Ghi nhận từ chuyến thăm trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật chùa Kỳ Quang 2
Đón tiếp chúng tôi, thầy Thích Quang Hòa cho chúng tôi biết: Trung tâm được thành lập đến nay là 12 năm, hiện nay có 216 em thuộc nhiều thành phần như mồ côi, khuyết tật, bại não, khiếm thị… ở hai cơ sở. Cơ sở 1 tại chùa Kỳ Quang 2 gồm các em tuổi từ sơ sinh đến 16, cơ sở 2 tại 136A, khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12. Các em đến đây thuộc nhiều tỉnh thành trên cả nước, có em bị bỏ rơi trước cổng chùa khi chỉ mới được sinh ra mấy ngày, có em được sở Lao động thương binh xã hội ở các tỉnh giới thiệu đến. Đa phần là các em mồ côi vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc vì nguyên nhân nào đó không thể nuôi các em nên họ đã đem vào chùa.
Ở đây, các em được sự chăm sóc của 25 thầy cô là Tăng Ni và Phật tử. Buổi sáng các em nhỏ ở trong chùa, có em đi học nghề. Tại trung tâm cũng có lớp học tình thương dạy cấp 1 cho các em mồ côi và cho cả các em có hoàn cảnh khó khăn ở ngoài vào học. Bằng tốt nghiệp của các em được của sở giáo dục Thành phố chứng nhận . Các thầy cô giáo ở đây là giáo viên của sở giáo dục đến dạy với tấm lòng từ thiện là chính.
Khi các em tốt nghiệp lớp 5 trung tâm sẽ đưa các em ra ngoài để học. Học phí của các em đóng cũng như các em bình thường ở ngoài, không có một chế độ miễn giảm nào. Phương tiện để đưa các em đi học bằng xe buýt, xe máy, có khi xe ở trung tâm đưa các em đi đặc biệt là các em khiếm thị. Khoảng học phí và kinh phí để chi tiêu cho công việc từ thiện này đều do các nhà hảo tâm, các Phật tử của chùa đóng góp. Cũng có những vị khách nước ngoài ghé thăm hỗ thợ vật chất và tinh thần. Họ cũng tình nguyện dạy anh văn cho các em mỗi tháng một ngày để nâng cao khả năng giao tiếp ngoại ngữ cho các em.
Tại trung tâm các em được kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, tuy nhiên trung tâm chỉ có chăm sóc những bệnh nhẹ còn đa phần các bệnh nặng phải đưa các em đi bác sĩ. Có em cả tuần đã bệnh 4 – 5 ngày phải đi khám bệnh ở ngoài, khoảng phí đó chùa đã phải chi trả cho các em.
Các em nhỏ bị bỏ rơi khi còn nhỏ không biết cha mẹ là ai, nhưng đến khi lớn các em cũng không muốn tìm hiểu vì nơi đây tấm lòng của sư trụ trì Thích Thiện Chiếu cũng giống như người cha quan tâm đến các em một cách chu đáo. Chính vì tình cảm đó mà các em không muốn trở về nhà mà chỉ muốn ở trong trung tâm. Tuy nhiên khi các em lớn lên lập gia đình trung tâm cũng tạo điều kiện cho các em có được việc làm ổn định cuộc sống.
Khó khăn nhất là cho các em bại não ăn uống phải đút cho các em từng muỗng cơm, chăm sóc cho các em từ việc tiểu tiện vì các em không thể làm được gì. Có những đêm các cô chăm sóc phải thức trắng khi các em bệnh, giặt giũ quần áo, rồi lao nhà khi các em tiểu tiện ra ngoài. Cô Đỗ Thị Liên, năm nay 46 tuổi, quê ở Cần Thơ cho chúng tôi biết: “Cô chăm sóc chín em bị bại não và thần kinh, nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất là 34. Khi có em lên cơn, đụng ai cũng đánh nên không dám tới gần, chích thuốc các em vùng vẫy không thể chích được, cứ ca hát suốt đêm làm mọi người không ngủ được. Mọi việc cũng chỉ trông cậy vào các chị em cùng ở tại trung tâm lo giúp. Vì công việc chăm sóc các em suốt ngày không có thời gian rãnh: sáng phải đưa các em đi vệ sinh, tắm rửa cho các em, buổi trưa phải đút cơm cho các em, chiều tối phải lo cho các em ngủ”. Cô cũng cho chúng tôi biết: “Buổi sáng thứ hai và thứ tư có các bác sĩ cho các em tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Phần lớn chỉ dành cho các em có khả năng phục hồi, còn các em bị thần kinh chỉ nằm một chỗ, không đi lại gì được, phải chăm các em cho đến suốt đời.”
Các em khiếm thị ngoài học văn hóa còn được học mát-xa, bấm huyệt, sau khi học xong sẽ được giới thiệu việc làm ở một cơ sở tại Phú Thọ, quận 11 dành cho người khiếm thị. Tại trung tâm cũng có phòng khám chữa bệnh Tây y và Đông y cho các bệnh nhân nghèo. Các em học mát-xa, bấm huyệt được thực tập tại đây vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy trong tuần. Phòng khám cũng thu hút được nhiều bệnh nhân nghèo khắp nơi đến bốc thuốc và chữa bệnh.
Có các em nhỏ khi mới sinh ra bị HIV do từ mẹ truyền sang, họ sinh ra và biết con mình cũng bị nhiễm như mình, một gánh nặng đeo mang nên họ đã bỏ các em ở trước cổng chùa. Khi phát hiện ra các em đưa các em đi thử máu thì chùa mới phát hiện nên trung tâm gởi cho các trung tâm giáo xứ Mai Hòa để chăm sóc các em kỹ càng hơn vì nơi đây có chuyên môn và đủ điều kiện.
Trong trung tâm chùa Kỳ Quang các em rất đáng thương nhất là các em mồ côi, sự hồn nhiên của các em làm chúng tôi chạnh lòng. Tương lai của các em rồi sẽ ra sao, dẫu biết rằng trung tâm đã chăm sóc cho các em rất tốt nhưng làm sao bằng gia đình được. Trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy các em nhất là kinh phí. Qua chuyến thăm này mới thấy được sự khó khăn của quý thầy ở trung tâm phải lo nhiều điều cho các em nếu không có các nhà hảo tâm trợ giúp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét