Nhà sư của người nghèo
Vừa giảng bài về đạo hiếu cha mẹ, nghĩa phu thê cho phật tử trong đại sảnh xong, sư trụ trì Thích Từ Giang liền ghé sang xem tình hình khám chữa bệnh cho người nghèo ở phòng mạch phía sau sân chùa. Công việc hằng ngày của Thượng tọa Thích Từ Giang là thế. Tu mà rất gần gũi với đời.
Nhằm xoa dịu nỗi bất hạnh trong cộng đồng, năm 1989, sư Thích Từ Giang xin UBND quận 4 tạo điều kiện về mặt bằng để thành lập Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật đầu tiên của TP sau ngày giải phóng, tại số 91 Nguyễn Khoái. Đó cũng là thời điểm mà chính quyền TP chọn là “Năm thiếu nhi”.
Từ gần 2 thập niên qua, trung tâm là nơi đùm bọc, che chở, điều trị bệnh tật, phục hồi chức năng hoàn toàn miễn phí cho hàng trăm trẻ em trên địa bàn và các tỉnh lân cận bị mắc các hội chứng down, thiểu năng trí tuệ, liệt chi, câm-điếc, động kinh…
Việc nuôi dạy trẻ khuyết tật là cả một quá trình lao động cực nhọc và kiên trì, bởi các em không làm chủ được hành vi, sinh hoạt của mình. Cảm tấm lòng nhân ái của sư, nhiều người, trong đó có 2 cô em gái của sư, tình nguyện chung tay gắn bó với trung tâm để dìu dắt các em nhỏ khuyết tật trở trành người hữu ích cho xã hội.
Để phục vụ được nhiều bệnh nhân, chữa trị được nhiều loại bệnh, sư chủ trương kết hợp đông-tây y và vận động được nhiều lương y, bác sĩ, nha sĩ, y tá, kỹ thuật viên nhiệt tình cộng tác.
Thượng tọa Thích Từ Giang đã gắn cả nghiệp tu hành của mình với công việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Sư đã được Nhà nước trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ và Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
QUÝ LÂM (Theo Sài Gòn Giải Phóng)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét