Vở diễn "Chuyện tình Lan và Điệp" vẫn còn đó những "Hạt sạn"
Hiếm có một chương trình cải lương nào thu hút được khán giả như thế, đặc biệt là khán giả trẻ. Ngày cả liveshow Hồn chinh phu do cải lương chi bảo Bạch Tuyết cùng các nghệ sĩ tài danh Ngọc Giàu, Phượng Liên dàn dựng khá công phu cách đây không lâu tại Nhà hát Hòa Bình cũng không được “ưu ái” từ khán giả mặc dù giá vé tương đồi mềm hơn và được cổ động rầm rộ hơn.
Bạn trẻ mặc dù không yêu thích gì cải lương trước trào lưu mạnh mẽ của nhạc nhẹ vẫn kéo đến rạp trong hai đêm diễn vừa qua cũng là điều dễ hiểu. Họ muốn tận mắt “mục sở thị” thần tượng của mình xuất hiện trên sân khấu cải lương ra sao và chất giọng vốn quen với nhạc nhẹ có kham nổi những câu vọng cổ “dài đứt hơi” hay không? Xuyên xuốt hai đêm diễn, những tràng pháo tay liên hồi vang lên như minh chứng cho điều đó. Đặc biệt, hai ca sĩ Cẩm Ly và Minh Thuận diễn xuất khá đạt, đôi lúc còn lấy được cả nước mắt của khán giả khi chuyển tải những cảnh éo le về cuộc tình mà Lan và Điệp đang trải qua. Ngoài ra, phải kể đến ca sĩ Thu Minh khi cô hoàn thành xuất sắc vai Thúy Liễu - tiểu thư của một vị quan lớn, cả Trung Dân và Cát Phượng trong vai hai vợ chồng quan phủ cũng mang đến cho khán giả những trận cười thú vị với những màn tung hứng không quá cầu kỳ. Vở diễn còn thành công trong việc dẫn dắt câu chuyện khá mới thông qua phần trình diễn tân nhạc một cách nhẹ nhàng của các ngôi sao hiện nay: Phương Thanh, Thanh Thảo, Hồng Ngọc, Đàm Vĩnh Hưng v.v...
Tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn không thể làm nên một “bữa tiệc” cải lương trọn vẹn như mục diễn đàn của Giác Ngộ số trước đã cảnh báo. Điều này đã được tiên liệu nhưng những người trong cuộc và cả các cơ quan chức năng dường như chưa thể hiện sự thiện chí rút kinh nghiệm và thay đổi. Từ đó, đã để lại những “hạt sạn” rất đáng tiếc mà người viết kịch bản không biết vô tình hay cố ý.
Trong vai một khán giả ngồi xem dưới khán phòng, chúng tôi thật sự cảm thấy khó mà lọt lỗ tai khi trên sân khấu, các vai diễn khá lạm dụng từ “đi tu” ngay trong một số trường hợp không liên đới gì cả. Nếu chúng tôi đếm không lầm thì có đến trên dưới 5 lần nhân vật Lan sử dụng từ này trong lời thoại với Điệp lúc Điệp sắp rời quê lên thành phố trọ học. Ngay cả nhân vật Thúy Liễu dù đã bụng mang dạ chửa thế mà vẫn “hù” bố mẹ mình sẽ “bỏ vào chùa ở” nếu không tìm cách giải quyết êm thắm việc cô ta không có chồng mà vẫn có thai. Không lẽ, việc xuất gia dễ dàng đến vậy sao mà đụng chuyện là đòi “lên chùa đi tu” trong khi bối cảnh của câu chuyện là thời Nho gia phong kiến Việt Nam? Đành rằng, trong giai đoạn nào của xã hội vẫn có những con người vì buồn chán chuyện gia đình, vì những bất trắc cuộc sống mà nương thân chốn thiền môn để tìm sự an ủi thời gian còn lại. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải là đa số, không đại diện cho cái chung và càng không thể hiện được tinh thần của Phật giáo khi giải thích về nhân duyên xuất gia tu học của một người nào đó. Khi dựng vở diễn này, những người trong cuộc có lẽ đã tìm hiểu tinh thần trên nhưng không hiểu vì sao lại để các nhân vật trên sân khấu phát biểu khá “bừa bãi” như thế !?
Đó là chưa kể đến lúc cao trào trong lời thoại giữa Thúy Liễu với mẹ mình là bà phủ, khi cô nói “hù” gia đình bằng chuyện “vào chùa ở” của mình, bà phủ (nghệ sĩ cát Phượng thủ vai) đã luôn miệng chêm vào “chùa nào mà dám chứa mày” va "ở trong đó lăng nhăng rồi vài năm nữa lại “ra một bụng bầu”! Cách nói này dễ làm người khác hiểu lầm vì vào chùa rồi mà còn dẫn đến hậu quả là cô Liễu sẽ cho ra bụng bầu thứ hai thì ai là tác nhân của cái bụng ấy? Đành rằng, đây là một tình huống gây cười của vở diễn nhưng đã xuất hiện ra sân khấu, trước mắt biết bao người xem thì câu nói cần nên cẩn trọng.
Liên quan đến những hình ảnh xúc phạm người tu sĩ Phật giáo xuất hiện trên các mặt báo trước lúc công diễn vở cải lương này mà độc giả khắp nơi phản ảnh, chúng tôi đã cẩn trọng quan sát và nhận thấy có một vài thay đổi đáng ghi nhận. Qua hai đêm diễn, không còn thấy cảnh Điệp giả dạng nhà sư về gặp lại Lan lúc bệnh nặng và Điệp đã vuốt ve, âu yếm Lan khi hai người đã hóa thành người tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn bắt gặp hình ảnh Điệp với bộ mặt đau thương vòng tay ôm người tình cũ là Lan trong trang phục một vị Ni cô lúc hấp hối và sau đó lại bồng Lan khi cô qua đời. Mục đích cuối cùng của một tác phẩm nghệ thuật suy cho cùng là giáo dục nhân cách con người, giáo dục đạo đức xã hôi phù hợp với lợi ích chung của nhiều người. Đã không làm được điều này thì cũng không nên làm phương hại thêm.
Qua những gì được trình bày trên, đây có lẽ là một bài học dành cho cả những người trong cuộc và những cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một tác phẩm nghệ thuật trước lúc công diễn đều phải thông qua hội đồng xét duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về mặt văn hóa. Tuy nhiên, trường hợp này, Hội đồng xét duyệt chưa phải là tất cả và vẫn thể hiện sự thiếu sót không nên có. Nếu như trong Hội đồng xét duyệt có sự tham gia của vị tôn túc đại diện cho Thành hội Phật giáo phụ trách về văn hóa xem xét và ghi nhận những nội dung liên quan Phật giáo thì đã không xảy ra những điều đáng tiếc.
Nhật Huy (Theo giacngo.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét