đó còn sử dụng khá nhiều màu sắc khác như nâu, xanh lá v.v…tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc với bốn mãng màu làm chủ đạo là xanh, nâu, vàng và trắng, làm cho bức trnah không bị đơn điệu mà rất sinh động. Bên trên là bầu trời là những mãnh màu xanh thiên thanh và từng đám may trăng bay lặng lẽ. Ta còn bắt gặp ở trên bầu trời nhiều mãng màu vàng nhạt tựa như ánh sáng của mặt trời xuyên qua những đám mây. Dựa vào yếu tố màu sắc của bầu trời trong tranh ta có thể đoán rằng họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bức tranh này thể hiện một buổi sáng khoảng từ 9 giờ đến gần 11 giờ. Với gam màu sáng trên bầu trời tác giả thể hiện một buổi sáng êm ả vào thời khắc mọi người nhộn nhịp ra phố để làm lao động và làm việc. Điều này hoàn toàn có căn cứ vì phía góc dưới bên trái của bức tranh có nhiều người đội nón lá tay xách giỏ như đang vừa đi chợ về. Nó thể hiện cuộc sống của người Hà Nội trong lòng những con phố cổ.
Trọng tâm của bức tranh không rõ ràng vì có nhiều hình khối tuy nhiên ta thấy trọng tâm đổ về bên dưới và phía trái của bức tranh. Vì nơi đó có bóng dáng của con người và mọi hoạt động của những con người nơi đây là động cho nên sự chú ý tập trung tại đó. Bức tranh không diễn tả một buổi chợ hay một buổi tan chợ tịa phố cổ Hà Nội xưa mà chỉ phát học có những người phụ nữ đi chợ về. Điều này cũng cho ta biết đây là thời điểm thanh bình nên việc họp chợ diễn ra rất nhộn nhịp. Thể hiện điều đó là rất nhiều phụ nữ được tác giả vẽ với những động tác vội vàng bước đi lao người về phía trước. Dù là ở Hà Nội nhưng nhìn hình ảnh của những phụ nữ này ta cảm thấy vẫn còn đậm nét hình ảnh người phụ nữ nông thôn. Đây cũng chính là thời khắc giao thời giữa truyền thống và hiện địa của Hà Nội. Tác giả đã đưa những hình ảnh rất thực, rất bình dị của cuộc sống Hà Nội vừa mang tính chất thành thị nhưng cũng xen lẫn nét nông thôn Việt Nam. Như vậy lúc này đã có sự dung hòa giữa nông thôn và thành thị. Vì có thể có nhiều người từ nông thôn ra Hà Nội để sinh sống, và nét văn hóa của nông thôn vẫn phản ánh trong cách ăn mặc, cách đi lại của những phụ nữ này trong ảnh. Ta cũng bắt gặp những người già lưng còng nhưng vẫn mạnh mẽ bước đi trên con đường trong lòng phố Hà Nội. Chính vì thế mà ta có thể thấy được một nhịp sống nhộn nhịp nơi phố cổ Hà Nội lúc bấy giờ.
Điều đáng chú ý ở tác phẩm này là những ngôi nhà nằm nghiêng nghiêng trong khu phố cổ. Với những ngôi nhà với mái ngói thâm nâu, tường phủ rêu phong nằm lặng lẽ gợi lên cho ta cảm giác đây là một khu phố cổ yên tỉnh. Nhưng không! Bên cạnh những ngôi nhà cổ đó vẫn có những ngôi nhà mới với mái ngói màu như xanh dương, tường sơn trắng và cửa sổ xanh. Hình ảnh những ngôi nhà cổ và những ngôi nhà mới nằm kề bên nhau cho thấy phố cổ đã có những cái hiện đại không còn đmạ chất cổ như ngày xưa. Phía xa xa ta vẫn bắt gặp những cao ốc mới mọc lên cho thấy Hà Nội đã khởi sắc. Một ngày mới bắt đầu với những vầng mây sáng trên bầu trời bên những căn nhà cổ kính xen lần những ngôi nhà hiện đại và dòng người tấp nập thì đây quả là một Hà Nội đang trên đường phát triển. Ta có thể thấy tâm trạng của tác giả có một chút gì đó hoài cổ, nuối tiếc những gì xa xưa khi thấy những ngôi nhà trong phố cổ không còn giữ được nét cổ kín nữa. Nhưng tác giả cũng vui mừng hân hoan khi có những cao ốc mọc lên và dòng người về đây đông đúc tạo nên một Hà Nội sôi động hơn để cùng phát triển với đất nước và vươn ra thế giới. Nhưng lúc này sự thay đổi chưa nhiều. Có thể thay đổi về vật chất như những ngôi nhà nhưng về văn hóa vẫn giữ được một Hà Nội xưa, bên cạnh đó một chút chân quê của những người ở đây vẫn còn đậm nét.
Nhìn trong tổng thể của bức tranh ta thấy không có một không gian trống, đường phố thì nhỏ, những ngôi nhà lại chen chút nhau tạo nên một không gian chật chội, ngột ngạt. Cho thấy tâm trạng của tác giả cũng ngôn ngang giữa sự đông đúc của đô thị Hà Nội khi con người từ các thời khác về đây. Sự tập trung đông dân cư sẽ mất đi vẻ đẹp vốn thơ mộng của Hà Nội. Tuy nhiên chắn ngang bức tranh là một trụ điện, điều này thể hiện sự đổi mới đem đến cho con người tiện nghi hơn nhưng làm mất mỹ quan của đường phố cổ Hà Nội.
Tác giả yêu Hà Nội, yêu những nét cổ của Hà Nội nên khi có sự đổi mới tác giả cũng có cảm giác buồn nhưng cũng cảm thấy vui khi sự đổi mới của xã hội nơi đây. Điều này thể hiện trong ảnh qua những mảng màu nâu đen và trắng trên những mái ngói, tường nhà vừa có cảm giác nặng nhưng lại có cảm giác nhẹ nhàng. Bên cạnh đó màu xanh hơi trắng của cột trụ điện cũng nói lên rằng đây là nét mới của Hà Nội. Màu xanh trắng rất nhẹ nhàng nó thể hiện một cái gì đó rất mới. Theo người viết cảm nhận rằng có thể lúc này tại Hà Nội mới bắt đầu có điện nên tác giả đã vẽ trụ điện ấy chắn ngang nhưng lệch về bên trái. Đó chính là trọng tâm của bức tranh làm cho người thưởng thức bị cuốn hút vào đó. Ngoài ra dưới cột điện đó là nhiều người đang có những hoạt động làm cho bức trnah càng thêm sống động.
3.2. Đánh giá về đường nét, mối tương quan các đường nét trong bố cục chung
Trong tác phẩm với đường nét thẳng là chủ đạo. Có rất nhiều đường thẳng kết nối lại với nhau tạo nên nhiều hình khối đa dạng, xen lẫn những đường cong từ những mái nhà, những con đường đã tạo nên một không gian chật chội. Với nhiều đường nét trong bố cục đã tạo nên một bức tranh sống động chứ không phải tĩnh lặng. Điều này cũng nói lên rằng, sự đổi mới cũng tạo nên một xã hội nên phố cổ càng sôi động hơn nhưng cũng bề bộn hơn và diện tích sinh hoạt của con người cũng bị thu hẹp. Khác với nông thôn Việt Nam, mỗi nhà đều có sân hay vườn tạo nên một không gian trống. Điều đó giúp cho con người thoải mái hơn, không khí thoáng đảng hơn, nhịp độ sống êm ả hơn. Trong tranh ta thấy sự bê tông hóa ở phố cổ Hà Nội đã dần chiếm gần hết cả không gian. Đến nỗi không có một cây xanh nào trong tác phẩm mà chỉ thấy những căn nhà san sác nhau. Những đường phố cũng hẹp lại tạo nên một sự chen chút giữa nhà và đường. Chính trong những đường nét mà tác giả đã phát học ta thấy được một Hà Nội chật chội, ồn ào mất dần đi không gian lãng mạn vốn có của Hà Nội trước kia.
Tuy nhiên, xem tranh người thưởng ngoạn như đang hòa nhập vào một Hà Nội mới với cuộc sống nhộn nhịp hơn, sôi động hơn. Bên cạnh đó sự phát triển của Hà Nội ngày càng có chiều hướng đi lên. Như vậy xen lẫn giữa cổ kính thì những nét hiện hiện đại vẫn đnag hình thành trong tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái. Có thể tác giả miêu tả hiện thực với tâm trạng hoài cổ của phố cổ khi các yếu tố hiện đại xâm nhập nhưng bên cạnh đó là tâm trạng hân hoan khi chọn phong nền cho ngôi cao ốc màu vàng nhạt. Nó thể hiện tâm lý vui vẻ, dể chịu vì sự phát triển của phố cổ đã có những bước tiến mới.
3.3. Đánh giá về hình khối, mối tương quan vị trí các khối trong cấu trúc ẩn của hình
Khi nhìn vào bức tranh, thị giác của chúng ta tự định hình qua hai trục thẳng góc nhau. Trục ngang (trục hoành) và trục đứng ( trục tung). Giao điểm của hai trục này có lực hút thị giác mạnh nhất và có xu hướng hút các hình thể trong cùng không gian về với nó. Như vậy, theo cảm nhận thị giác của người viết thì trọng tâm là mảng hình khối của những ngôi nhà, mà điều cần chú ý ở đây là cái mái nhà và từờng nhà nằm trong cấu trúc ẩn của bức tranh, nó có xu hướng không hút về tâm. Còn lại các khối hình khác nằm ngoài cấu trúc ẩn thì hướng ra ngoài. Bố cục không tập trung vào chính giữa bức tranh mà có khuynh hướng hướng ra ngoài theo hai bên. Tuy nhiên trọng tâm của bức tranh lại tập trung ở bên trái và lệch xuống dưới.
Nhưng chúng ta có thể thấy rằng, khối hình nặng hơn không hút về tâm, thể hiện cho cái Động. Đồng thời, có những khối hình này lại nằm ngay trên trục chính của bức tranh thể hiện cái Tĩnh, nhưng với khối hình của cột điện lại là hình trụ mà lại hướng lên trên nên càng thể hiện cái Động. Bên cạnh đó nhiều khối hình nằm bên ngoài lệch về hai phía những rõ rệt nhất là bên trái. Về điểm tập thị giác nhiều nhất là những người phụ nữ trong bức tranh. Chính những hoạt động của họ đã tạo nên một bức tranh Động. Điều này thể hiện cuộc sống sôi động nơi phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái. Những người dân chân chất, luôn sống với nội tâm buồn bã với một đời quanh quẩn bên cái nghèo nhưng cũng đang dần tiếp thu những điều hiện đại.
3.4. Đánh giá về màu sắc, các tương quan màu sắc trong cấu trúc toàn cảnh
Nhìn tổng thể bức họa ta thấy rõ họa sĩ Bùi Xuân Phái không có gam màu chủ đạo chính mà rất nhiều gam màu như xanh, vàng, nâu, đỏ, sắc đen và trắng. Tùy theo tâm trạng, bối cảnh của cuộc đời ảnh hưởng đến tác giả muốn gởi gắm qua các tác phẩm của mình. Mỗi một bức họa là một thông điệp riêng, là mang những tâm trạng khác nhau. Trong tác phẩm phố cổ Hà Nội này của Bùi Xuân Phái có vẻ sáng hơn những tác phẩm về phố cổ của ông đã vẻ. Sự sáng sủa thể hiện nhiều ở màu xanh và sắc trắng, hai gam màu này vừa thể hiện sự nhẹ nhàng, thoải mái vừa tạo nên vẻ mới mẻ. Với gam màu nâu và sắc đen tạo một sự cổ kính, rêu phong trái ngược với màu vàng và sắc trắng. Bên cạnh đó màu vàng đã tạo nên một cảm giác trung tính tạo cho bức tranh có nhiều màu sắc nhiều cảm giác khác nhau. Như vậy tạo nên một bức tranh đa dạng về màu sắc, phức tạp về hình khối và đa chiều về sự cảm nhận của nhìn.
3.5. Đánh giá về tính đa nghĩa của cấu trúc tổng hợp các yếu tố cấu thành
Bùi Xuân Phái là một bậc thầy về tranh phố cổ Hà Nội. Ông đã từng nhận nhiều giải thưởng khác, song sự ghi nhận lớn lao nhất mà ông giành được không chỉ ở các giải thưởng, mà ở một cái tên mà xem ra cả nước Việt Nam đều biết: Tranh “Phố Phái”. Bởi nó luôn tồn lại trong hoài niệm của rất nhiều người (dù có là người Hà Nội chính gốc hay không), dù thành phố đổi thay bao nhiêu, song những nơi gợi lại bóng hình trong tranh “Phố Phái” vẫn là nơi chứa chan rất nhiều những luồng cảm xúc. Về bố cục sắp xếp trong tranh của ông như là có sự cố tình, nhấn mạnh hình thể chính của bức họa. Hình thể chính đó lại được đẩy ra xa trục của tâm tiến về cái động, trong cái động thể hiện tính tĩnh của hình thể khi được đặt trên các trục ẩn. Hướng của bức họa đi từ trên xuống, tuy nhiên điểm tập trung lại thiên về phía dưới bên trái. Đó chính là sự đối nghịch của bức tranh không theo hướng quen nhìn của thị giá. Màu sắc trong tranh có gam màu sáng thể hiện sự nhẹ nhàng bên cạnh đó còn có cả gam màu tối tạo cảm giác nặng nhưng bên cạnh đó còn có gam màu vầng thể hiện sự trung tính. Bức tranh với nhiều gam màu tạo cho người xem có nhiều cảm giác, nhẹ nhàng có, nặng nề có nhưng ta vẫn thấy màu sáng vẫn chiếm ưu thế hơn.
4. BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU BỨC TRANH
Với một tác phẩm nghệ thuật dù là văn chương hay âm nhạc hoặc hội họa thì sự thưởng thức và cảm nhận của mỗi người là khác nhau. Sự khác nhau do khả năng cảm nhận của từng người thông qua các giác quan một cách chủ quan. Sở thích của mỗi người và gu thẫm mỹ cũng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó các yếu tố khách quan như môi trường xung quanh khung cảnh mà người thưởng thức đang sống sẽ có ảnh hưởng đến sự cảm nhận.
Đối với bài nghiên cứu này người viết với cảm nhận riêng tư của mình để nhận xét, điều đó không tránh được sự chủ quan khi phân tích và đánh giá chưa chuẩn xác với ý đồ của tác giả. Phần vì chưa tìm hiểu rõ sự ra đời của bức tranh nên không tránh khỏi sự sai lệch. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm mà người viết đã rút ra từ việc nghiên cứu bức tranh này. Hy vọng đây sẽ là bài học quý báu trong những lần nghiên cứu tiếp sau.
KẾT LUẬN
Cuộc sống thay đổi từng ngày, con người thay đổi từng giây thì Hà Nội cũng sẽ thay đổi theo năm tháng. Nhưng ta thiết nghĩ đối với tranh của Bùi Xuân Phái thì những dấu ấn về Hà Nội một thời trong ký ức của những người con Hà Nội nói riêng và những người con Việt Nam nói chung đều luôn luôn khắc ghi. Hai tiếng Hà Nội nghe sao mà chan chưa yêu thương đến thế, nghe sao xao động đến thế và càng hoài tưởng hơn khi nhìn những bức tranh về phố cổ của Bùi Xuân Phái đã vẽ. “Mộc mạc thôi mà nghe sao bồi hồi, mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi”. Người xem tranh chắc hẳn sẽ không quen một Bùi Xuân Phái với lối vẽ mộc mà mà lắng sâu tình cảm với những mảng màu hình khối sống động như muốn níu kéo lại những gì đã qua. Có thể nói Bùi Xuân Phái đã vẽ nên một Hà Nội nên thơ, đầy tính nghệ thuật hay một Hà Nội đã làm nên tên tuổi của họa sĩ Bùi Xuân Phái đến nỗi người ta đặt tên những bức tranh Hà Nội ông vẽ là “Phố Phái”. Điều này chứng tỏ rằng trong ông đã mang đạm tình yêu Hà Nội trên những tác phẩm tác phẩm của mình và ông đã mạng đó vào trong tâm thức để tranh của mình mang tên của mình.
Một Hà Nội trong tác phẩm của ông đã làm cho những con người Việt Nam yêu hội họa và yêu dân tộc luôn luôn hướng về với tất cả tình yêu và hy vọng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trang Ngọc, Tranh tết của Bùi Xuân Phái, Ông đồ và Lão say, báo Người Hà Nội
2. Trung Nghiêm, Hiểu thêm về họa sĩ Bùi Xuân Phái,
3. Bùi Xuân Phái, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
4. Mạnh Hà, Họa sĩ Bùi Xuân Phái những điều mới biết, www.buixuanphai.com
5. Trần Khánh Chương, Họa sĩ Bùi Xuân Phái vec Tháp Rùa, www.buixuanphai.com
1 nhận xét:
dai qua dang can ghi thuyet trinh ngan thoi ma dai vay tom tat lai cung kho
Đăng nhận xét