Sự hấp dẫn từ một vùng đất
Trung tâm bao gồm hơn 1.000 ha rừng tràm với khoảng 19 giống tràm các loại, trong đó cây tràm gió chiếm diện tích 800 ha được xem là lớn nhất Việt Nam . Tràm gió là nguồn dược liệu quý mà Trung tâm đang khai thác để sản xuất thuốc chống nhiễm trùng, làm mau lành vết thương, phòng cảm sốt, chống viêm đường hô hấp rất hiệu quả. Dầu khuynh diệp dùng cho trẻ sơ sinh nổi tiếng từ lâu cũng được chiết xuất từ loài cây này. Khu bảo tồn dược liệu rộng 15 ha với hàng trăm nguồn gen dược liệu quý hiếm như cây ngải tiên, hà thủ ô đỏ, nhàu rừng, mù u, diệp hạ châu… Ban đầu do cơ sở vật chất thiếu thốn, Trung tâm chủ yếu bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, chiết xuất tinh dầu, sản xuất thuốc phục vụ sức khỏe con người. Đến nay, Trung tâm đầu tư trang bị phòng thí nghiệm và xây dựng xưởng tinh chế tinh dầu hiện đại và đã sản xuất hơn 100 loại tinh dầu từ thiên nhiên như dầu tràm, dầu rau má, rau răm, rau diếp cá… được xem là bộ sưu tập tinh dầu đồng bộ nhất Đông Nam Á, trong đó, khoảng 80% đang được sử dụng để phục vụ ngành dược phẩm, 20% phục vụ ngành hương liệu và thực phẩm.
Để có được cơ ngơi như hôm nay, Dược sĩ Nguyễn Văn Bé đã phải gác công việc giảng dạy tại trường Đại học Y - Dược Tp. Hồ Chí Minh và sau này là Phó Giám đốc Công ty Dược liệu Trung ương 2 để về Đồng Tháp Mười chấp nhận vô vàn gian khó. Người dân nơi đây quen gọi ông bằng cái tên thân mật là ông “Ba đất phèn”. Với đôi dép lê, chiếc áo kaki bạc màu và khuôn mặt rám nắng, không ai nhận ra ông là một dược sĩ mà trông ông giống như một nông dân chất phác. Ông đã dành nhiều năm say mê sưu tầm các nguồn dược liệu đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long mà theo ông rất đa dạng, phong phú về chủng loại, đặc biệt cây tinh dầu để đưa về Trung tâm bảo tồn và phát triển. Lúc đầu, chúng không quen với đất phèn, bằng kiến thức của mình, ông đã cải tạo khả năng thích nghi của chúng trên đất này. Ông hướng dẫn và cùng công nhân của mình xới đất, bắt sâu để 15 ha dược liệu luôn tươi tốt mà không dùng bất kỳ một loại phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu nào mà chỉ dùng các loại phân bón hữu cơ và bã thải dược liệu sau khi đã chiết xuất tinh dầu nên dược liệu và rau quả rất sạch, an toàn cho sức khỏe. Hàng ngày, Dược sĩ Nguyễn Văn Bé cùng làm việc chung với các công nhân của mình, thật khó phân biệt ai là giám đốc, ai là nhân viên. Ông nói: “120 công nhân của Trung tâm đều là chủ cả, công nhân ý thức được rằng họ làm cho chính họ”. Chúng tôi còn được nghe ông giới thiệu về công dụng của từng loại tinh dầu và ân cần hướng dẫn cách điều trị nhiều loại bệnh bằng các loại dược liệu trong khu bảo tồn. Ông tâm sự: “Từ niềm đam mê thiên nhiên, tôi đã quyết định về đây, tôi tin rằng đó là quyết định đúng”.
Tại khu rừng tràm nguyên sinh, ông “Ba đất phèn” kể cho chúng tôi nghe những ý tưởng để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: để phát triển du lịch nơi đây, chúng tôi bảo tồn tất cả những gì thuộc về thiên nhiên và không đón tiếp khách du lịch đại trà. Khách đến đây phải là những người thật sự yêu mến thiên nhiên và có ý thức giữ gìn môi trường. Tại đây vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ của rừng cùng sự phong phú của hệ động thực vật, du khách tận tay lấy mật ong ruồi, một đặc sản của Đồng Tháp Mười. Vào sâu trong rừng, chúng tôi thấy tràm mọc dày hơn, ở nhiều nơi, dòng kênh rợp bóng tràm. Hàng trăm con chim nước, cò bay vụt lên mỗi khi xuồng máy chạy qua. Vào mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 12, hàng vạn con giang sen, vịt trời, le le tụ tập về đây sinh sống. Kênh khá sâu nhưng đi đến đâu cũng thấy sen, súng vươn lên phủ đầy mặt nước. Sen ở Đồng Tháp Mười mọc tự nhiên nên có nét đẹp rất riêng. Đầu năm 2007, Trung tâm trở thành thành viên của Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM, được đầu tư xây mới 15 hạng mục, trong đó có một nhà máy sản xuất thuốc đông dược đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với hệ thống nhà nghỉ và trị liệu phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và chữa bệnh, trước mắt phục vụ cho năm du lịch Quốc gia Mê Kông - Cần Thơ 2008. Thông tin từ: Báo ảnh Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét