Thăm Nhà Rồng lại nhớ Dục Thanh
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) Nhà Rồng trở thành nơi lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi Nhà Rồng được lưu giữ, tôn tạo và trở thành nơi trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh; về Thành phố Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là về thành phố ngày nay đang góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua chuyến thăm quan bảo tàng điều làm cho tôi cảm thấy ấn tượng nhất trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Hồ Chí Minh khi cô Vũ Thị Luyến cán bộ nghiệp vụ của bảo tàng thuyết trình cho chúng tôi nghe về Bác, đặc biệt là trong khoảng thời gian Bác Hồ dạy học tại trường Dục Thanh – Phan Thiết, chính nơi đây Người đã ươm mầm xanh về kiến thức và tư tưởng yêu nước cho những học trò của mình qua những bài học của Người đã dạy.
Trường Dục Thanh (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một trong những di tích lịch sử đánh dấu là nơi người thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành đã có một khoảng thời gian dạy học. Dục Thanh là một khu bằng phẳng nằm thoai thoải ngay sát con sông Cà Ty hiền hòa thơ mộng. Không như những di tích lịch sử nổi tiếng khác gắn liền với cuộc đời của Bác như trường Quốc học Huế, Pắc Bó, Nhà Rồng… trường Dục Thanh vẫn lạng lẽ như ngày nào Bác đến nơi đây và lặng lẽ ra đi để lại trong lòng người dân Phân Thiết nỗi thương nhớ không nguôi và luôn mong mõi ngày nào đó Người sẽ trở về. Nhưng người dân quê tôi cứ mãi trông ngóng đến Người nhưng suốt cuộc đời bôn ba khắp đó đây Người đã không một lần về lại thăm Dục Thanh.
Trường Dục Thanh là một cơ sở của Công ty Liên Thành một tổ chức yêu nước nổi tiếng được thành lập hồi đầu thế kỷ 20 gồm ba bộ phận với ba chức năng:
Liên Thành Thương quán: làm kinh tế gây quỹ hoạt động
Liên Thành Thư xã: tuyên truyền và truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước
Dục Thanh Học hiệu: mở trường dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ
do các nhà chí sĩ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (là hai con trai nhà thơ Nguyễn Thông), Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất sáng lập ở Phan Thiết, nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân mà Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.
Công ty Liên Thành hoạt động có hiệu quả, bí mật đóng góp một phần tài chính cho phong trà0 Đông Du của Phan Bội Châu. Liên Thành thư xã do Nguyễn Hiệt Chi phụ trách mời nhiều diễn giả đến diễn thuyết, trong đó có Phan Châu Trinh, gây được tiếng vang sôi nổi. Đặc biệt Dục Thanh học hiệu đã đào tạo được một lớp trẻ học tập theo sách vở và tinh thần mới.
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 (cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) nằm ở làng Thành Đức (ngày nay là nhà số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết.
Năm 1910, Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô giới thiệu, đã đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Lúc ấy, trường có khoảng 60 học sinh và 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, thể dục... Một trong những học sinh của trường là Nguyễn Kinh Chi con cụ Nguyễn Hiệt Chi, về sau là Bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam dân chủ cộng hòa, đại biểu Quốc hội khóa I - IV, là học trò trực tiếp của thầy Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Chữ Quốc ngữ và Hán văn. Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, Đình làng Đức Nghĩa.
Dù thời gian dạy học nơi đây không dài nhưng đây là những ngày đầu người thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đem những kiến thức truyền đạt với những học sinh của mình. Người đã dạy các môn Quốc ngữ để cho các học trò của mình biết đến một thứ chữ của dân tộc ta đó cũng là một niềm tự hào vì dân tộc Việt Nam đã có chữ viết riêng. Với môn Hán văn từ lâu đời dân tộc ta đã chịu ách nô lệ của giặc phương Bắc, nên việc học môn này cũng giúp cho chúng ta tìm hiểu được những văn bản của tiếng Hán. Không những thế Người đã truyền bá lòng yêu nước, thương giống nòi vào tâm tưởng của học sinh, đây chính là những lời dạy đầu tiên cho những tư tưởng truyền bá cách mạng sau này.
Tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh và Phan Thiết vào Sài Gòn vượt đại dương đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Một vài năm sau, ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn ai phụ trách và vì nhiều lý do khách quan khác nên trường đóng cửa vào năm 1912, nhưng Công ty Liên Thành thì vẫn hoạt động mãi đến sau này.
Ngôi trường xưa Bác dạy vốn đã bị hư hỏng nhiều, nhưng trong số học sinh thầy Thành dạy năm xưa vẫn còn 4 cụ còn sống, đó là bác sĩ Nguyễn Quý Thầu, bác sĩ Nguyễn Kim Chi, cụ Từ Trường Phùng, cụ Nguyễn Đăng Lâu. Sau ngày quê hương được giải phóng, nguyện vọng của nhân dân là muốn phục chế lại ngôi trường Dục Thanh xưa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nhờ những ký ức, kỷ niệm của các cụ, vị trí ngôi trường và những thành phần kiến trúc nội, ngoại thất được hình thành qua các bản vẽ và được dựng lại từ những năm 1978-1980.
Khu di tích trường Dục Thanh gồm có các công trình chính: một gian nhà lớn phía trước với những bộ bàn ghế gỗ ngăn nắp vốn là nơi diễn ra hoạt động dạy học của thầy trò trường Dục Thanh. Bên phải gian nhà chính là Nhà Ngư được xây dựng năm 1906 và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của học sinh. Ở dãy phía sau, Ngọa Du Sào là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1880 của cụ Nguyễn Thông. Vào những năm cuối đời, cụ Nguyễn Thông ở căn nhà này ngâm thơ, bình văn và luận bàn công việc với các sĩ phu yêu nước. Lúc ở trường Dục Thanh thầy Thành đọc sách, soạn bài ở Ngọa Du Sào. Ngôi nhà này cũng được tu bổ lại, hiện vật bên trong bị xáo trộn và mất mát khá nhiều. Không thể không nhắc tới cây khế, giếng nước gắn bó với cuộc đời làm thầy của Bác Hồ ở Dục Thanh nên đó cũng là điểm chính trong khu di tích.[1]
Nói đến trường Dục Thanh, người dân Phan Thiết, Bình Thuận tự hào biết bao về một mảnh đất nghèo đã may mắn được đón chân Bác trên những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước. Ngày nay, những nơi đã từng gắn kết với Bác như Ngọa Du Sào - nơi Bác thường đọc sách; nhà Ngư - nơi thầy Nguyễn Tất Thành nghỉ lưu trú, hay khuôn viên trường Dục Thanh vẫn nguyên sơ như ngày nào. Những cây khế, cây vú sữa Bác và học trò của mình thường chăm bón lúc còn nhỏ, nay đã lớn và xanh tốt. Trải qua 98 năm, mái trường Dục Thanh vẫn rêu phong và lặng lẽ như có Người đang giảng bài trong căn phòng nhỏ. Hiện di tích Trường Dục Thanh và Công ty Liên Thành ở thành phố Phan Thiết đã được tỉnh Bình Thuận tôn tạo, bảo quản giữ gìn, không chỉ là một địa điểm văn hóa du lịch của cả nước mà còn là nơi để biết bao thế hệ con cháu Việt Nam đến tham quan học tập ở người cha già dân tộc một tinh thần bất khuất, lòng nhân hậu và ý chí tự do cho dân.
Hôm nay thăm quan Bến Nhà Rồng, tôi hồi tưởng lại những ngày còn thở bé, mỗi khi nghỉ lễ hoặc tết bọn trẻ chúng tôi thường rũ nhau đi Dục Thanh chơi. Lúc đó chúng tôi không có nghĩ rằng đây chính là nơi mà vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lúc trẻ đã đến đây dạy cho dân nghèo Phan Thiết quê tôi những con chữ đầu tiên. Và điều quan trọng nhất là những tư tưởng yêu nước thương dân khi người chưa đọc được Luận cương của Lê Nin về chính sách dân tộc thuộc địa.
Theo lời của một chị nhân viên của bảo tàng tôi ra trước cửa của lối đi vào bảo tàng có một cây khế được chiết từ cây khế ở Trường Dục Thanh. Cây khế này còn nhỏ, hình như chỉ trồng khoảng sau khi đất nước được giải phóng. Cây khế ở đây được cắt tỉa gọn gàng không giống như cây khế ở Dục Thanh rất to vì đã trăm năm rồi. Tán cây rộng che mát một khoảng sân. Lúc nhỏ chúng tôi thường ngồi ở dưới đây nghỉ trưa sau một buổi tham quan Dục Thanh mệt mỏi và hái khế để ăn nhưng lại không biết chính cây khế này đã được Bác Hồ và các học trò của mình trồng và chăm bón. Hoa khế có màu tím dịu dịu rất đẹp và đầy trên cây nên khế cho quả quanh năm. Người dân Phan Thiết quê tôi xem cây khế như một bảo vật mà Bác đã tặng cho trước khi Người vào Sài Gòn.
Trong những giờ phút này, cgungs tôi lại nhớ Bác, nhớ người thầy vĩ đại của cả dân tộc nhưng cũng gần gũi với chúng ta. Đứng trước bước ảnh di tích Dục Thanh, tôi xúc động nhớ lại những vần thơ của nhà thơ Giang Nam:
Ghế này xưa Bác ngồi đọc sách, Căn gác này Bác thức thâu đêm, Cây che mát những trò chơi tuổi trẻ, Màu hoa vàng như mặt trời lên, Sông Cà Ty nước lớn ròng hai buổi, Gió mặn khơi xa năm tháng đổ về, Nơi Bác dừng chân có lời ru của biển, Có mẹ nghèo vất vả sớm khuya, Phan Thiết bao người còn nhớ, Bài học đầu tiên Bác dạy: Hiểu mình…
Phải nói thật lòng là khi thăm bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng tôi không có cảm xúc gì lắm dù đã học trong sách tiếng Việt từ năm lớp 2. Vì tôi có ý nghĩ rằng Bác chưa một lần vào trong căn nhà đó hay sao mà tôi lại không có cảm giác hay do ý nghĩ chủ quan của tôi mà khiến cho tôi không có cảm xúc. Tôi biết là Bác có làm việc trên một con tàu nhưng không biết lúc đó Bác có một lần nào bước chân vào ngôi Nhà Rồng không. Nhưng một điều chắc chắc là khi cô hướng dẫn nhắc đến trường Dục Thanh là cảm giác của tôi lại dâng trào và hồi tưởng về Phan Thiết quê tôi. Trong bài hát Miền Trung nhớ Bác của nhạc sĩ Thuận Yến có nhắc một câu “Biển Phan Thiết đêm đêm sóng hát, phút tiễn đưa Bác đến Bến Nhà Rồng để muôn đời hát mãi nỗi nhớ mong.” Thật vậy biển Phan Thiết quê tôi luôn luôn chờ mong một bóng Người. Vạn dặm xa xôi trên bước đường cứu nước cho đến khi Bác yên nghĩ Người chưa một lần ghé lại thăm nhưng người dân Phan Thiết quê tôi luôn nghĩ rằng ở nơi xa xôi nào đó thì Phan Thiết vẫn luôn ở trong trái tim Người. Gắn liền với cuộc đời Bác biết bao nhiêu câu chuyện biết bao nhiêu huyền thoại về Người cũng như những tư tưởng của Người được nhắc đến nhưng đâu có ai biết rằng chính nơi trường Dục Thanh này Bác đã ươm những hạt giống đầu tiên đó là cây khế để hôm nay cây trổ mầm xanh lá dâng trái ngọt cho đời. Và cũng chính nơi đây Người đã ươm mầm tư tưởng yêu nước cho những người dân đầu tiên ở Phan Thiết.
Những tài liệu báo chí và lịch sử chỉ có nhắc đến Dục Thanh quá sơ sài và thế hệ trẻ của chúng tôi không biết nhiều về những ngày có Bác ở nơi đây. Nhưng mỗi lần về lại Dục Thanh đứng trong mái trường đó vẫn cảm giác một tình yêu thiêng liêng từ nới Bác. Khi bước chân vào Ngọa Du Sào nơi Bác đọc sách, soạn bài và nghỉ ngơi tôi cảm giác như có hơi ấm của Bác vẫn còn quanh đây. Cũng chính nơi Ngọa Du Sào này Người đã có những đêm trăn trở cho vận mệnh của một đất nước, chính vì điều đó mà Bác đã quyết định vào Sài Gòn để tìm đường cứu nước.
Bác không ở đâu xa. Người vẫn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành của trường Dục Thanh, vẫn ngày đêm đang dạy chúng ta về kiến thức làm người và tinh thần bác ái của người dân đất Việt. Với người dân Phan Thiết , hầu như ai cũng hiểu điều đó. Ngày hôm nay đến với Bến Nhà Rồng, nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước năm xưa lòng tôi lại nhớ về Dục Thanh – Phan Thiết. Trên khắp nẽo đường của đất nước có những bảo tàng Hồ Chí Minh nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất là bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, nơi có ngôi trường Dục Thanh in bóng vị thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành một thời dạy học
Tượng đài Bác Hồ bên khu di tích Dục Thanh - Phan Thiết
Cổng trường Dục Thanh
Trường Dục Thanh
Giếng nước Dục Thanh
Cây khế Dục Thanh do bàn tay của thầy giáo Nguyễn Tất Thành mỗi chiều chăm bón. [1] Nguồn tin: Báo CATPHCM. Bài: Pháp Như
0 nhận xét:
Đăng nhận xét