Sự cần thiết của nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng và nghi lễ Phật giáo nói chung trong tiến trình truyền bá, giao lưu và tiếp biến
DẪN NHẬP
Trải qua bao thăm trầm của lịch sử Việt Nam thì đạo Phật đã đồng hành với dân tộc xuyên suốt một thời gian khá dài. Hình ảnh của đạo Phật in sâu vào lòng dân tộc qua mái chùa làng cong cong, rêu phong cổ kính trong những thôn xóm nhưng nghi lễ Phật giáo có vị trí không nhỏ trong quá trình hình thành nền văn hoá của dân tộc. Có thể nói, nghi lễ Phật giáo là một trong những nhân tố tạo thành tính đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Một vai trò hết sức trọng yếu khác của nghi lễ Phật giáo đó là chức năng hoằng pháp, xương minh Phật pháp, phổ cập giáo lý Phật giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thông qua nội dung và hình thức của nghi lễ. Nhìn lại lịch sử lâu dài hiện diện và phát triển trên quê hương đất nước Việt Nam. Nếu nhìn từ góc độ văn hóa, thì mỗi nghi thức lớn nhỏ là một trong những tố phẩm văn chương cơ bản tạo nên nét đặc trưng nền văn hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, cùng với sự hội nhập và tiếp biến văn hóa toàn cầu, nghi lễ Phật giáo đã có những sự thay đổi nhưng nó có cần thiết trong công việc hoằng pháp ngày nay của đọa Phật không, chính vì vậy mà người viết đã chọn đề tài “Sự cần thiết của nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng và nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói chung trong tiến trình truyền bá, giao lưu và tiếp biến”.
Với những gì trình bày trong bài viết được tích lũy từ những bài giảng của giáo thọ sư trên lớp, cộng với sự tham khảo tài liệu kinh – luật – luận và các bài viết của chư tôn đức, bằng những kiến thức ít ỏi của mình người viết sẽ đưa ra những nhận định một cách khách quan cũng như chủ quan để hiện thực hóa đề tài một cách chân thật nhất.
NỘI DUNG
1. Khái niệm về nghi lễ Phật giáo
Nghi có nghĩa là uy nghi, cung cách, phong cách dáng vẻ nghiêm nghị bên ngoài hay nói cách khác là hình thức bên ngoài của một con người. Nghi là cách sắp xếp, cách bố trí của một bộ phận, một tổ chức nào đó. Nghi còn là tiêu chuẩn đo lường như: nghi khí (một dụng cụ để đo lường) và nghi còn có nghĩa là đồ cúng, ví dụ như: nghi hạ.
Lễ là cách bày tỏ sự kính trọng, nghĩa cử đẹp đẽ, sự thực hiện các phép tắc, khuôn mẫu đã định sẵn mà người xưa đã thực hiện; là hình thức thể hiện việc tổ chức giao tế xã hội, ví dụ: các cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp, cách ứng xử trong cuộc sống đời thường, các hình thức cúng bái, tế lễ, cầu nguyện…
Nghi lễ thường được thể hiện sự tương tác trong xã hội, trong tín ngưỡng, trong sinh hoạt tôn giáo thông qua đời sống tâm linh, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc. Nghi lễ là một từ chung, mang ý nghĩa qua sự tổ chức, thể hiện các khuôn mẫu được đặt ra của một hay nhiều người đối với một hay nhiều người khác. Nghi lễ gồm nhiều nghi thức hành lễ hợp lại.
Nghi lễ Phật giáo là những hình thức và nội dung được thể hiện trong toàn bộ hoạt động của Phật giáo từ nếp sống sinh hoạt của Tăng già, sự bố trí của tổ chức giáo hội, sự sắp xếp của một ngôi chùa, cách giao tiếp ứng xử giữa những người tương quan với nhau trong Phật giáo. Ví dụ như người tu sĩ phải có oai nghi, tế hạnh và giữ gìn giới luật thanh tịnh qua công phu tu tập được thể hiện ra hình thức bên ngoài trang nghiêm để mọi người kính nễ. Sa Di sớ chép: “vị hữu oai khả uý, hữu nghi khả kính, nội hoài sư tử chi đức, ngoại hiện tượng vương chi oai”[1], nghĩ là có uy đáng sợ, có nghi đáng kính, trong chứa cái đức uy hùng như sư tử, ngoài bày cái dáng chững chạc như tượng vương, đó là nghi lễ của một vị thầy. Nghi lễ Phật giáo còn là những nghi thức, những giọng điệu, câu văn để ứng dụng khi hành lễ sao cho hợp với thời gian, không gian. Căn cứ danh nghĩa trên đây, cho nên khi ta nói đến nghi lễ là nói đến nhiều khía cạnh trong một tổ chức tôn giáo, chứ không chỉ có riêng việc tán tụng mà thôi, bao gồm Lễ nhạc, Lễ tụng, Lễ khí, Lễ nghi, Lễ bái, Lễ phục, Lễ đường vv... Như vậy, nghi lễ Phật giáo là một khái niệm rất phổ quát trong tất cả các hoạt động của Phật giáo.
2. Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy dân tộc Việt Nam
Kể từ khi Phật giáo được du nhập vào nước ta đã nhanh chóng bắt rễ cùng với dân tộc. Qua bao thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam cũng chịu cảnh thịnh suy theo vận mệnh của đất nước. Có những triều đại Phật giáo trở thành quốc giáo như thời Lý – Trần nhưng có những thời kỳ Phật giáo bị bao pháp nạn xảy ra như pháp nạn năm 1963, nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại và có một vị trí nhất định trong lòng dân tộc. Từ xưa đến nay, Phật giáo Việt Nam nói chung và nghi lễ Phật giáo đã hội nhập, giao lưu, tiếp biến nhưng luôn gắn liền với nền văn hóa dân tộc Việt Nam một cách hài hòa như nước với sữa. Do chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa, cùng với văn hóa bản địa, Phật giáo Việt Nam tiếp nhận những cái hay cái đẹp của các nước tiên tiến nhưng vẫn có bản sắc riêng của mình nhất là về mặt Nghi lễ Phật giáo.
Theo Thượng tọa Thích Giác Liên nhận định: “Nghi lễ được hình thành từ rất sớm trong đời sống con người. Các nhà nghiên cứu xác định các nghi lễ xã hội vốn đã được thể hiện khởi đầu từ thời đại đồ đá mới cách đây khoảng 10.000 năm. Theo sách Chu Lễ, sách Công Dương truyện, sách Hán Thư nói về cách thực hiện nghi lễ rất chi tiết từ giao tế đến đối nhân xử thế và vô số nghi lễ kể cả nghi thức tôn giáo. Như vậy, nó đã có một lịch sử lâu dài, đa dạng phong phú, tạo nên một nền văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của từng dân tộc.”[2]
Ở các triều đại quân chủ của chế độ phong kiến Việt Nam xưa có hẳn một bộ chuyên phụ trách về các lễ nghi của triều đình cũng như của quốc gia đó chính là Bộ Lễ. Theo Thượng tọa Thích Lệ Trang thì: “Bộ Lễ giữ việc lễ nghi, tế tự, khánh tiết, yến tiệc, trường học, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang, bói toán, tăng tục, đạo đức, giáo phường, đồng văn nhã nhạc.”[3] Như vậy là Bộ Lễ đã lo rất nhiều trong việc phụng sự cho một đất nước.
Cha ông ta ngày xưa đã xem trọng việc lễ nghi đến nỗi khuyên dạy người học trò là: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là người học trò trước hết phải học lễ nghi sau đó mới học văn hóa. Có thể hiểu rằng lễ nghi ở đây chính là đạo đức của con người phải thực hành những chuẩn mực, những phép tắc mà xã hội đã đặt ra, mà lễ nghi này bắt buột ai cũng phải học để có cách ứng xử đúng mực trong xã hội. Một con người có học thức trước hết phải là người hoàn thiện chính bản thân mình qua những khuôn phép mà xã hội đã quy định. Ví dụ như: làm dân phải trung thành với nước, làm trò phải kính thầy, làm con thì phải hiếu, đó là sự chuẩn mực của xã hội còn không thì sẽ bị lệch chuẩn mà sự lệch chuẩn nào cũng bị xã hội lên án. Phải nói rằng người có văn hóa là một người có lễ nghi và “một xã hội văn minh phải là một xã hội có lễ giáo”. “Quốc có quốc pháp, gia có gia phong”, những quy định, lễ giáo, nguyên tắc của một nước được đặt ra để giữ gìn an ninh xã hội của một quốc gia đó là “quốc pháp”. Những quy định, phép tắc trong một dòng họ, một gia đình đưa ra để mọi người trong gia đình theo đó mà thi hành là “gia phong”. Vì thế người xưa ít có ai dám vượt khỏi vòng lễ giáo. Chính vì vậy mà lễ nghi luôn gắn liền với sự nghiệp trồng người của cả một dân tộc. Một dân tộc phát triển không phải kể đến cái đức của con người trong nước đó mà cái chính là thể hiển ở lễ nghi.
Với một quốc gia là vậy, thì đối với một tôn giáo lớn như Phật giáo thì lễ nghi được đặt lên hàng đầu. “Đạo Phật, ngoài kho tàng triết lý sâu sắc còn có âm nhạc, lễ nghi để thức tỉnh lòng người bỏ mê quay về bờ giác. Dùng lễ nhạc để ca ngợi công đức chư Phật, chư Bồ tát, đồng thời còn là cách để diễn bày chân lý vô thường, vô ngã và giá trị tự giải thoát.”[4] Những điều đó được gọi là nghi lễ Phật giáo, nó không những chứa đựng triết lý sâu xa trong từng lời từng câu của lễ nhạc mà còn thể hiện ở hình thức bày biện, cách tổ chức sắp xếp của một pháp hội sao cho đúng thời gian, đúng không gian, đúng hoàn cảnh, đúng cách thức để tăng thêm tính uy nghiêm mà lại mang đậm nét tâm linh của đạo Phật. Xuất phát từ nhu cầu tâm linh của con người, cũng như nét đặc thù về hình thức và nội dung mà nghi lễ Phật giáo đã chuyển biến theo từng thời đại. Sự cần thiết của nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng và nghi lễ Phật giáo nói chung là vô cùng quang trọng trong tiến trình truyền bá giao lưu và tiếp biến để Phật giáo ngày càng phát triển phù hợp với thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam.
3. Sự cần thiết của nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng và nghi lễ Phật giáo nói chung trong tiến trình truyền bá giao lưu và tiếp biến
3.1. Nghi lễ tạo nên hình thức đa dạng, độc đáo của Phật giáo
Hiện nay, khi trình độ công nghệ khoa học phát triển vượt bậc đã mở ra những cơ hội và thách thức mới cho thế giới thì đạo Phật cũng phải phát huy toàn lực khả năng của mình trên tất cả mọi lĩnh vực mà nghi lễ Phật giáo đóng vai trò rất quan trọng không thể thiếu được trong sự tồn tại và phát triển của Phật giáo. Nghi lễ thể hiện hình thức của Phật giáo thông qua sự tổ chức, các lễ hội, các pháp hội, đạo tràng… mỗi khi cuộc lễ hay buổi lễ nào trong ngôi nhà Phật giáo nhất là những khi cung nghinh tượng Phật, Xá lợi Phật, thuyết pháp, cung nghinh chư tôn Giáo phẩm ... Chúng ta nhận thấy cũng như cảm nhận ngay trong ấy khá phần trang nghiêm và long trọng. Cho nên trong Phật giáo mỗi khi buổi lễ cung nghinh thường sử dụng lọng tràng, bê tích, nhạc lễ, hương án…
Sự sắp xếp trang trí cho đúng lễ nghi trong từng pháp hội là khác nhau về hình thức. Ví dụ như tổ chức buổi lễ vía Bồ tát Quan Thế Âm thì phải tôn trí tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm chứ không thể tôn trí tượng Bồ tát Phổ Hiền được. Cách sắp xếp nhân lực cho đúng với đạo tràng cũng khác nhau, như đại giới đàn thì hòa thượng đàn đầu phải là người có giới đức trang nghiêm, có công phu tu tập, có uy tín đối với giáo hội và được giới tử cũng như quần chúng tin cậy, được giáo hội giao phó cho trọng trách lớn ấy. Đối với một pháp hội cầu siêu cho những chiến sĩ cũng được tổ chức đúng với không gian tâm linh. Không gian tâm linh ở đây được nói đến là có thể tổ chức ở chùa, tu viện, thiền viện hoặc nghĩa trang liệt sĩ nhưng dù ở đâu cũng phải đúng với nghi lễ của Phật giáo. Trong pháp hội đó phải mang tính tâm linh cao. Sự chuẩn bị từ khâu trần thiết, trang trí không gian, cách thức tổ chức, những pháp khí cần thiết, cung an chức sự cho từng người tham gia, hình thức phục sức của từng người cũng như nghi lễ của pháp hội đó là hình thức của pháp hội nhưng nó chính là hình thức đa dạng độc đáo của Phật giáo.
Hình thức được thể hiện qua sự hoành tráng của việc tổ chức, cách thức bố trí vật dụng cho lễ hội một cách hợp lý, chương trình làm việc logic, thành phần tham dự của chư tôn giáo phẩm cùng chính quyền địa phương và đặc biệt là số lượng người tham dự trong một pháp hội. Các yếu tố tạo nên hình thức rất đa dạng nhưng quy cho cùng là phương tiện để tạo nên một pháp hội của Phật giáo và hình thức đó đánh giá tầm quan trong của pháp hội đó như thế nào. Nói chung thông qua hình thức mà quần chúng tiếp cận với đạo Phật một cách nhanh chóng hơn. Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều có hai mặt là nội dung và hình thức, trong đó hình thức và nội dung có sự tương quan mật thiết với nhau. Nếu chỉ xem trọng nội dung mà bỏ qua hình thức thì cũng không hoàn mỹ được. Đạo Phật không chỉ có nội dung mà hình thức cũng được chú trọng, với sự phát triển của xã hội thì hình thức của đạo Phật cũng thay đổi để thích ứng theo từng hoàn cảnh ngõ“hầu góp phần trong sự cấu thành muôn vàn nét đẹp hài hòa cho Phật giáo Việt Nam ngày càng sáng ngời rực rỡ hơn”.[5]
3.2. Nghi lễ thể hiện nội dung giáo lý, triết học của Phật giáo
Đối với hình thức về nghi lễ Phật giáo có thể thay đổi qua tiến trình giao lưu và tiếp biến thì nội dung triết học hay giáo lý của Phật giáo cũng được thể hiện qua nội dung nghi lễ cũng theo thay đổi theo thời gian. Tất cả giáo lý của nhà Phật được gói gọn trong tam tạng kinh điển là kinh, luật và luận. Trong đó kinh được chia ra mười hai phần giáo:
“Trường hàn, trùng tụng tinh cô khởi
Thí dụ, nhân duyên dữ tự thuyết
Bổn sanh, bổn sự vị tằng hữu
Phương quảng, luận nghị cập ký biệt.”
Mười hai phần giáo này chứa đựng tất cả Giáo lý hành quả để Tăng Ni ứng dụng trong sự hành trì tu tập. Bên cạnh đó những thiền môn quy cũ trong chốn tòng lâm cũng như sự hành nghi trong sinh hoạt hằng ngày đã tạo nên nội dung của triết lý Phật giáo. Triết lý của Đạo Phật không chỉ là tam tạng kinh điển của Phật giáo mà còn thể hiển trong đời sống thông qua những hành động thiết thực như việc hành trì giới luật, sự tu tập thiền định, sự tuân thủ thanh quy chốn thiền môn, cũng như thời khóa tụng niệm, lễ Phật, sám hối... Tất cả những sự hành trì của Tăng Ni có kết quả hay không thể hiện ở phong cách, đạo đức và lối sống của họ để minh chứng cho triết lý của Phật giáo.
Thực tế chúng ta thấy và nhận định rằng : “Nghi lễ rất bao la”, nó luôn bao gồm nhiều lãnh vực nhưng triết học Phật giáo chứa đựng nhiều nhất vẫn là giáo lý của nhà Phật. Giáo lý đó được chư tăng gìn giữ đọc tụng hành trì theo thời gian, giáo lý ấy đã được âm nhạc hóa trở thành lễ nhạc của Phật giáo. Nền lễ nhạc của nghi lễ Phật giáo ngày xưa đã phát triển đến một trình độ khá cao, điều này ta có thể bắt gặp trong các tài liệu xưa của chư tổ để lại. Thế nhưng, ngày nay lễ nhạc đã bị thay đổi và mai một đến mức trầm trọng, nói cụ thể hơn là không theo kịp với trình độ phát triển của thời đại.
Ví dụ như ngày xưa nước ta dùng chữ Hán thì khi tán tụng lên có người sẽ hiểu nhưng ngày nay tán tụng tiếng Hán lên chẳng ai hiểu gì vì trình độ Hán văn của người Việt bây giờ đa phần là không biết. Vì vậy sao ta không dịch ra chữ quốc ngữ để tán tụng khi hành lễ. Nói đi cũng phải nói lại, chữ quốc ngữ đôi khi cũng không diễn đạt hết những gì của chữ Hán, cho nên rất hạn chế đối với người tụng lẫn người nghe. Dù tán tụng có hay đi nữa nhưng người nghe không hiểu gì thì hiệu quả của một buổi pháp hội đã giảm đi rất nhiều. Như thế thì làm sao có thể thâm nhập được chân lý vi diệu mà chư Phật và chư tổ đã để lại. Vì vậy mà vai trò của người làm công tác nghi lễ ngày nay là rất quan trọng, làm thế nào để người nghe có thể hiểu được giáo lý của Phật đà bên cạnh đó vẫn giữ gìn được truyền thống cao đẹp của chư tổ ngày xưa. Đối với nghi lễ Phật giáo hình thức rất cần thiết nhưng nội dung là quan trọng vì nó thể hiện cái hồn của Phật giáo.
3.3. Nghi lễ thể hiện tính văn hóa của Phật giáo và dân tộc Việt Nam
Nói đến nghi lễ là nói đến một hình thái văn hóa, nét văn hóa đó thể hiển trong nếp sống từ gia đình cho đến xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là nghi lễ cúng bái trong các tự viện. Khi Phật còn tại thế, ngài đã khéo léo dùng vô số phương tiện để hóa độ chúng sanh trên tinh thần “tùy duyên bất biến”. Chư tổ đã tiếp nối không ngừng tùy thuận với tín ngưỡng tâm linh của quần chúng nhân gian để ứng dụng vào việc tùy duyên giáo hóa.
Nghi lễ thể hiện tính văn hóa của Phật giáo và dân tộc là sự giao lưu của hai nền văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam với nhau. Thông qua giao lưu đã xảy ra sự tiếp biến của hai nền văn hóa, Phật giáo tùy thuận với tín ngưỡng dân gian Việt Nam nhưng bên cạnh đó văn hóa dân tộc Việt Nam đã tác động ngược lại với văn hóa Phật giáo. Sự tiếp biến ở đây thể hiện ở kiến trúc chùa chiền, điêu khắc tranh tượng, lối sống đạo đức, nghi thức cúng bái… nhưng phải nói rằng nét nhạc cổ điển truyền thống đã đi vào nghi lễ của Phật giáo một cách rõ rệt nhất được gọi là nghi lễ truyền thống. Nét nhạc cổ điển của Phật giáo Việt Nam tùy theo từng vùng miền, từng dân tộc mà thích ứng với vùng miền dân tộc ấy tạo nên nét văn hóa Phật giáo hòa quyện vào văn hóa dân tộc.
Các nghi lễ miền Bắc dính dáng đến văn hóa Trung Hoa rất nhiều, bên cạnh đó giọng tụng niệm của miền Bắc lại mang phong cách của ca trù, hát chèo, chầu văn, quan họ. Khi Phật pháp được lưu truyền đến Huế thì Phật pháp ở cố đô Thăng Long đã thịnh hành một thời gian khá dài rồi. Miền Trung thì thời tiết khắc nghiệt, con người phải có năng lực phi thường, chịu khó học hành, có sự thích nghi theo hoàn cảnh thì mới sinh tồn được. Khi Phật giáo đến Huế thì hội nhập cùng văn hóa cung đình và văn hóa Chăm Pa nên nghi lễ Phật giáo mang nét uyển chuyễn của dòng sông Hương hiền hòa thơ mộng. Đi vào miền Nam qua đèo Hải Vân – Đà Nẵng thì ảnh hưởng văn hóa Chăm Pa nên lễ nhạc Phật giáo có nét đượm buồn. Đến Bình Định – Phú Yên lễ nhạc mang tính thê lương vì cuộc sống khắc khổ. Miền Nam là vùng đất mới có âm hưởng mới mẻ đặc biệt là dân ca cải lương in đậm vào nghi lễ cúng bái của người dân cũng như nghi lễ của Phật giáo.
Nếu văn hóa cồng chiên của Tây Nguyên được xem là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì văn hóa Phật giáo cũng có văn hóa riêng. Trong một pháp hội của Phật giáo ta thấy có không gian văn hóa đó chính là dưới mái chùa, hình thức và nội dung của nghi lễ Phật giáo bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể. Văn hóa vật thể ở đây là các pháp khí như: tượng, chuông, trống, mõ, tang đẩu, linh, khánh, pháp phục… văn hóa phi vật thể như: triết lý của Phật giáo thể hiện trong nội dung tụng niệm, giọng điệu tụng niệm, cách thức hành lễ…những điều đó không những là văn hóa của Phật giáo mà còn là văn hóa của dân tộc Việt Nam nữa. Chính vì vậy mà nét văn hóa Phật giáo và nét văn hóa dân hóa hòa quyện vào nhau đến nỗi bây giờ nếu ai đó muốn đi tìm lại nét văn hóa dân tộc cứ đi vào những nơi chùa chiền nơi đó sẽ còn lưu giữ văn hóa một thời của cha ông. Giữ gìn bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng chính là bảo vệ giữ gìn nét văn hóa dân tộc Việt. Vì thế mà Phật giáo và dân tộc luôn luôn đồng hành qua bao thăng trầm của lịch sử, sự hòa quyện đó tạo nên nét độc đáo của đạo Phật ở Việt Nam được gọi là Phật giáo Việt Nam.
3.4. Nghi lễ Phật giáo là một phương tiện hữu hiệu nhất trong hoằng pháp
Theo tinh thần tùy duyên hóa độ, chư tổ ngày xưa đã khéo léo vận dụng giáo lý của Đức Phật mà lập ra những nghi lễ phù hợp với bản sắc dân tộc phổ biến trong từng bài kệ, câu kinh thông qua những giai điệu âm nhạc dân tộc một cách hài hòa để khai thị chúng sinh ngộ tri kiến Phật. Đồng thời đã hình thành một bộ môn nghi lễ được áp dụng rộng rãi trong chốn thiền môn, giúp cho sự ứng phó đạo tràng được hài hòa và làm tăng thêm sự gắn bó giữa đạo và đời. Chính vì thế mà lời Phật, Bồ tát và chư vị tổ sư đã lan rộng khắp mọi miền đất nước chứ không gói gọn trong phạm vi cửa thiền. Nghi lễ Phật giáo thể hiện sự tôn kính của mọi người đối với Tam bảo, đây là một phương tiện hữu hiệu nhất trong quá trình hoàng pháp, nhưng phải khéo léo úng dụng phương tiện này. Nếu sử dụng nghi lễ để tuyên dương chánh pháp thì đó là một phước đức nhưng nếu sử dụng nó để cầu lợi dưỡng cho riêng mình thì tai hại vô cùng. Nếu không khéo vận dụng uyển chuyển rất dễ gây ngộ nghận cho người đời rằng nghi lễ Phật giáo là mê tín dị đoan. Các hình thức cúng kiến cũng gây nên nhiều tốn kém về tiền của, sức lực và thời gian, cho nên người làm công tác nghi lễ cũng phải biết cân nhắc sao cho hợp lý để tránh lãng phí. Những nghi lễ thực hiện trong các pháp hội phải thực thi cho đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh chứ không thể tùy tiện lúc nào muốn thực hiện cũng được, như vậy sẽ làm tăng thêm sự uy nghiêm của nghi lễ Phật giáo. Thiết nghĩ giáo hội cũng nên đấu tranh loại trừ những hành vi tiêu cực lạm dụng lễ nghi hình tướng quá độ. Cái chính không phải là hình thức hay nội dung trong nghi lễ mà là nội tâm của người làm công tác nghi lễ. Nội tâm đó được thể hiện qua sự tu tập hành trì công phu của một người tu sĩ có như thế mới đưa nghi lễ áp dụng trên con đường hoằng pháp hầu để góp phần xây dựng bảo trì và luôn chỉnh trang nền Nghi lễ Phật giáo đậm đà bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam và văn hóa dân tộc.
KẾT LUẬN
Đạo Phật không phải là một tôn giáo chỉ chú trọng về phương diện nghi lễ, đó là phương tiện hoằng pháp hữu hiệu để đưa người vào đạo Phật một cách dễ dàng. Nghi lễ còn là sự biểu hiện của nét văn hóa Phật giáo cùng với nền văn hóa của Việt Nam tạo nên bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nghi lễ Phật giáo là một pháp môn tu tập cũng có tác dụng chuyển hóa khổ đau. Vì thế, Nghi lễ cũng là vấn đề quan trọng và có nhiều lợi lạc trong đạo Phật. Vậy kẻ hành giả cần phải học tập và hiểu rõ ý nghĩa những vấn đề thuộc về nghi lễ trước khi hành lễ. Cần tránh những tiêu cực, rườm rà trong sự tổ chức, cho đến hình thức cũng như nội dung để phù hợp với thời đại nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong tiến trình truyền bá, giao lưu và phát triển của đạo phật thì nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng và nghi lễ Phật giáo nói chung là vô cùng cần thiết.
[1] Sa Di Luật Giải, Nhà xuất bản Tôn Giáo, năm 2006, tr. 173.
[2] Thượng tọa Thích Giác Liêm, Vài nét về Lễ Nghi và Nghi Lễ Phật Giáo http://tuvienhuequang.com
[3] Thích Lệ Trang, Lễ nhạc phật giáo Việt Nam, http://gdpttunghiem.com
[4] Thích Lệ Trang, Lễ nhạc phật giáo Việt Nam, http://gdpttunghiem.com
[5] Thích Chánh Đức, Nghi lễ Phật giáo Việt Nam xưa và nay, http://www.buddhistedu.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét