Nội dung tư tưởng và nghệ thuật bài Phổ thuyết sắc thân trong tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông
Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam phải nói rằng thời đại nhà Trần là một thời đại hưng thịnh nhất. Không những phát triển từ các chính sách an dân trị nước mà còn phát triển trên rất nhiều mặt như văn hóa, xã hội, kinh tế, đời sống, văn chương … nhưng đặc biệt nhất là Phật giáo phát triển một cách rực rỡ với sự xuất hiện của các thiền sư đều là vua quan cho đến dân chúng. Triều đại nhà Trần đã sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm một thiền phái mang hơi thở và đậm đà bản sắc của người Việt.
Với tinh thần bất khuất, tự lực tự cường không chỉ trong công cuộc bảo vệ nền hòa bình dân tộc trước vó ngựa xâm lược của ngoại xâm mà còn tự chủ trong cả tư tưởng Phật học nữa. Chính vì vậy triều đại nhà Trần đã tạo ra một đạo Phật dung hợp với bản sắc văn hoá dân tộc để tạo nên nét đặc thù cho lịch sử Việt Nam. Sự dung hợp đó đã làm cho đất nước có được một nền triết học cũng như nền văn học Việt Nam mang đậm tư tưởng Phật giáo mà cho đến về sau không có một triều đại nào có thể vượt qua được.
Một trong những người có công lớn đối với triều đại nhà Trần không ai khác hơn là Trần Thái Tông. Ông là vị vua đầu tiên và cũng là người đã đặt nền móng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời để sau này Trần Nhân Tông là người phát triển đến tột bậc. Trần Thái Tông viết nhiều tác phẩm nhưng trong đó Khóa Hư Lục là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đến nỗi người đời còn gọi nó là Khóa Hư Kinh. Theo tư tưởng Phật tại lòng cũng như qua hình ảnh sắc thân, Trần Thái Tông đã cho ta thấy rất rõ về hình ảnh con người qua bài “Phổ thuyết sắc thân” và khuyến cáo mọi người nên nhận chân rõ về cái hữu hạn của sắc thân và cái vô hạn của tình yêu. Ông cho rằng sắc thân thì mong manh dễ vỡ, dễ mất đi còn tình yêu thì vô hạn vĩnh cửu. Chính vì vậy mà người viết đã chọn đề tài: “Giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật bài Phổ thuyết sắc thân trong tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông”.
Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ xin đề cập sơ lược tiểu sử của Trần Thái Tông, giới thiệu đôi nét về bài Phổ thuyết sắc thân trong Khóa Hư Lục, bên cạnh đó sẽ bàn sâu về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Với phương pháp nghiên cứu những tài liệu sẵn có của các bậc tiền bối cùng với những bài viết đề cập đến thân thế của Trần Thái Tông cũng như bài viết về Phổ thuyết sắc thân, người viết sẽ phân tích những dữ liệu trong tác phẩm cùng với sự nhận xét đánh giá xung quanh nội dung tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật để thấy được cái hay cũng như cái chân thật của tác phẩm này một cách khách quan nhất.
NỘI DUNG
1. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ – TÁC PHẨM
1.1. Tiểu sử Trần Thái Tông
Trần Thái Tông sinh ngày 17 tháng 7 năm 1218, tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh), nguyên tên thật là Trần Bồ, sau đổi thành Trần Cảnh. Ông là vị vua đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi hơn 32 năm (1225 - 1258), làm Thái thượng hoàng 19 năm.
Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa. Khi ông sinh ra, họ Trần đã nắm quyền thao túng triều chính nhà Lý. Bấy giờ chú họ ông là Trần Thủ Độ giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ trong triều Lý. Bố của ông cũng từng làm Nội thị khán thủ, một chức quan đứng đầu các quan hầu cận của vua nhà Lý. Năm ông lên 6 tuổi, do sự sắp đặt của người chú họ đã đưa ông vào cung hầu hạ nữ vương Lý Chiêu Hoàng. Do sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, sau đó ông cưới Lý Chiêu Hoàng khi ấy mới 7 tuổi. Cuối năm 1225, Trần Thủ Độ ép nữ hoàng nhà Lý nhường ngôi cho ông, khi đó ông vừa tròn 8 tuổi.
Tuy nhiên, mãi đến năm 20 tuổi, Trần Cảnh (bấy giờ là Trần Thái Tông) và Chiêu Hoàng chưa có thái tử nối ngôi. Trước tình thế này, thái sư Trần Thủ Độ đã bày mưu sắp đặt cho Trần Thái Tông cưới chị dâu của mình là Thuận Thiên (vợ Trần Liễu) lúc ấy đang mang thai 3 tháng và giáng Chiêu Hoàng làm công chúa, gây sự bất hòa trong mối quan hệ anh em giữa Trần Liễu với Trần Thái Tông.
Tình cảnh éo le, cay đắng, nhưng uy thế của Trần Thủ Độ quá lớn khiến Trần Thái Tông không thể chống lại mặc dù vô cùng bất mãn. Do đó, ông quyết định từ bỏ hoàng cung, nửa đêm lặng lẽ vượt thành đến núi Yên Tử cầu xuất gia với quốc sư Trúc Lâm. Trần Thủ Độ hay tin, lệnh cho quan lại và triều thần đến núi Yên Tử đón Thái Tông về triều để lo việc nước, bằng không vua ở đâu thì cung điện và quần thần tại đó. Không còn cách nào hơn, Trần Thái Tông đành về lại hoàng thành với lời khuyên của Quốc sư Trúc Lâm: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng, tuệ hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm Phật cực khổ ở bên ngoài. Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Chỉ mong bệ hạ đừng xao lãng việc nghiên cứu Phật học.”[1]
Sau khi về cung, Trần Thái Tông chuyên cần học tập và trị nước chăn dân, Ông tinh thông cả Nho, Lão và Phật học, thường cùng các bậc kỳ túc trong rừng thiền như thiền sư Đại Đăng, Ứng Thuận, Thiên Phong,… đàm luận đạo lý và tâm giải thoát. Ông là người có công rất lớn trong việc ổn định lại trật tự xã hội sau thời Lý suy kiệt, đồng thời đặt nền móng cho chế độ học tập thi cử Việt Nam, sửa chữa đê điều, “vua là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể mở nghiệp, truyền sau, đặt rường giăng mối, chế độ nhà Trần tất đẹp.” [2] Không những thế, ông còn là người trực tiếp lãnh đạo toàn dân đứng lên đánh đuổi giặc Mông Cổ xâm lược vào năm 1257 – 1258, đích thân tham gia nhiều mặt trận quan trọng, để giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc chiến đấu vệ quốc đầy oai hùng của dân tộc.
Sinh thời, Trần Thái Tông sáng tác nhiều thơ văn, kệ đạo, chú giải một số kinh điển quan trọng. Ông là nhà văn, nhà thơ lớn chuyên suy niệm về vấn đề sanh tử và giải thoát con người, là thiền gia nổi tiếng đặt nền móng cho sự ra đời của Phật giáo nhất tông thời Trần, để Thiền Phái Trúc Lâm sau này rực sáng mãi cho tới ngày nay.
Trong thời gian ở ngôi, Trần Thái Tông đã 3 lần đổi niên hiệu: Kiến Trung (1225-1232), Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250) và Nguyên Phong (1251-1258).
Sau khi lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông thành công, ông truyền ngôi cho con trai là Thái tử Trần Hoảng (tức vua Trần Thánh Tông). Truyền ngôi được 19 năm, ông qua đời ngày 4 tháng 5 năm 1277, hưởng thọ 60 tuổi.
Ngày nay ở Hà Nội có phố mang tên Trần Thái Tông ở quận Cầu Giấy. Tại thành phố Nam Định cũng có phố mang tên ông.
1.2. Đôi nét về tác phẩm Phổ thuyết sắc thân trong Khóa Hư Lục
Trần Thái Tông là một tác gia lớn, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm bất hủ. Theo Thánh Đăng Ngữ Lục thì tác phẩm của Trần Thái Tông gồm: Văn Tập 1 quyển, Chỉ Nam Ca 1 quyển, Thiền Tông Khóa Hư 10 quyển. Sau này các sách trên được tập hợp thành Khóa Hư Lục gồm: Thiền Tông Chỉ Nam Tự, Kim Cang Tam Muội Kinh Tự, Bình Đẳng Sám Hối Văn Tự, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi Tự.
Theo Giáo sư Lê Mạnh Thác trong Trần Thái Tông toàn tập nhận xét“chính nhà vua cùng với những người khác đã đặt nền móng và mở đầu cho nền văn học Việt Nam, có vai trò rất lớn trong việc phát triển về sau của nền văn học dân tộc” [3]
Bài “Phổ thuyết sắc thân” là một trong những tác phẩm nằm trong “Khóa Hư Lục” của ông. Qua bài “phổ thuyết sắc thân” ta thấy tác giả đã tự tìm thân phận con người, tìm bản lai diện mục con người và nói đến sự hóa hiện tình yêu của con người. Ông cho rằng thân phận thì hữu hạn, luôn mong manh, ẩn chứa triết lý vô thường. Tình yêu thì vô hạn, vô lượng, bền vững. Đó là cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc con người, chất chứa mầm sống con người. Vì thế, thân phận và tình yêu là hai mặt, nó tưởng chừng như hai phạm trù đối lập có một hoàn cảnh nhất định. Đây là hai chủ đề lớn mà bất cứ nền văn học nào từ cổ chí kim đều đề cập. Vì đây là một cuộc hành trình, nếu không có thân phận thì không có tình yêu và ngược lại. Cho nên, đây là hai mặt của một vấn đề.
Trong lịch sử tiến hóa con người không bao giờ chịu sự an bài thân phận hữu hạn, luôn khát khao biến cái hữu hạn thành vô hạn. Hay nói một cách khác, con người không chịu bó hẹp trong khuôn khổ hữu hạn. để không chấp nhận thân phận hẩm hiu này, con người vượt thoát nó bằng cách tu tập giải thoát.
Đoạn đầu: Mô tả thế giới thật của hình ảnh con người, đó là thật chất sắc thân, do năm uẩn hợp thành, nên giả tạm.
Đoạn hai: Nói về sự hệ lụy của con người qua hình ảnh sắc thân. Sắc thân là quá trình vận động của con người với cuộc sống. Hay nói cách khác, sắc thân là …xuất phát từ tham muốn của con người, mà nghiệp nhân và nghiệp quả do ta tạo lấy.
Trần Thái Tông xuất phát từ con tim đi đến con tim, con tim luôn rung động theo nhịp đập của mọi người. Con người là hình ảnh có thật, chúng hiển bày qua sắc thân giả hợp, nên càng chuốt lấy khổ đau bao nhiêu, con người luôn phải chịu nhiều áp lực, không kiểm soát được bản thân nên hệ lụy, nghiệp quả phải thọ khổ. Triết lý sống ẩn tàng trước triết lý vô thường hết sức vận động. Trần Thái Tông gọi là triết lý sống ngậm ngùi. Thực chất nó đứng vào thời điểm vận hành của lịch sử thay đổi triều đại từ Lê đến Lý rồi sang Trần. Thực chất, trong Đại Tạng Kinh ở thế kỷ I con người đã tiếp nhận quá trình chan hòa, con người tương quan với thế giới trần gian và ngay cả thế giới đọa lạc, địa ngục.
Đoạn 3: Nói đến sự giải phóng thân phận để hướng đến tình yêu vô hạn. Quá trình chuyển hóa thân phận con người từ thân phận hữu hạn đến tình yêu vô hạn.
Thân phận con người tùy theo nghiệp quả của chính con người tạo ra. Sắc thân kia do đâu mà có? Do tinh cha huyết mẹ và nhiều nhân duyên tạo thành thân ngũ uấn. Sắc thân ấy bao gồm thân phận và tình yêu.
Tác phẩm ra đời khoảng thời gian sau khi Trần Thái Tông bức xúc chuyện triều chính và cả chuyện phòng the, Ông liền bỏ lên núi xuất gia làm Phật. Tuy nhiên, Ông vẫn không được toại ý…nên quay về vừa làm vua vừa làm thiền sư. Vì Trần Thái Tông đã nhận ra được rằng: “sơn bổn vô Phật duy tồn hồ tâm, tâm tịch nhi tri thị danh chân Phật” [4] (trong núi vốn không có Phật tánh, chỉ tồn tại ở trong tâm người ta. Tâm yên lặng mà thấu biết thì gọi tên là Phật chân thật). Vì thế, khi về cung ngoài thời gian việc nước ra Ông còn nghiên cứu kinh điển và tham vấn các vị thiền sư. Sau khi truyền ngôi cho con lên làm Thái Thượng Hoàng thì Ông có nhiều thời gian nghiên cứu kinh điển hơn nữa. Ông chiêm nghiệm về thân phận con người và sự chiêm nghiệm về bi kịch của cuộc đời ông cũng như về thân phận chung của con người nên ông viết bài “Phổ thuyết sắc thân”[5]. Bài này thuộc thể loại luận thuyết trong hệ thống văn học Phật giáo thời Lý-Trần.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoài các tác phẩm trên, Trần Thái Tông còn viết: bài Minh dạy các hoàng tử về đạo trung – hiếu – hòa – tốn – ôn – lương – cung – kiện vào năm 1251, Triều Đình Thông Quán 20 quyển (năm 1264), Trần Thái Tông Ngữ Tập (năm 1226).
2. CHÁNH VĂN TÁC PHẨM PHỔ THUYẾT SẮC THÂN
2.1. Nguyên văn chữ Hán (có bản chép tay đính kèm)
2.2. Phiên âm
Phổ thuyết sắc thân
Chư nhân đẳng, thân vi khổ bản, chất thị nghiệp nhân. Nhược tự dĩ thử vi chân, dã thị nhận tặc tác tử.
Nhĩ khả tử tế khan lai, chỉ giá sắc thân vị nhập bào thai chi nhật, na xứ đắc hữu? Cái do niệm khởi duyên hội, ngũ uẩn hợp thành, thể mạo vọng sinh, hình dung giả xuất, vong chân vong bản, hiện ngụy hiện hư. Hoặc nữ hoặc nam, hoặc nghiên hoặc xú, tận thị túng tâm phóng khứ, đô vô thoái bộ hồi qui, khu trì sinh tử lộ đầu, thất khước bản lai diện mục. Do thị cung mâu ngoại nhận, thùy tri cố thủ nội khan. Lai thời sinh thị hóa sinh, đáo xứ mộng trung thuyết mộng. Ba ba lục lục, dịch dịch thông thông; dĩ huyễn vi chân, bội không xu sắc, khô lâu thược tháp hoa trâm ngọc; xú bì đại đới xạ huân lan. Tiển la ỷ khỏa nùng huyết nẵng, điều diên hoa ngự thỉ niệu thung. Như tư ngoại sức, chung thị uế căn. Bất năng giá lý tự tàm; phản hướng cá trung trước ái.
Chư nhân đẳng! Đại tợi cơ quan khối lỗi, toàn bằng ti tuyến khiên trừu; lộng lai lộng khứ dữ sinh đồng, phóng hậu thu thời chân tử dạng. Tự khởi vạn ban kế hiệu, đô duyên lục tặc giao công; bất ưu lão bệnh tử lai, quản tham tửu sắc tài khứ. Đồ cạnh dăng đầu oa giác, cam vi lợi tỏa danh cương. Nhật gian phí tận hãnh cầu, dạ lý phiên thành mộng tưởng. Tích đắc nghiệp cấu như tỉnh, bất tri mấn phát tợ sương. Nhất triêu hoạn nhiễm trầm kha, bách tuế chung qui đại mộng. Tâm can đổng thống, phản nhược oan thù; cơ thể suy vi chân như ngạ quỉ. Thượng dục kỳ thân đảo mệnh, bất tri sát vật thương sinh. Tương kỳ nhất thế đẳng trường tùng, bất giác tứ chi chân lậu ốc. Hồn phách tuy qui quỉ giới, thi hài do ủy nhân gian. Phát mao trảo xỉ vị cập tiêu, thế thóa tân dịch tiên bính xuất. Hủ lạn tắc lưu nùng lưu huyết; ô uế tắc huân địa huân thiên. Bão hắc bất kham quan, ứ thanh chân khả ố. Bất luận bần phú, đồng nhập tử vong. Hoặc tàng ư thất tắc trùng xuất hủ sinh, hoặc khí ư lộ tắc nha xan khuyển thực. Thế nhân giai yểm tị nhi quá, hiếu tử phản lũy ly dĩ tàng; thập cốt thâu hài, yểm cách mai tủy. Quan liệm phó nhất tinh dã hỏa, thổ đôi táng vạn lý hoang sơn. Tích thời lục mấn chu nhan; kim nhật thanh khôi bạch cốt. Lệ vũ sái thời vân thảm thảm, bi phong động xứ nguyệt vi vi. Dạ lan tắc quỉ khốc thần sầu, tuế cửu tắc ngưu tàn mã tiễn. Huỳnh hỏa chiếu khai thanh thảo lý, cung thanh ngâm đoạn bạch dương sao. Bi minh bán một tỏa thanh đài, tiều mục đạp xuyên thành khê kính. Nhậm thị văn chương cái thế, túng nhiêu tài mạo khuynh thành. Đáo đầu khởi hữu dị đồ, triệt để dã đồng nhất trước. Nhãn bị sắc khiên qui kiếm thụ, nhĩ tùy thanh dẫn thượng đao sơn. Tị đầu khứu trước xú yên tinh, thiệt lý khiết lai thiết hoàn nhiệt. Thân khiếp dương đồng câu quán khái; ý toan hỏa hoạch mỗi ngao tiên. Nhân gian lịch tận bách xuân thu, ngục nội phương vi nhất trú dạ.
Nhược thị tác gia cụ nhãn, trực tu tảo cấp hồi quan. Phiên thân khiêu xuất tử sinh khòa; đàn chỉ liệt khai ân ái võng. Túng nhĩ nam, túng nhĩ nữ tổng thị kham tu; nhậm cừ trí nhậm cừ ngu tận giai hữu phận. Nhược vị đạt Phật tâm tổ ý, thả tiên bằng trì giới niệm kinh; cập Phật diệc phi, Tổ diệc phi tắc giới hà trì kinh hà niệm. Cư huyễn sắc diệc danh chân sắc, xử phàm thân dã thị pháp thân; phá lục tặc vi lục thần thông, du bát khổ tác bát tự tại. Tuy ngôn nhậm ma nhi nhân nhân ký nhập giá sắc thân lý, khứ dã thị nan nan.
Chư nhân đẳng ! Chỉ giá sắc thân, hựu tác thập ma sinh thoát dã? Nhược vị năng thoát tu lai thính thủ.
Kệ viết:
Vô vị chân nhân xích nhục đoàn
Hồng hồng bạch bạch mạc tương man
Thùy tri vân quyện, trường không tịnh
Thúy lộ thiên biên, nhất dạng san.
2.3. Dịch nghĩa:
Nói rộng về sắc thân
Hết thảy các người! Thân là gốc khổ, thể chất là nhân nơi nghiệp, nếu tự cho nó là thật, cũng là nhận giặc làm con.
Các ông nên chín chắn xem, chỉ sắc thân này khi chưa vào bào thai thì nơi nào được có. Bởi do niệm khởi duyên hội, năm uẩn hợp thành, thể mạo vọng sanh, hình dung giả có. Quên thật quên gốc, hiện giả hiện dối, hoặc nữ hoặc nam, hoặc đẹp hoặc xấu. Trọn là buông tâm chạy đi, toàn không một bước trở về, chạy rong trên đường sinh tử, mất tuốt “bản lai diện mục”. Do đó, giương mắt nhìn bên ngoài, ai biết xoay đầu ngó lại bên trong. Khi lại, sanh là hóa sanh. Nơi đến, trong mộng nói mộng, lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, lấy giả làm chân, trái không đến sắc. Đầu sọ khô cài hoa giắt ngọc, túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đãy máu tanh, giồi son phấn át thùng phân thúi. Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu.
Hết thảy các người! Giống hệt con rối, đều nhờ sợi tơ kéo rút, đùa đến đùa đi cùng sanh một thứ, sau khi buông đi thật là dáng chết. Tự khởi muôn việc tính toán, đều do lục tặc công phá. Chẳng lo già bệnh chết đến, chỉ thích sắc tài rượu thịt. Luống đua đầu lằng sừng ốc (Đầu lằng sừng ốc: cái lợi nhỏ nhoi.) cam chịu lợi ràng danh buộc. Trọn ngày dồn sức mong cầu, tối lại trở thành mộng tưởng. Chất chứa nghiệp dơ như giếng, chẳng biết tóc bạc như sương. Một hôm bệnh nặng trầm kha, trăm năm trọn về mộng lớn. Tim gan đau đớn dường thể oán thù, thân thể ốm gầy giống như quỉ đói. Còn muốn cầu đảo sống dai, nào biết sát sinh hại mạng. Chỉ mong biết đời sống như tùng bá, đâu ngờ thân thể ví tựa nhà xiêu. Hồn phách tuy về cõi quỉ, thi hài vẫn còn ở nhân gian, tóc lông răng móng chưa kịp tiêu, đàm dãi máu me đều chảy trước. Rữa nát thì máu mủ chảy trào, hôi hám ắt xông trời xông đất, đen nám chẳng dám nhìn, xanh bầm thật đáng tởm. Chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết, hoặc để trong nhà thì giòi đục tửa sinh, hoặc ném ra đường quạ ăn chó xé. Người đời đều bịt mũi đi qua, con hiếu thì lấy chiếu mền quấn giấu. Nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương. Quan quách phó cho đóm lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông. Khi xưa tóc đen má ửng, ngày nay xương trắng tro đen. Khi mưa lệ rơi thì mây sầu thê thảm, lúc gió buồn thổi thì trăng sáng hắt hiu. Đêm vắng thì quỉ khóc thần sầu, năm dài thì ngựa giày trâu đạp. Lửa đom đóm lập lòe trong đám cỏ xanh, tiếng dế ngâm nỉ non cạnh hàng dương liễu. Bia ghi nửa chìm, rêu xanh phủ, tiều phu dậm mãi thành lối mòn. Dầu cho văn chương cái thế, giả sử tài sắc nghiêng thành, chung cuộc đâu có đường khác, cuối cùng cũng chỉ một lối đi. Mắt bị sắc dẫn trèo lên cây kiếm; tai theo tiếng lôi tiến lên núi đao; lỗ mũi ngửi toàn mùi hôi hám; trong lưỡi ăn sắt nóng nuốt hoài; thân khiếp sợ nước đồng sôi nóng dội; ý chua cay vạc dầu sôi nung nấu. Nhân gian trọn một trăm năm, trong địa ngục mới là sáng tối.
Nếu người tác gia đủ mắt, cần phải sớm gấp hồi quang, chuyển thân nhảy khỏi vòng sanh tử, khoảng khảy tay cắt đứt lưới ái ân. Dù là nam hay nữ thảy đều tu được; dẫu rằng trí hay ngu trọn đều có phần. Nếu chưa đạt được Phật tâm, Tổ ý, hãy trước nương trì giới tụng kinh. Đến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, thì giới gì trì, kinh nào tụng. Nơi sắc huyễn cũng là chân sắc, ở thân phàm cũng là thân Phật. Phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ (Tám khổ là: sanh ,lão ,bệnh, tử, cầu chẳng được, thương yêu chia lìa, oán thù chung hội, thân năm ấm hưng thịnh) thành tám tự tại (Tám tự tại: Một thân hiện nhiều thân như số vi trần. - Thân nhiều như vi trần ở khắp các cõi Phật. - Thân lớn của Phật đến các thế giới. - Phật hiện vô số thân. - sáu căn hỗ dụng. - Phật đạt tất cả pháp vẫn như không được. - Phật thuyết pháp tự tại.). Tuy nói thế ấy, mà mỗi người vào trong sắc thân rồi, bỏ đó thật khó thay !
Hết thảy các người! Chỉ sắc thân này lại làm sao giải thoát ? Nếu chưa giải thoát, cần phải nghe đây:
Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
Hồng hồng bạch bạch chớ lầm nhau.
Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh,
Sương biếc bên trời, một núi xanh.
3. NỘI DUNG TƯ TƯỞNG TÁC PHẨM PHỔ THUYẾT SẮC THÂN
3.1. Quan điểm về sắc thân trước và sau thời Trần Thái Tông
Xưa kia, Đức Phật đã từng nói đến vấn đề sắc thân trong các kinh điển Nikaya, đó là sự hình thành từ ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Gọi là ngũ uẩn vì đây là năm yếu tố kết tụ lại mà thành. Năm yếu tố làm ngăn che thánh đạo, nên cũng gọi là ngũ ấm. Con người mãi trôi lăn vào sanh tử luân hồi vì còn tham đắm vào sắc thân này. Trong khi đó, Đức Phật dạy thân này là sự kết hợp của ngũ uẩn, mà sắc uẩn được cấu tạo từ tứ đại là đất, nước, gió và lửa, và bản chất của sắc thân này bao gồm 32 thứ ô uế mà nên. Con người không nhận chân được điều này mà cứ phải chấp trước cho thân này là của ta, rồi cung phụng nó một cách thái quá để muôn kiếp vẫn còn mờ mịt trong luân hồi. Con người mãi chìm đắm trong ngũ dục lạc để nuôi dưỡng thân này nên mới tạo nghiệp để từ đó sinh ra biết bao nhiêu là đau khổ. Bởi thế, trong kinh Tứ niệm xứ, Phật dạy: “Tỳ-kheo quan sát thân này, từ chân đến đảnh tóc, chứa đầy những vật bất tịnh: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, bầy nhầy, bao tử, phổi, lá lách, ruột già, ruột non, phân, óc, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc, mỡ lỏng, nước mắt, nước mũi, nước miếng, nước nhớp, nước tiểu.” [6]
Rõ là như vậy, như điều này ai cũng biết nhưng có bao giờ nghĩ đến đó, chỉ đến khi nghe Phật nói mới sực tỉnh ra thì ra thân đầy ô uế, bẫn thĩu. Chính trong sắc thân ô trược đó mà con người đã tạo biết bao nhiêu nghiệp, cả nghiệp thiện và nghiệp ác. Nếu con người còn có nghiệp thì còn phải chịu sanh tử luân hồi và còn có nghiệp là còn bị đau khổ.
Khổng Tử cũng nói: “Ta khổ vì ta có cái thân này”, đúng vậy vì có cái thân này nên ta mới khổ. Có sắc thân chắc chắn là sẽ tạo nghiệp và tạo nghiệp thì sẽ còn sanh tử mà còn sanh tử thì còn nằm trong vòng luân hồi mà luân hồi thì sẽ đau khổ.
Khi Phật nhập Niết bàn, vấn đề sắc thân này cũng được các vị thánh đệ tử của ngài nhắc đến cũng như các vị tổ sư truyền đạo cũng lấy đó làm kim chỉ nam để giáo huấn cho chúng sanh. Đến khi Phật giáo vào Việt Nam, vấn đề này cũng được các vị thiền sư đề cập đến, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Thị chúng của thiền sư Vạn Hạnh dưới thời nhà Lý. Ông làm bài thơ này để dạy đệ tử đừng chấp vào sắc thân này vì:
“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu não nùng
Biết cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.” [7]
Con người không hiểu được sắc thân này là giả hợp do duyên sanh mà thành, bị chi phối của luật vô thường ‘sớm còn tối mất”. Mới gặp nhau hồi sáng, chiều đã nằm im chỉ còn thay ma, hay sáng còn khỏe mạnh, chiều lại đau yếu. Con người không lường trước được điều gì sẽ xảy ra đối với sắc thân của mình. Nhạc sĩ Giác An trong ca khúc Giã từ huyễn mộng cũng đã viết: “Hôm qua người thân còn thấy nhau nay biệt ly, hôm qua nụ cười tươi đến nay giọt lệ héo, niềm vui sao không mãi lâu dài, sầu đắng mãi vần hoài khổ đau”.[8]
Sắc thân là như vậy, mới ngày nào tóc còn xanh nhưng đến khi giật mình nhìn lại thì: “trước mắt việc đi mãi,trên đầu già lắm rồi”[9], mà thiền sư Mãn Giác trong bài thơ Cáo tật thị chúng đã nhận định.
Trong dòng chảy vô tận của thời gian, sắc thân con người cũng chỉ là giọt sương trên ngọn cỏ, khi mặt trời ló rạng giọt sương tan biến vào hư vô mất dạng. Đời người cũng thế vô thường tựa một cánh hoa phù dung sớm nở tối tàn, như cánh bèo giữa dòng nước xoáy, như chiếc lá giữa cơn lốc cuộc đời. Sắc thân này quả thật là mong manh, mong manh đến không ngờ, như ánh chớp khi trời giống tố lóe lên rồi vụt tắt, như cây cỏ mùa xuân thì xanh tươi nhưng khi thu đến đã vội úa tàn. Đời người như giấc mộng mà thôi, có gì đâu mà vui, mà đeo đuổi những cuộc thịnh suy của danh lợi sắc tài. Thiền sư Vạn Hạnh đã liễu đạt được lẽ đó nên ngài an nhiên tự tại trước những cảnh thịnh suy của cuộc đời vì ông đã sống trong pháp thân thanh tịnh chứ không phải sống trong huyễn thân vô thường này.
Theo thiền sư Đạo Huệ, sắc thân chính là bản thể thường nhiên:
“Sắc thân cùng diệu thể
Chẳng hợp chẳng lìa xa
Nếu ai muốn rõ biết
Trong lò một cành hoa.”
Diệu thể chính là chân tâm hay bản lai diện mục của mỗi người, nó luôn hằng hữu và không hề thay đổi, chỉ có con người mê muội không cảm nhận được nó đang hiện hữu mà thôi. Chính vì không nhận chân được điều ấy nên con người cứ mãi tìm kiếm hạnh phúc ở ngoài tự thân. Ở đây ngài Đạo Huệ đã chỉ rõ nếu ai muốn biết rõ diệu thể đó là như thế nào thì hãy nhìn vào trong lò lửa sẽ thấy có một cành hoa đỏ thắm đang nở rộ. Cành hoa tượng trưng cho cái vĩnh hằng còn lò lửa chỉ cho sự giả tạm. Trong cái giả tạm đó ta vẫn bắt gặp cái vĩnh hằng nếu ta nhận chân được hiện thực của cuộc sống.
Trong tác phẩm Chứng Đạo Ca thì Thiền sư Huyền Giác cũng nói rằng tánh thật vô minh tức tánh Phật, thân không huyễn hóa tức pháp thân. Thật vậy, nếu thân này mà không phải là thân huyễn hóa ấy chính là pháp thân thường trụ. Pháp thân ấy sẽ bất di bất dịch, không sanh tử, không đau khổ, không luân hồi. Pháp thân đó sẽ mãi trường tồn với thời gian, bất biến với không gian và hòa hợp cùng đại thể.
Với tư tưởng của Đức Phật cũng như chư tổ từ xưa đến nay đều có chung một chủ trương là muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi khổ đau là không chấp trước vào sắc thân này nhưng sự giác ngộ lại nằm ở việc tu tập từ sắc thân này mà nên. Chính vì vậy mà Phật đã vạch ra con đường trung đạo ấy là không cung phụng sắc thân một cách thái quá và ép xác khổ hạnh cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Cái chính ở đây là biết rõ thân mình để mà tỉnh giác trong từng phút giây hiện tại. Nếu còn tham đắm, chấp trước vào sắc thân này như vậy ta chẳng phải là kẻ mê mờ đó sao.
3.2. Quan điểm về sắc thân của Trần Thái Tông
Cùng với quan điểm với Đức Phật cũng như chư vị tiền bối, trong tác phẩm Phổ thuyết sắc thân, Trần Thái Tông cũng đã nói rõ sắc thân này là giả hợp, nếu ta lầm chấp thân là thật thì đó chính là gốc của khổ đau, chẳng khác gì nhận giặc làm con.
Trần Nhân Tông đã khuyến hóa mọi người rằng tấm thân này chỉ là huyễn hóa, do sự kết tụ của năm uẩn mà thành cho nên nó là giả hợp không thật có, luôn luôn biến đổi, sanh diệt không ngừng: “các người hãy xem lại cho tường, sắc thân kia, khi chưa vào bào thai thì do đâu mà có? Ấy là do niệm nhóm, duyên tụ, năm uẩn hợp thành. Dáng vóc lầm sinh, hình dung giả lộ”[10]. Sự hiễn hữu của thân còn do nghiệp lực của vô lượng kiếp tạo nên, khi chưa vào bào thai thân này chẳng biết nương giá vào đâu, phải chăng chỉ là cát bụi ở một nơi nào đó. Khi nghiệp lực tái sanh là do tinh cha huyết mẹ cùng với “hương ấm” mà tạo thành. Phải chăng sắc thân này là một sự vay mượn chứ không thật là của ta. Trong bài Cảnh Sách của Tổ Quy Sơn mở đầu bằng: “Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy, bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành, tuy nãi tứ đại phò trì, thường tương vi bội…”[11]. Với tuệ giác của Phật, người hành giả học và tu Phật nhìn thân tâm này chỉ là sự vay mượn từ ba nguồn cơ bản: Gia tài nghiệp của nhiều đời, di thể của cha mẹ và các điều kiện thiết yếu cho sự trưởng thành sinh hóa mà nhà Phật gọi là: “Giả chúng duyên nhi cộng thành”.[12]
Trần Nhân Tông đã nói lên nỗi khổ của một kiếp người phải trải qua sanh, lão, bệnh, tử. Đó là định luật của vô thường không một ai thoát khỏi tuy nhiên có người mới sinh ra thì đã chết, có người còn bị chết trong khi mới thành hình trong bào thai, có người sinh ra theo thời gian già rồi bệnh rồi chết. Kiếp người chỉ vọn vẹn nhiêu đó, nhưng cái lâu dài là sự chịu đựng đau khổ tột cùng, nỗi khổ này đè nặng lên nỗi khổ khác, đến nỗi con người sống trong nỗi lo sợ nhất là sợ khổ. Nhưng không một ai cuộc sống này thoát khỏi nỗi khổ đó chỉ trừ chư Phật và các vị A la hán đã chứng ngộ Niết bàn thoát khỏi ba cõi không còn bị sanh tử ràng buột thì mới hết khổ. Vậy thì chúng ta công nhận với nhau một điều là còn có sự sống là còn khổ. Nhưng bù lại mỗi con người ai cũng có Phật tánh bên trong có thể tu tập để thoát khỏi khổ đau.
Đức Phật dạy: “Con người vốn có Phật Tính và có khả năng thành Phật”. Có điều là con người có biết phám khá cái Phật tính đó hay không. Nếu khéo tu bằng những việc phước thiện thì Phật tính ấy sẽ hiện lộ còn ngược lại nếu chỉ làm những nghiệp ác thì Phật tính ấy bị che mờ đi. Như vậy ranh giới giữa mê và ngộ chỉ nằm trong gang tất khi sự suy nghĩ, hành động và lời nói của con người có thiện hay không mà thôi.
Đáng tiếc là cái Phật tính đó lại nằm trong sắc thân chứ, mà con người lại không để ý đến Phật tính mà chỉ yêu chuộng sắc thân để đến nỗi phải trầm luân khổ ải. Trần Thái Tông nói lên một sự thật rất phủ phàng về sắc thân được kết tinh bởi tứ đại. Cái sắc thân đó mà Đức Phật đã thường gọi là cái đãy da hôi thối, nhìn bề ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong lại chứa đầy những thứ nhơ uế chẳng khác nào một thùng phân thối: “Đầu sọ khô cài hoa giắt ngọc, túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đãy máu tanh, giồi son phấn át thùng phân thối. Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu.”[13] Thế mà con người đâu có nhìn ra sự thật lại còn tô điểm cho nó bao nhiêu là thứ lụa là, trâm cài lược giắt, nuôi dưỡng nó bằng bao nhiêu sinh mạng của sinh vật khác, tham đắm thất tình lục dục, chìm lặng trong bể ái sông mê để đến nỗi tự ràng buột mình vào oan trái. Con người cứ mãi mê làm khách phong trần không nghĩ đến ngày trở về quê hương để tìm lại một khoảng trời tươi đẹp:
“Mũi lưỡi tham hương say đắm vị
Mắt tai ưa sắc chuộng âm thanh
Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày mỗi xa quê vạn dặm trường.” [14]
Đọc những câu thơ trên ta thấy Trần Thái Tông đã thương cho thân phận kiếp người hay là đang cảnh tỉnh chúng sanh. Bởi vì chúng sanh còn mãi mê trong bóng tối. Khi còn trẻ cứ mãi làm lụng vất vả không có thời gian đâu mà tu hành đến khi già muốn tu tập cũng không còn đủ sức để mà tu:“một mai mắc phải bệnh nguy, trăm năm trở thành giấc mộng. Tâm can đau đớn, lại tựa oán thù, da thịt suy vi, hệt như ngạ quỷ.” [15] Phải nói rằng “lực bất tòng tâm” lòng thì muốn nhưng sức khỏe không cho phép cứ như vậy mà nằm đó đau đớn rên la với những trận đau của lục phủ ngũ tạng. Trong khi đó cái chết lại đến từng ngày như cá thiếu nước mà khi nhắm mắt chẳng biết nghiệp lực đưa đẩy đến đâu. Trong Quy Sơn cảnh sách của tổ Quy Sơn cũng đã dạy: “Đường trước mịt mờ chẳng biết về đâu, đến lúc khát nước mới chịu đào giếng thử hỏi làm sao cho kịp?”
Đến lúc này muốn tu hành cũng chẳng được nữa, thế mới hay cái chết không đnág sợ mà sợ nhất là khi sống không biết tu. Quỷ vô thường chẳng nể một ai, khi chết cứ theo nghiệp lực mà tái sanh vào vòng luân hồi. Thương thay những giết tăng, phá tượng, bất hiếu với mẹ cha phải tái sanh vào địa ngục chịu trăm ngàn nhục hình muôn kiếp không tái sanh. Thương thay cho những kẻ khi sống tham lam bỏn xẻn vơ vét của cải, chiếm đoạt tài sản của người khác để khi chết phải tái sanh làm ngạ quỷ chịu muôn kiếp đói khác. Thương thay cho những kẻ ngu si, tà kiến để khi chết lại phải tái sanh thành những loài súc sanh. Phần hồn đã bị nghiệp lực cuốn đi nhưng thân xác còn ở trần gian thì thật ghê gớm. Trần Thái Tông diễn tả:“tóc lông răng móng chưa hao mòn, nhớt dãi bọt hơi đà tuôn chảy. Thối nát thì trôi máu trôi mủ, ô uế thì xông đất xông trời. Đen xạm chẳng dám nhìn, tím xanh thật dễ sợ.” [16]
Thật thương thay cho thân phận kiếp người, mới ngày nào còn điểm phấn, tô son, quần là, áo lụa, trăm cài lược giắt vậy mà khi chết đi chỉ là một cái xác không hồn. Phần xác còn lại cũng phụ thuộc vào những người thân trên dương gian lo liệu: “hoặc quàn trong nhà thời trùng đẻ dòi sinh, hoặc bỏ ra đường thời chó nhai quạ rỉa.” [17] hôi thối chẳng ai dám đến gần nếu để lâu ngày. Như mỹ nhân sinh đẹp một thời đến lúc chết cũng chỉ là một xác thân bầm tím xạm đem, bao nhiêu máu mủ xông lên trở nên hôi thối. Đó là một điều có vẻ hơi phủ phàng nhưng lại là sự thật, và con người kết cục cũng đến cái cảnh đó mà thôi. Đó là chân lý nhưng chân lý này sao nghe buồn thảm quá. Cái chết không chừa một ai:“dù người văn chương cái thế, hay kẻ tài sắc khuynh thành. Đến kỳ đâu có khác đường, rốt cuộc cùng chung một nẻo.”[18]
Thế mới hay thân thể vô thường, bao nhiêu mộng mị trả về khói sương. Lúc đó theo nghiệp lên đường mà tái sanh trong vòng lục đạo. Tiếc rằng lúc trẻ không tu để ngày nay chết xuống mồ hoang hiu quạnh, xác thân rả nát, hồn phách tiêu điều, sớm tối đìu hiu, nhang tàn khói lạnh. Bao nhiêu của cải để lại trần gian, một mình một bóng hoang tàn đi theo nghiệp lực. May mắn cho ai siêng tu thì khéo chống mà rũi ro cho ai vụng tu thì khó chày.
Bằng con mắt tuệ quán của một thiền gia, Trần Thái Tông đã nói lên một sự thật về sắc thân chứ không phải bi quan mà nói như vậy. Con người phải biết chấp nhận sự thật dù sự thật hơi phủ phàng, thà biết được sự thật để mà sống và có phương pháp để giải quyết còn hơn là sống trong sự giả tạo để trôi lăn trong đau khổ. Trong kinh Tứ niệm xứ, Phật dạy các tỳ kheo quán thân này bất tịnh, vô thường không chấp trước, ấy vậy mà có các tỳ kheo lại hiểu sai lời Phật mà nhàm chán cái thân này để kết cục dẫn đến quyên sinh. Dẫu biết là thân này là giả tạm, không thật, là vô thường, sinh diệt nhưng nó vẫn là một phương tiện rất có ít để ta nương theo trong quá trình tu tập đạo giải thoát, chứng ngộ pháp thân.
Đây là mục đích chính của Trần Thái Tông khi viết Phổ thuyết sắc thân là khuyên lơn con người nhận chân được sự giả tạm, vô thường của sắc thân, không cung phụng cho sắc thân này quá nhiều để rồi chạy theo ngũ dục, hãy tỉnh ngộ để mà tu tập mong thoát khỏi bể khổ trầm luân vì kiếp người quả thật rất ngắn ngủi:
“Công danh phú quý màn sương sớm
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài
Chẳng rõ bản lai vô nhất vật
Công lao uổng phí một đời ai”[19]
Quả thật sắc thân này là hữu hạn, ẩn chứa những mầm móng tội lỗi, chịu tác động bởi luật vô thường, bị nghiệp lực lôi kéo. Nói chung còn có thân là ta còn sẽ khổ đau, chỉ khi nào ta thật sự chứng đạt Vô dư y Niết bàn thì mới thoát khỏi sanh tử, để đạt được như vậy con người phải tìm đến những phương pháp tu tập hay nói cách khác là con đường tu tập đưa đến bến bờ giác ngộ.
3.3. Quan điểm của Trần Thái Tông về sự tu tập là nương Sắc thân liễu đạt Pháp thân
Trong đoạn đầu của tác phẩm, Trần Thái Tông đã nói rõ một sự thật về sắc thân thì trong đoạn sau ông lại đưa ra con đường tu tập để đạt đến pháp thân không gì khác hơn cũng chính từ huyễn thân này là phương tiện.
Sắc thân là huyễn mộng, là hữu hạn trong vô thường với sinh lão bện tử, với bao nhiêu hệ lụy của trần ai, nhưng từ sắc huyễn đó nếu biết tu tập: “Dù là nam hay nữ thảy đều tu được; dẫu rằng trí hay ngu trọn đều có phần. Nếu chưa đạt được Phật tâm, Tổ ý, hãy trước nương trì giới tụng kinh. Đến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, thì giới gì trì, kinh nào tụng. Nơi sắc huyễn cũng là chân sắc, ở thân phàm cũng là thân Phật.”
Trần Thái Tông cho biết tất cả mọi người đều có thể tu tập, có thể liễu ngộ được chân lý nhiệm mầu mà Đức Phật đã chứng đạt được. Dù là người trí hay kẻ ngu si ám độn miễn sao có long hướng thượng là được. Cũng từ sắc thân huyễn ngày con người sẽ chuyển hóa nó bằng sự hành trì theo từng căn cơ của mỗi người. Trước hết cứ trì giới, tụng kinh theo từng theo trình độ hiểu biết của mỗi người miễn sao thấy mình hợp với pháp môn mà mình tu tập là được. Nếu ai biết tu tỉnh thì sẽ thoát khỏi chuỗi khổ đau hệ phược, thể nhập pháp thân bất diệt. Pháp thân ấy là vô hạn, không bị giới hạn bởi hai mặt đối đãi, siêu việt hữu vô, vượt ngoài sanh tử, chẳng một cũng chẳng khác, chẳng đến cũng chẳng đi, xưa nay một thể rỗng lặng thường nhiên. Tuy rỗng rang mà hằng biết, tuy lặng lẽ mà thường tri. Đó chính là đích đến cuối cùng mà người tu thiền hướng tới.
Sự tu hành phải đi đúng con đường trung đọa tránh gặp phải hai cực đoan là không cũng phụng thân này quá múc và cũng không ép xác khổ hạnh. Cả hai cực đoan đó không mang lại một kết quả khả quan nào trên bước đường tu tập. Cho nên người hành giả muốn đạt được pháp thân trước hết không bám víu hay vướng mắt vào sắc thân này hoặc nói cách khác là không chấp trước thân này là ta, là của ta, thứ hai là xem thân này như một phương tiện để tu tập như dung chiếc bè để qua sông mà thôi. Trần Thái Tông đã chỉ rõ con đường trung đạo là nương vào sắc thân để chúng đạt pháp thân. Với tư tưởng đó, dù con người có sống trong đời sống ô trược này cũng không bị nhiễm ô như hoa sen trong đầm dù gần bùn nhưng lúc nào cũng tỏa hương ngào ngạt:
“Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi
Bùn nhơ không nhiễm sắc thân tươi
Thân ngay ngó rỗng gương đầy hạt
Ấy lý tu hành cũng thế thôi.” [20]
Xét về lý mà tu hành quả thật là đơn giản:“Ở huyễn sắc cũng gọi chân sắc, chỗ phàm thân cũng tựa pháp thân”, nhưng còn thực hành một cách rốt ráo thì khó biết bao nhiêu. Thế mới hay lý thuyết và thực hành cách nhau cả trời cả vực. Dẫu biết rằng sự giác ngộ nằm ở phàm thân nếu lìa phàm thân mà cầu chân tâm giải thoát thì không thể có. Thiền sư Phổ Chiếu cũng dạy: “tâm nào tìm chi cho xa, đâu có lìa thân này. Sắc thân là giả, có sanh có diệt. Chân tâm như hư không, chẳng đoạn chẳng biến. Cho nên nói: hài cốt vỡ tan trở về lửa gió, một vật trường linh che trùm trời đất” [21] hay qua lời dạy của ni sư Liễu Nhiên thì Pháp thân cũng bắt nguồn từ tấm thân ngũ uẩn này nếu khóe biết xa lìa ngũ trần lục dục thì có thể chứng đạt chân như:
“Trên đầu núi Năm uẩn là ngôi nhà Phật xưa
Phật pháp thân đêm ngày hằng phóng hào quang ra sáu cửa
Nếu người khéo ở nơi đây không khởi tâm phân biệt
Tức là Hoa Nghiêm (Pháp thân) khắp cả mười phương.” [22]
Sự giác ngộ chẳng nằm ở đâu xa xôi khi mỗi người có sẵn hạt châu trong chéo áo. Có điều là có biết sử dụng hạt châu ấy đúng lúc đúng nơi hay không. Cũng vậy, Phật ở trong ta chứ không ở đâu xa xôi, dù cho có kiếm tìm bên ngoài thì Phật cũng không hiện hữu: “Nếu nói ngoài tâm có Phật, ngoài tánh có Pháp, chấp cứng tình này, muốn cầu Phật đạo dù trải qua số kiếp như vi trần, đốt thân chặt tay đập xương ra tủy, chích máu viết kinh, ngồi mãi không nằm ngày ăn một bữa, cho đến đọc hết một đại tạng kinh, tu muôn ngàn khổ hạnh chẳng khác nào nấu cát làm cơm, chỉ luống tự nhọc.” [23]
Cùng tư tưởng đó kết bài Phổ thuyết sắc thân Trần Thái Tông đã khéo léo tóm gọn trong bốn câu kệ:
“Vô vị chân nhân khối đỏ ngầu
Hồng hồng trắng trắng chớ lòe nhau
Ai hay mây cuốn trời quang đãng
Xanh biếc bạt ngàn rặng núi sâu.” [24]
Chỉ với bốn câu kệ thôi mà Trần Thái Tông đã gói gọn tất cả những gì tinh túy nhất của Phật pháp. Ngài đã sử dụng biện pháp ẩn dụ để nói về những giáo lý của nhà phật. Vô vị chân nhân là tánh giác nơi con người, khối đỏ ngầu tức xác thân ngũ uẩn, mây mù chỉ cho phiền não, bầu trời xanh tượng trưng cho bản thể rỗng lặng nơi mỗi người. Sự tu tập là diệc trừ những phiền não chất chứa từ nơi thân và tâm để đạt được thể tánh trong suốt như pha lê cũng bắt nguồn từ tấm thân ngũ uẩn uế trược này mà chứng ngộ pháp thân. Nói cho cùng cũng là sắc thân ấy khi mê là phàm thân nhưng khi ngộ thì trở thành pháp thân vậy.
Tuy nhiên, con người không phải ai cũng biết được điều ấy. Họ đâu biết rằng sự giác ngộ nằm sẵn ở trong thân tâm của mình cho nên cứ mãi chạy theo những ảo ảnh phù du. Giống như gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa đâu biết rằng trong nhà có báu cứ mãi lang thang làm lụng vất vã mà vẫn không đủ ăn vẫn chưa đủ mặc. Trần Thái Tông biết rõ điều đó nên Ngài khuyên: “ai người thông minh lanh lợi, kíp nên sớm liệu đoái xem, vươn mình nhảy thoát hố tử sanh, búng tay xé toang màn ân ái.”
Biết được điều ấy rồi thì mọi người nên dũng cảm nhảy thoát qua hố sinh tử với sức lực của mình bản thân mình mạnh dạng xé tang màn ân ái. Vì ân ái là gốc sinh tử luân hồi, chính nó đã dẫn dắt chúng sinh bước vào bể khổ mông lung. Khi đã nhận ra điều ấy mà nỗ lực tu tập “Phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ thành tám tự tại.” Lúc đó hành giả ung dung tự tại giữa đời trầm luân mà không cần phải tụng giới trì kinh gì cả. Ngay cả khi hành giả bước vào những nơi trà đình tửu điếm thì ở đó cũng trở thành thanh tịnh đạo tràng. Bởi lẽ pháp thân đó cũng là pháp tánh, nó không tướng, rỗng lặng, không chấp trước, không phân biệt, không có khái niệm đối đãi. Người hành giả sống trong lạc trú của pháp, khi đi đứng nằm ngồi cũng đều tự tại, đi trên nước, vào trong lửa, hóa hiện một thân thành nhiều thân. Nói chung tất cả mọi hành động đều khế hợp với chân như thể tánh như thiền sư Huyền Giác diễn tả trong tác phẩm Chứng Đạo Ca:
“Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền
Nói im động tịnh thảy an nhiên
Phỏng gặp phong đao thường nhẹ hững
Ví nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh”
Muốn đạt được như vậy trước hết con người phải nhìn thấu suốt cuộc đời để thấy cái lõi của đời sống, của sinh tử vô thường. Người đã ngộ có thể dùng con huệ nhãn để nhìn thấy rõ chân thật tướng của vạn pháp. Suy cho cùng sự chứng ngộ nhất thiết phải là điểm đến của cuộc hành trình trải nghiệm đời sống.[25]
Như vậy, sự giác ngộ hay không giác ngộ là tự mỗi bản thân con người, vì tự họ có khả năng giác ngộ. Chính trên cơ sở lý luận ấy mà tư tưởng “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mới có thể xuất hiện. Xuất phát từ một cơ sở lí luận như thế, vua Trần Thái Tông mới viết một loạt các tác phẩm lý luận nhắm đến cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành riêng cho một thành phần ưu đãi nào của xã hội hay Phật giáo. Phổ thuyết sắc thân là vấn đề cần phải nói rộng rãi cho tất cả mọi người để mọi người tỉnh ngộ mà tu tập để trở về với bản tánh chân như hằng hữu của mình.
4. GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TÁC PHẨM “PHỔ THUYẾT SẮC THÂN”
4.1. Thể loại phổ thuyết
Tác phẩm “Phổ Thuyết Sắc Thân” trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông đã khéo dùng thể loại Phổ thuyết. Đây là một thể loại đặc trưng của văn học Phật giáo Thiền tông. Phổ thuyết là một hình thức thuyết giảng của các thiền sư đối với các hội chúng, hay những bài viết về một hay nhiều đề tài mang tính cách chuyên sâu, nói rộng ra và phân tích cho tường tận gốc rễ của vấn đề, nó mang tính giáo lý phổ quát đến với mọi người. Thể loại này có nguồn gốc từ đời Đường (Trung Hoa), đến đời Trần (Việt Nam) thì được Trần Thái Tông vận dụng đưa vào các tác phẩm của mình. Phổ thuyết hay luận thuyết được chia làm 2 loại: luận thuyết chính trị và luận thuyết tôn giáo.
Luận thuyết chính trị là những bài viết bàn về những vấn đề liên quan đến chính trị, phần lớn là ghi lại lời bình của các sử gia đối với vấn đề lịch sử của nước nhà như ta thường gặp trong các bộ sách nói về lịch sử như Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên.
Luận thuyết tôn giáo (hay phổ thuyết) lại nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo với mục đích nói rõ hơn về giáo lý hay triết lý của Phật giáo hay các tôn giáo khác. Loại phổ thuyết này được đã có từ thế kỷ I, II với tác phẩm là Lý Hoặc Luận – Mâu Tử; nhưng đến đời Trần thì hình thức phổ biến rộng rãi trong các tác phẩm văn chương. Ở tác phẩm này Trần Thái Tông đã dùng thể loại phổ thuyết để nói rõ về sắc thân cho mọi người liễu tri một cách chân thật nhất.
4.2. Kết cấu tác phẩm cô động, xúc tích
“Phổ Thuyết Sắc Thân” là một bài văn phổ thuyết được trình bày trong tác phẩm “Khóa Hư Lục”. Bài văn tuy không dài nhưng người đọc vẫn có thể lĩnh hội được những gì Trần Thái Tông nói thông qua nội dung biểu đạt về sắc thân của con người, để từ đó thấu hiểu một cách cặn kẽ mà cố gắng tu tập ngõ hầu đạt đến Niết bàn.
Bài văn được phân làm ba đoạn, viết theo lối biền ngẫu đối xứng hết sức cô động, xúc tích với niêm luật chặt chẽ, mỗi đoạn liên kết với nhau như không thể tách rời. Bắt đầu từ lời kêu gọi: “Chư nhân đẳng” (mọi người lắng nghe) đã nói lên tầm quan trọng của bài phổ thuyết. Điều này được dựa trên những lời của Đức Phật vẫn thường dạy trong các kinh Nikaya khi thuyết pháp với hội chúng: “Này các Tỳ kheo, hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói…” Đây là lời nói đầu cũng như là lời kêu gọi để nâng cao tính quan trọng mà những gì người nói sắp nói mà ở đây Trần Thái Tông muốn nói sự thật về thân phận của con người.
Đoạn tiếp theo, Trần Thái Tông đã nói rõ về sắc thân do nhân duyên mà hợp thành, nhưng sắc thân lại là thứ bất tịnh, giả hợp, cho nên mới chịu những sự đau khổ của vô thường. Sau đó, ngài đưa ra những phương pháp tu tập để thể nhập pháp thân thường trụ mà thoát khỏi luân hồi khổ đau.
Phần cuối là một bài kệ
“Vô vị chân nhân khối đỏ ngầu
Hồng hồng trắng trắng chớ lòe nhau
Ai hay mây cuốn trời quang đãng
Xanh biếc bạt ngàn rặng núi sâu.”
để tổng kết lại những ý chính mà bài văn biền ngẫu đã nói ở trên. Mục đích làm người đọc dễ nhớ, dễ thuộc, để suy nghiệm và hành trì, hoặc có thể xem như một công án để chiêm nghiệm tu hành hướng đến giác ngộ, giải thoát. Hình ảnh này xuất xứ từ giai thoại nhà thiền khi thiền sư Lâm Tế thượng đường dạy chúng: “trên khối thịt đỏ, có một vô vị chân nhân, thường ra vào từ cửa mặt của mọi người các ông, người chưa chứng cứ được hãy xem xem.” [26] Bài này trở thành công án chư vị thiền sư có tên Chư Vị Chân Nhân Xuất Nhập Thiền.
Tác phẩm Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông cũng kết thúc bằng bốn câu thơ chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt này để đúc kết lại những gì tác giả nói:
“Cư trần lạc đọa thả tùy duyên
Cơ tắc xa hề khốn tắc mien
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” [27]
Xuyên suốt từ đầu cho đến cuối tác phẩm Trần Thái Tông đã khéo léo lựa chọn ngôn từ, sắp xếp ý tưởng, bố cục nội dung hài hòa, đã tạo cho bài phổ thuyết một kết cấu chặt chẽ hàm súc. Người đọc có cảm giác bị lôi cuốn vào tác phẩm một cách mãnh liệt theo từng câu chữ và ý nghĩa trong bài. Với bố cục chặt chẽ của tác phẩm, tác giả đã làm cho người đọc dễ nhớ, dễ hiểu và dễ lĩnh ngộ nội dung tác phẩm mọi cách thấu triệt.
4.3. Ngôn ngữ ẩn dụ kết hợp với hình tượng văn chương
Lời văn được xây dựng bằng những hình ảnh sống động, nhiều màu sắc, đôi khi rất mỹ miều diểm lệ, có lúc lại ai oán bi than, nhưng cũng có lúc lại rất trầm bổng đầy hào khí. Người đọc thỏa sức để liên tưởng, kết nối những hình ảnh đó lại để thấy một bức tranh hiện thực, bao gồm nhiều đường nét mô tả, thậm chí có khi nghe được cả âm thanh vừa bi, vừa hùng ẩn chứa đằng sau những đường nét đó.
Nói chung, bút pháp hiện thực, mô tả thì chân thật, giọng điệu thì hết sức truyền cảm. Đọc mỗi câu, mỗi chữ trong bài, người đọc cảm thấy có bóng dáng mình ở trong đó. Bởi lẽ, nhà văn nói về cuộc đời của mình cũng là nói đến cuộc đời của muôn người. Tác giả đã bằng một giọng điệu tự thán với lòng mình, đồng nghĩa tự mình cảnh tỉnh với chính mình. Dù cho mình là bậc đế vương cũng nằm trong vòng hệ lụy, biến đổi của sanh tử. Hình ảnh từ một người được sinh ra rồi trưởng thành…ai cũng theo bánh xe thời gian mà bị chuyển hóa. Thân xác phải tan rã, tinh thần phải tiều tụy, có gì đâu mà phải nắm giữ, mà luyến tiếc. Sự thật con người được phơi bày qua các thân phận, thân phận đó dù là kẻ cùng đinh, dù là bậc vương giả cũng phải bình đẳng trước cái chết. Thế nên, “trần gian dù trăm tuổi, trăm năm, địa ngục mới một ngày, một tối”. Bởi thế, Trần Thái Tông mới khuyến cáo mọi người thay đổi cái nhìn từ hiện thực cuộc sống. Mỗi người cần phải tự nhìn lại, cảnh tỉnh, quán chiếu lại với chính mình.
Viết Khóa Hư Lục, Trần Thái Tông rất khéo léo trong việc sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ. Ẩn dụ là phép so sánh ngầm, lấy hình tượng này để diễn bày đối tượng khác, không nói trắng hết ra mà để người đọc tự chiêm nghiệm chủ ý tác giả nằm phía sau lớp ngôn từ kia. Không phải mất nhiều lời lẽ để diễn tả, chỉ với vài hình tượng ẩn dụ, Trần Thái Tông đã giúp người đọc thẩm thấu tới tận gốc rễ của vấn đề. Cụ thể, Ngài dùng hình ảnh bộ xương khô, túi da bẩn, thùng phân thối để chỉ cho sắc thân giả hợp. Sắc thân ấy vốn vay mượn từ tứ đại, hình thành bởi ngũ uẩn, đã không có gì đáng quý lại càng nhơ nhớp dơ bẩn.
Trái với sắc thân là pháp thân. Cũng vẫn mượn ngôn ngữ ẩn dụ, Trần Thái Tông đưa ra hình ảnh “vô vị chân nhân”, “bản lai diện mục”, “pháp thân” để chỉ cho cái chân thật ấy. Vô vị chân nhân là con người thật, không nương vào đẳng cấp, vượt cả phàm thánh, tức là con người giải thoát. Bản lai diện mục là bộ mặt thật xưa nay, tức cái chân thật trong ta, cũng chỉ cho chân tâm, Phật tánh. Pháp thân là một trong ba thân của Phật: pháp thân, báo thân, ứng hóa thân; chỉ cho tánh thật xưa nay của vạn pháp, cũng là thân chân thật của mười phương chư Phật.
Một vài hình tượng văn chương khác cũng được sử dụng thật khéo léo. Chẳng hạn khi diễn tả về một đời người, Trần Thái Tông không nói: “mạng sống con người thật ngắn ngủi” mà Ngài lại bảo: “trăm cái xuân thu ở nhân gian, chỉ một đêm ngày trong địa ngục”; hoặc khi nói về tâm giải thoát thênh thang rỗng lặng, Ngài lại đưa ra hình tượng “bầu trời quang đãng”, “xanh biếc bạt ngàn rặng núi sâu”. Có thể nói, các hình tượng văn chương và ẩn dụ xuyên suốt tác phẩm đã thay thế ngôn từ một cách hoàn hảo, nói lên đầy đủ ý nghĩa về hai mặt đối lập của con người: sắc thân giả tạm và pháp thân vĩnh hằng.
4.4. Bút pháp tả thực đi kèm với lối văn biền ngẫu và các hình ảnh so sánh
Để chỉ rõ sự thật về sắc thân, Trần Thái Tông đã chọn cho mình bút pháp tả thực để diễn đạt. Với bút pháp này, Ngài đưa ra những điều thực tế nhất mà không ai chối cãi được. Chẳng hạn như khi nói về sự mê đắm của con người vào ngũ dục, Ngài viết: “chẳng lo già bệnh chết kề, chỉ tham rượu sắc của cải, tranh nhau sừng sên đầu nhặng, cam chịu khóa lợi xiềng danh”. Lúc nói về xác thân xú uế thì Ngài ví như “thùng phân thối”, “túi máu tanh”, còn khi diễn tả thân xác con người lúc chết, Ngài viết: “thối nát thì trôi máu trôi mủ, ô uế thì xông đất xông trời, đen xạm chẳng dám nhìn, tím xanh thật dễ sợ”. Thái độ của con người thì: “người đời đều bịt mũi mà bước, con hiếu phải lấy lồng để che”. Và cuối cùng: “nhặt cốt thu hài, chôn thây lấp xác, quan quách đốt một mồi dã hỏa, nấm đất táng muôn dặm giang sơn, thưở xưa tóc mượt má hồng, ngày nay tro tàn xương trắng.” Đó là những hình ảnh tả thực về sắc thân từ khi còn sinh tiền đến lúc từ giã cõi đời, trở về cát bụi.
Bên cạnh bút pháp tả thực, Trần Thái Tông còn sử dụng lối văn biền ngẫu suốt từ đầu cho đến cuối văn bản. Biền ngẫu là lối văn cổ gồm những cặp câu có hai hay nhiều vế đối nhau, đòi hỏi người viết phải có trình độ văn chương xuất cách, cộng thêm sự am tường về vấn đề một cách thông suốt, hình ảnh sử dụng chọn lọc, độc đáo. Ta thường gặp lối văn này trong các bài hịch, phú, văn tế. Chẳng hạn như các bài: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bình Ngô đại cáo,… đều được viết theo lối văn biền ngẫu.
Ở đây, Trần Thái Tông đã vận dụng nhuần nhuyễn thể loại này. Chẳng hạn khi nói con người ngày đêm rong ruổi theo danh lợi không thôi, Ngài viết: “ban ngày nhọc sức cầu may, trong đêm trở thành mơ mộng”. Đến lúc chết: “hồn phách tuy về ngạ quỷ, thi hài còn ở nhân gian”. Đáng thương thay: “thưở xưa tóc mượt má hồng, ngày nay tro tàn xương trắng”. Vậy nên hãy mau tỉnh ngộ: “vươn mình nhảy thoát hố tử sinh, búng tay xé toang màn ân ái”, và: “phá sáu giặc làm sáu thần thông, hòa tám khổ làm tám tự tại”.
Mỗi câu đọc lên như thấm vào tận xương tủy. Trần Thái Tông lần lượt nêu ra các hình ảnh đối xứng kết hợp với lối so sánh để cảnh tỉnh con người: “ban ngày” đối với “ban đêm”, “ngạ quỷ” đối với “nhân gian”, “tóc mượt má hồng” đối với “tro tàn xương trắng”; tử sinh ví như hố thẳm, ân ái dụ như màn lưới giăng, sáu giặc nếu khéo chuyển sẽ thành sáu thần thông, tám khổ nếu khéo tu sẽ thành tám tự tại. Đọc những lời văn tha thiết như thế, ta mới cảm nhận được tấm lòng vị tha của Ngài. Thật cao cả lắm thay!
4.5. Sử dụng nhiều điển tích, điển cố nhà Phật.
Để chỉ cho sắc thân huyễn ảo, để xây dựng pháp thân vĩnh cửu. Điển cố là một nghệ thuật tu từ, mượn tích xưa trong giáo lý nhà Phật để minh họa cho cái ý tưởng mà mình muốn diễn đạt. Mục đích là nhằm tăng thêm tính cô động và tính hàm xúc, nhưng lại mang nhiều nội dung thông điệp khác mà tác giả muốn gởi gắm cho độc giả.
“Vô vị chơn nhơn thịt đỏ au,
Hồng hồng bạch bạch chớ lầm nhau,
Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh,
Sương biếc bên trời một núi xanh”[28].
Trong bài này tác giả sử dụng nhiều điển cố như: “đăng đầu oa giác” (đầu lằn sừng ốc), “vô vị chân nhân” (là công án của thiền Lâm Tế)…
Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng rất nhiều thuật ngữ Phật giáo được rút tỉa trong kinh điển như: “sắc thân”, “Pháp thân”, “lục thông”, “lục căn”, “lục trần”, “bát khổ”…
Thông qua đó, tác giả muốn chỉ rõ cho mọi người nhận chân được thân phận là “sắc thân”, và tình yêu mới chính là “Pháp thân” vĩnh cửu. Việc sử dụng những hình tượng và giáo lý của Phật giáo đã giúp cho tác phẩm của Trần Nhân Tông đa chiều cạnh và nhiều âm sắc hơn, làm cho người đọc càng giàu them trí tưởng tượng trong tuyệt tác văn chương này.
KẾT LUẬN
Như vậy, triết lý Khoá Hư Lục của Trần Thái Tông đã giải đáp thoả mãn các vấn đề mà người ta thường đặt câu hỏi để tra vấn tìm câu giải đáp cho tri thức loài người. Trần Thái Tông đã mở ra cánh cửa bí mật bằng tâm thức giác ngộ của mình, Ngài đã phơi bày ra ánh sáng những điều mà chưa một triết gia nào làm được, đó là vấn đề vũ trụ và bản chất cuộc sống con người.
Ông khuyên mọi người hãy trở về với tâm vốn thanh tịnh và trong sáng của mình “lòng lặng mà biết thì gọi là Phật chơn thật”[29]. Không ngoài sự tướng mà có sự vật, mà dung hoà tất cả làm một, một là tất cả. Nói chung khi tâm chưa khai ngộ thì cái thực tại không hình sắc nổi lên, cái ý thức mê lầm danh sắc cũng nổi lên. Tham đắm chấp trước thân sắc ngũ uẩn rồi sinh ra đau khổ. Ngược lại, nếu đã ngộ lý chân thật rồi thì mọi vật đều thực tại như như bất động.
Phật tính là thực tại tối cao, cái bản lai tính giác ấy sẳn có nơi chúng sanh, kẻ trí hay ngu đều có khả năng giác ngộ cả. Bằng phương thức của Trần Thái Tông, Ông đã hành động thực hiện nối liền đời sống nhập thế lẫn xuất thế, hoà nhập giữa xã hội với thiên nhiên, giữa nhân sinh với nghệ thuật sống, Ông cởi mở các hệ luỵ vướng mắc về sắc thân để đi đến giải thoát tự tại.
Vì thế, mới nói Trần Thái Tông là một vị vua nhưng cũng là một vị thiền sư, Ông đã liễu ngộ được các pháp. Và thật sự giác ngộ giải thoát ngay đời sống hiện tại này vậy. Không chỉ thế mà ông đã khéo léo vận dụng sự chứng ngộ Phật pháp của mình để viết lên những tác phẩm bất hủ lưu truyền cho thế hệ mai sau. Phải chẳng những là một vị vua, một thiền gia, một triết gia mà còn là vị Bồ tát hóa thân vòa cuộc đời này để đem lại sự hòa bình cho đất nước trong khi quân Nguyên – Mông xâm lược.
Tư tưởng nội dung của Phổ thuyết sắc thân đã mang đến cho con người một cái nhìn mới về sự thật của xác thân này mà còn giá trị nghệ thuật cũng khá phong phú khi ông sử dụng trong tác phẩm để người sau còn nối tiếp ông để cho ra đời những tác phẩm đặc sắc hơn. Phải nói rằng ông là người đã đặt nền tảng về tư tưởng cho thiền phái Trúc Lâm sau này mà ảnh hưởng nhiều nhất là vua Trần Nhân Tông cháu nội ông. Âu đó cũng là một sự tiếp nối tốt đẹp đã làm rạng danh không những cho sự phát triển của nước nhà mà còn cho cả sự phát triển của Phật giáo nữa.
Thích Pháp Như
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sa môn Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa Hư Lục (Trần Thái Tông). Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003.
- Nguyễn Đăng Thục (dịch và chú thích), Khóa Hư Lục. Sài Gòn: Khuông Việt xuất bản, 1972.
- HT. Thích Thanh Từ, Khóa Hư Lục Giảng Giải. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001.
- HT. Thích Thanh Từ, Chân Tâm Trực Thuyết Giảng Giải. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007.
- HT. Thích Thanh Từ, Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập I – II – III. Hà Nội: NXB Văn Học, 2000.
- Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Thái Tông. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004.
- Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 3. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006.
- Lê Mạnh Thát, Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam, tập 3. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001.
- Viện văn học, Thơ Văn Lý Trần, tập 2. Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1989.
- Cao Huy Giu (dịch), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2006.
- Nguyễn Công Lý, Văn Học Phật Giáo Thời Lý – Trần Diện Mạo và Đặc Điểm. TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, 2003.
- Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tài liệu hội thảo Phật Giáo Trong Thời Đại Mới Cơ Hội Và Thách Thức. TP. Hồ Chí Minh, lưu hành nội bộ, 2006.
- Nguyễn Khắc Thuần, Đại Cương Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh, NXB Giáo Dục, 2005.
- Và một vài tài liệu khác.
[1] Lời khuyên của Quốc sư Phù Vân với Trần Thái Tông.
[2] Cao Huy Giu (dịch), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2006, tr. 398.
[3] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Thái Tông. TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2004, tr. 321..
[4] Nguyễn Đăng Thục, Thiền Học Trần Thái Tông. Nxb Văn Hoá Thông Tin Hà Nội, 1996, tr.63.
[5] Thích Phước Đạt, Tài Liệu Giảng Dạy, tại Học Viện Vạn Hạnh, TP. Hồ Chí Minh (26-3-2011)
[6] Toát yếu Tỳ kheo ni Pháp Quang, kinh Tứ niệm xứ, http://www.quangduc.com
[7] Nguyên văn chữ Hán: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
[8] Lời ca khúc Giã từ huyễn mộng của nhạc sĩ Giác An
[9] Câu thơ trong bài kệ Cáo tật thị chúng của thiền sư Mãn Giác, chữ Hán: Sự trục nhãn tiền quá, lão tùng đầu thượng lai
[10] Nguyên văn chữ Hán: “Nhữ khả tử tế khán lai, chỉ giá sắc thân vị nhập bào thai chi nhật, ná xứ đắc hữu? Cái niệm khởi quyên hội, ngũ uẩn hợp thành, thể mạo vọng sinh, hình dung giả xuất.” (Thơ Văn Lý Trần, tập II, trang 53)
[11] Thích Trí Quang, Quy Sơn cảnh sách,
[12] Thích Quảng Thiện, Bài viết Vay mượn đăng trên www.phatgiaodaknong.com
[13] Sa Môn Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa Hư Lục (Trần Thái Tông). Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003, tr. 22.
[14] Nguyên văn chữ Hán: “Tỵ trước chư hương thiệt tham vị/ Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh/ Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách/ Nhật viễn gia hương vạn lý trình.”
[15] Sa Môn Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa Hư Lục (Trần Thái Tông). Sđd, tr. 23.
[16] Như trên, tr. 23.
[17] Như trên, tr. 23.
[18] Như trên, tr. 23.
[19] Thiền Sư Minh Chánh
[20] Nguyên văn chữ Hán: “Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên/ Xuất ố nê trung sắc chuyển tiên/ Hành trục ngẫu không bồng hựu thực/ Tu hành diệu lý diệc như nhiên.”
[21] HT. Thích Thanh Từ, Chân Tâm Trực Thuyết Giảng Giải. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007, tr. 193-194.
[22] HT. Thích Thanh Từ, Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20. TP. Hồ Chí Minh: NXB TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 135.
[23] HT. Thích Thanh Từ, Chân Tâm Trực Thuyết Giảng Giải. Sđd, tr. 195.
[24] Sa Môn Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa Hư Lục (Trần Thái Tông). Sđd, tr. 24. Nguyên văn chữ Hán của bài kệ là: “Vô vị chân nhân xích nhục đoàn/ Hồng hồng bạch bạch mạc tương man/ Thùy tri vân quyển trường không tịnh/ Thúy lộ thiên biên nhất dạng san.”
[25] Tiến sĩ Nguyễn Kim Châu, Ngộ và hành trình trải nghiệm đời sống của thiền nhân đời Trần, Đại học Cần Thơ, http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
[26] Trích theo Sa Môn Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa Hư Lục (Trần Thái Tông). Sđd, tr. 25.
[27] Dịch tiếng Việt: Ở đời vui đọa hãy tùy duyên, đói cứ ăn đi mệt ngủ liền, trong nhà có báu thôi tìm kiếm, đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.s
[28]Thích Thanh Từ, Khoá Hư Lục Giảng Giải. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Ban Văn Hoá Trung Ương. Thiền Viện Thường Chiếu (ấn hành), 1996, tr.127.
[29] Nguyễn Đăng Thục, Thiền Học Trần Thái Tông. Nxb Văn Hoá Thông Tin Hà Nội, 1996, tr. 63.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét