Lầu Ông Hoàng thành phế tích
Lầu cao 105m so với mặt nước biển, đỉnh đồi là vị trí đẹp nhất TP Phan Thiết ngày nào giờ chỉ là một bãi hoang tàn.
Lầu Ông Hoàng không phải là nhà lầu của một người đàn ông tên Hoàng, càng không phải là dinh thự mà ông hoàng Bảo Đại nghỉ mát như lâu nay người ta đồn đại.
Xuất xứ của địa danh lầu Ông Hoàng bắt nguồn vào năm 1911, gắn liền với một ông hoàng người Pháp là công tước De Montpensier qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Thấy phong cảnh sơn thủy ở những ngọn đồi lân cận Phan Thiết hữu tình, ông hoàng này nảy sinh ý định mua đất xây dựng biệt thự để nghỉ ngơi trong các kỳ săn bắn và du lịch sau này.
Sau những cuộc thăm viếng và thương lượng, công sứ Garnier cầm quyền đất Bình Thuận lúc bấy giờ đã đồng ý bán ngọn đồi Bà Nài cho công tước De Montpensier. Ngày 21-2-1911, cách nhóm đền tháp Pôsanư 100m về hướng nam, trên diện tích 536m2, một biệt thự với qui mô 13 phòng đã được khởi công xây dựng.
Cụ Trần Đạt, năm nay ngoài 80 tuổi, hiện sống dưới chân đồi nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi có nghe cụ thân sinh kể lại đã có không ít nhân công phải bỏ mạng khi xây dựng công trình. Do lúc đó đường lên đồi chưa có, để xây dựng người ta phải bạt đá khoét núi làm lối đi. Quá trình vận chuyển nguyên vật liệu thời bấy giờ cũng không kém gian nan. Do trên đồi toàn đá hoa cương hấp thụ ánh sáng mạnh vừa nóng vừa hắt ra ánh sáng khiến lao công bị mất sức, chói mắt té xuống núi chết thảm”.
Sau gần một năm xây dựng, đại công trình trên đỉnh Bà Nài tương đối hoàn chỉnh. Với máy phát điện đặt dưới tầng hầm, có chỗ chứa nước dùng đủ một năm, biệt thự này được xem là hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ.
Cụ Đạt tiếp tục mạch chuyện: “Quan Pháp hồi đó sang trọng, giàu có như một ông hoàng với nhiều kẻ hầu người hạ. Vả lại do công trình xa hoa như một biệt điện nên dân địa phương lúc bấy giờ cứ “lầu Ông Hoàng” mà gọi. Riết rồi chết luôn tên đó!”.
Lầu Ông Hoàng đó, thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua
Lầu Ông Hoàng với chuyện tình Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm
Nhắc đến lầu Ông Hoàng là nhắc đến nhà thơ Hàn Mặc Tử - bởi lẽ lầu Ông Hoàng là nơi hẹn hò và ngắm trăng của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm. Trong một bài thơ về Phan Thiết, ông có kể lại nơi này và gọi đó là "nơi đã khóc đã yêu thương da diết".
Về sau Mộng Cầm có nói về câu chuyện tình lãng mạn này, trong đó thổ lộ nơi ấy là nơi hẹn hò yêu đương của họ: "Một dịp thứ bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mang chứng bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn một người chồng mạnh khỏe, tráng kiện".
Sau này nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cũng đã có một ca khúc rất hay, được nhiều người nhớ đến về lầu Ông Hoàng cũng như câu chuyện tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Bài hát có những câu mà rất nhiều người nhớ "Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng"...
Đến thăm Phan Thiết, phần lớn du khách đều ghé thăm nhóm đền thờ công chúa Chăm (tháp Pôsanư) và sau đó leo dốc đến đỉnh đồi Bà Nài, nơi tọa lạc lầu Ông Hoàng đặng ngắm toàn cảnh bức tranh non nước Phan Thiết trong gió thổi lồng lộng và màu xanh ngút ngàn của đại dương.
Từ tháp Pôsanư, để đến được lầu Ông Hoàng, chúng tôi phải leo lên một mỏm dốc trơ cằn sỏi đá lởm chởm. Sau hơn trăm bước chân, không thể tin được khu vực hoang vắng đầy cỏ dại um tùm và ngôi nhà cao rệu rã trơ gạch kia chính là một trong những địa danh nổi tiếng ở Phan Thiết.
Lầu Ông Hoàng đó ư? Biệt thự 13 phòng hiện đại nhất Phan Thiết một thời đấy ư? Tất cả chẳng còn gì ngoài những hầm chứa nước được trùng tu và bỏ mặc cho đất đá, bụi bặm, mạng nhện, cỏ dại bám đầy.
Bên trong lầu Ông Hoàng, hiện trạng lại càng thê thảm hơn. Qua lối vào chính và qua lỗ thủng do đạn pháo thời chiến, bất kỳ ai ghé mắt trông ngang đều có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hỗn tạp với bao bịch, cỏ dại, mạng nhện và có cả bao cao su bên trong...
Trước sự hoang phế của thắng cảnh nổi tiếng về cảnh đẹp và ý nghĩa lịch sử, đầy thất vọng không ít du khách thốt lên: “Như vầy mà là lầu Ông Hoàng đó sao? Lầu tan hoang thì có!”.
Trên đỉnh đồi Bà Nài, Pháp sau đó đã cho xây dựng một hệ thống đồn bót với nhiều lô cốt nhằm khống chế toàn vùng Phan Thiết. Ngày 14-6-1947, cũng chính nơi đây đã diễn ra trận đánh ác liệt.
Tiểu đội thuộc đơn vị Hoàng Hoa Thám do đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy đã tiêu diệt nhiều lính Pháp, thu nhiều súng đạn, trong đó có một khẩu đại liên Vitke, một súng trung liên Bren và nhiều chiến lợi phẩm khác. Từ đó, người dân cũng quen gọi là “Chiến thắng lầu Ông Hoàng”.
Lầu Ông Hoàng là di tích thắng cảnh nổi tiếng của Phan Thiết, là địa danh rất được du khách từ khắp mọi nơi thường xuyên tìm đến thưởng lãm nhưng cùng với thời gian, sự bọt bèo của thắng tích đã khiến nhiều du khách thất vọng. Và theo nhiều cái rỉ tai nhau của những bước chân lãng tử nên giờ đây lầu Ông Hoàng đã không còn là điểm thu hút khách tham quan nữa.
Bao giờ lầu Ông Hoàng không còn bị trùm màu? Bao giờ du khách gần xa được lưu trú trên ngọn đồi lịch sử, hay chí ít cũng được đứng trên lầu vang ngắm cảnh trong một không gian đầy hoa thơm chứ không phải là cỏ dại?... Câu trả lời là: “Chẳng biết đến bao giờ” bởi hàng chục năm qua thắng tích này vẫn nằm ngoài vùng phủ sóng của những người có trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét